Tái hiện khu Đấu xảo Hà Nội hơn 100 năm trước

Ít ai biết, hơn 100 năm trước, các triển lãm và hội chợ quốc tế đã được tổ chức tại khu Đấu xảo Hà Nội, chứng thực nơi đây là trung tâm kinh tế, thủ công mỹ nghệ hàng đầu châu Á.

Xem các bức ảnh được giới thiệu trong triển lãm “Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ”, khai mạc chiều 26.1 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước tầm vóc và quy mô của khu Đấu xảo Hà Nội. Nơi đây có gian hàng của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Vân Nam (Trung Quốc), Philippines, Malaysia, Myanmar… Việt Nam với tư cách chủ nhà cũng trưng bày khối lượng đồ sộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Đại biểu và khách xem triển lãm

Khu Đấu xảo Hà Nội, tên tiếng Pháp là Grand Palais Hà Nội, phỏng theo công trình Grand Palais tại Paris, Pháp - tổ hợp triển lãm phức hợp kinh tế, văn hóa, nghệ thuật. Đây là công trình tráng lệ và đồ sộ, mang dấu ấn của Toàn quyền Paul Doumer. Khu Đấu xảo Hà Nội được người Pháp xây dựng trên đại lộ Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo) rộng chừng 17ha, do kiến trúc sư Adolphe Bussy thiết kế.

Căn cứ vào bản đồ chi tiết khu triển lãm và hội chợ quốc tế cho thấy, Grand Palais Hà Nội là một hình chữ nhật được giới hạn bởi phía bắc là đại lộ Gambetta, phía nam là phố Dufourcq (nay là phố Nguyễn Du), phía đông là phố Delorme (nay là phố Trần Bình Trọng), phía tây là phố Bovet (nay là phố Yết Kiêu).

Đỗ Hoàng Anh, Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, cho biết, vào thời điểm Paul Doumer cho xây dựng khu Đấu xảo, diện tích Hà Nội chỉ 3km2. Khu Đấu xảo sát với ga Hàng Cỏ, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Kể từ năm 1924, khu Đấu xảo còn có thêm một vệ tinh là Trường Mỹ thuật Đông Dương, tạo nên sự phát triển vượt bậc cho mỹ thuật và thủ công mỹ nghệ xứ Đông Dương. Ngôi trường này phục vụ cho Đấu xảo về việc trang trí, các họa sĩ Đông Dương tham gia các hội chợ tại nước ngoài với tư cách người thực hiện.

Đức vua Thành Thái và hoàng hậu tới dự khai trương triển lãm Đấu xảo năm 1902. Ảnh: TL

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, khu Đấu xảo ngay từ đầu đã mang tầm vóc quốc tế. Kỳ đấu xảo đầu tiên năm 1902 diễn ra tấp nập, đông đúc người qua kẻ lại. Sau đó, triển lãm vào các năm 1906, 1928, 1931, 1938 giúp chúng ta phần nào hình dung thêm quy mô, tầm vóc của sự kiện này.

Nói về Đấu xảo Hà Nội năm 1902, bà Đỗ Hoàng Anh cho biết thêm, đây còn gọi là triển lãm các sản phẩm nông nghiệp, kỹ nghệ và nghệ thuật chính thức mở cửa vào 8h30 ngày 16.11.1902, giới thiệu những tiến bộ vượt bậc của nước Pháp ở Đông Dương, sau gần 20 chinh phạt khu vực này. Đây cũng là dịp để nước Pháp thể hiện những thành tựu về thủ công nghiệp, thương mại và sự mở rộng kỳ diệu của một thành phố “Pháp” ở Hà Nội.

Khách tham quan khi vào triển lãm qua cổng chính lớn có thể thấy ngay trước mắt là tòa trung tâm; bên phải là cụm phòng trưng bày và các tòa dành cho nước Pháp và các thuộc địa; bên trái là khu vực dành cho Đông Dương. Hai đầu là các khu vực dành cho các nước châu Á, các quốc gia Đông và Bắc Á. Bên phải là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; bên trái là Đông Nam Á và Tây Á, Thái Lan, Miến Điện, Đông Ấn, Đài Loan, Borneo…

Khu vực Đông Dương, trưng bày các lâm sản của Đông Dương. Các phòng trưng bày không chỉ dành riêng cho các sản phẩm của thuộc địa mà còn dành cho các nhà buôn và công nhân của Đông Dương, sản phẩm kỹ nghệ và hàng hóa mà họ nhập khẩu và kinh doanh tại Đông Dương và châu Á.

Tòa trung tâm trưng bày các bộ sưu tập đặc biệt không phân biệt quốc gia như: tưng bày của Trường Đại học Đông Dương của Pháp, các thành phố của Đông Dương, các sở địa lý, khí tượng học, quân sự…

Diện tích của các phòng trưng bày dành cho nước Pháp và các thuộc địa Pháp khoảng 3.000m2. Phía sau tòa nhà trung tâm và song song với công trình này, có phòng trưng bày nghệ thuật, dành riêng cho Triển lãm hội họa hay Triển lãm nghệ thuật Pháp...

Hình ảnh về các kỳ triển lãm và hội chợ quốc tế tại Khu Đấu xảo Hà Nội hơn 100 năm trước

Qua bộ ảnh tư liệu Kỳ đấu xảo năm 1928, 1938... người xem cũng hình dung được quy mô, tầm vóc của khu vực này. Theo đó, triển lãm tại đây cũng phân thành nhiều khu vực với nhà Annam (Việt Nam), nhà Ấn Độ, nhà Nhật Bản và các hãng công nghệ (như xe hơi Pháp Citroën). Riêng khu vực Việt Nam trưng bày nhiều đồ thủ công mỹ nghệ. Càng về sau, bên cạnh những mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, còn có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương...

“Có thể thấy, ở Pháp, Đông Dương từng chỉ được biết đến nhờ tiếng vang của chiến công trên chiến trường. Nhưng từ đây, người ta biết rằng nước Pháp đang sở hữu một lãnh thổ rộng lớn nơi dân cư ngày càng đông đúc, tích cực và siêng năng, họ đang sinh sống trên một vùng đất màu mỡ. Đây là cách làm hiệu quả mà người Pháp đã thể hiện qua công trình Đấu xảo", bà Đỗ Hoàng Anh cho hay.

H.Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/tai-hien-khu-dau-xao-ha-noi-hon-100-nam-truoc-i358919/