Tai nạn thương tích ở Việt Nam: Mỗi năm cướp đi hơn 35 ngàn người

Tai nạn thương tích (TNTT) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Mỗi năm ở Việt Nam có tới hơn 35.000 trường hợp tử vong do các nguyên nhân tai nạn khác nhau. Trong đó tai nạn giao thông (TNGT) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu chiếm tới 43% - khoảng 15.000 trường hợp, tiếp đến là đuối nước và ngã. Đây là kết quả được cung cấp tại buổi Công bố kết quả khảo sát TNTT năm 2010 sáng 4-5.

Tai nạn thương tích (TNTT) là một trong những nguyên nhân

gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam - Ảnh: T.L

Phức tạp

Cuộc khảo sát TNTT năm 2010 (VNIS 2010) là cuộc khảo sát có qui mô toàn quốc với 50.000 hộ gia đình được chọn trên 63 tỉnh thành. Kết quả khảo sát cho thấy, TNTT là nguyên nhân gây ra từ 43-63% tử vong ở nhóm từ 5-19 tuổi và 9,6% tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. TNGT là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong và tập trung chủ yếu trong nhóm tuổi lao động.

Nghiên cứu thực trạng tử vong do tai nạn giao thông được thực hiện bởi một nhóm tác giả của Cục Quản lý môi trường y tế cũng chỉ ra rằng, vùng Đông Nam Bộ có tổng số tử vong do tai nạn giao thông cao nhất, đứng thứ hai là vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Hà Nội được đánh giá là địa phương có tổng số tử vong do tai nạn giao thông cao nhất (gần 1.000 trường hợp), tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia từ năm 2005-2010 cho thấy, mỗi năm trung bình có khoảng 12.000-14.000 người chết và trên 20.000 người bị thương do TNGT, trong đó trẻ em chiếm khoảng 35%.

Kết quả điều tra VNIS 2010 cũng cho thấy, ngã là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các nguyên nhân TNTT, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng trên 60 tuổi. Đuối nước là nguyên nhân TNTT gây tử vong đứng thứ 3 trong quần thể đặc biệt tập trung vào trẻ em dưới 19 tuổi và rất cao trong nhóm tuổi 0-4 và 5-9 tuổi. Trẻ em ở các hộ gia đình nghèo và cận nghèo, khu vực nông thôn có nguy cơ TNTT cao gấp 2 lần so với khu vực khác.

Thạc sỹ Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, những năm gần đây tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em đang diễn ra hết sức phức tạp. Có hai loại hình tai nạn thương tích gây tử vong và tàn tật trẻ em nhiều nhất là đuối nước và tai nạn giao thông. Ước tính năm 2010 có tới gần 8.900 ca tử vong, tương đương với hàng ngày có 24 trẻ em từ 0-19 tuổi bị tử vong do tai nạn thương tích. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong-chiếm khoảng 50% số tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em.

Bỏng là nguyên nhân lớn thứ 7 gây thương tích ở Việt Nam, tuy nhiên tỷ suất thương tích đặc biệt cao trong nhóm trẻ em dưới 5 tuổi.

Gánh nặng khổng lồ do TNTT... để lại

Theo đánh giá của các chuyên gia, một điều đáng lo ngại nữa được đặt ra là còn có hàng trăm ngàn trường hợp bị tai nạn thương tích không dẫn đến tử vong mỗi năm đang cần được điều trị và có thể phải chăm sóc lâu dài. Đây chính là gánh nặng khổng lồ mà hệ thống y tế cũng như các gia đình, cộng đồng và xã hội đang phải gánh chịu..

Theo kết quả khảo sát tỷ suất TNTT không tử vong ở Việt Nam khá cao, ước tính một năm có tới 1,8 triệu lượt người bị TNTT khác nhau phải nghỉ việc hoặc cần đến chăm sóc y tế. Theo tính toán với tỷ lệ 36% nạn nhân phải nhập viện tối thiểu 1 ngày thì chỉ tính riêng các nguyên nhân TNTT thì hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam mỗi năm phải đón nhận tới 600.000 nạn nhân do TNTT tới điều trị và nằm viện trung bình mỗi người là khoảng 10 ngày.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra một thực tế, mặc dù có sự thay đổi tích cực cả về tử vong và thương tích nhưng mô hình TNTT ở Việt Nam vẫn không có nhiều thay đổi. Nguyên nhân gây tử vong và thương tích hàng đầu ở Việt Nam vẫn là TNGT và đuối nước. Đặc biệt, TNTT cũng có sự phân hóa cao giữa các nhóm tuổi, vùng miền và các nguyên nhân tai nạn thương tích khác nhau. Trung du miền núi phía Bắc 53,5/100.000 dân và Đồng bằng Sông Hồng 52,8/100.000 dân) là nơi có tỷ suất tử vong cao nhất trong cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Doãn Mậu Diệp, TNTT đã để lại hậu quả nặng nề, có đến 35% trường hợp TNTT để lại di chứng, trong đó, 6% tàn tật vĩnh viễn. Những con số này được tích lũy hàng năm và tạo ra một gánh nặng lớn cho Việt Nam trong việc chăm sóc và cung cấp các phúc lợi xã hội cho nhóm này. Ngoài ra, các di chứng do TNTT cũng sẽ làm mất đi cơ hội việc làm và tạo thu nhập cho gia đình của nạn nhân và góp phần đẩy họ vào nguy cơ đói nghèo. Chính vì vậy, với thiết kế và quy mô lớn khảo sát sẽ cung cấp một bức tranh tổng thể đúng đắn về thực trạng TNTT ở Việt Nam và là số liệu nền tảng cho việc thiết lập và lập kế hoạch ưu tiên phòng chống TNTT trong những năm tiếp theo. "Cuối năm, 2011 Bộ LĐ-TB &XH đã trình Chính phủ Chương trình phòng chống TNTT ở trẻ em giai đoạn 2012 -2015. Đây là Chương trình can thiệp đồng bộ, đa ngành. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chương trình sẽ là một động lực vững chắc để giải quyết vấn đề TNTT ở trẻ em Việt Nam hiện nay”-Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết thêm.

Lê Bảo

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=49772&menu=1390&style=1