Tái hiện không gian âm nhạc cổ điển lãng mạn Nga

Một không khí âm nhạc lãng mạn Nga đã choáng ngợp không gian Nhà hát lớn trong 2 đêm “Hòa nhạc Toyota” 5-6.8 với sự thăng hoa của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Bản Honda Tetsuji và nghệ sỹ piano Vũ Ngọc Linh.

Chương trình hòa nhạc thường niên năm thứ 18 mở đầu tươi sáng và rộn ràng với khúc mở màn opera “Ruslan và Ludmila” của M.I.Glinka. Đây là khúc mở màn cho vở opera gồm 5 màn, được M.I.Glinka viết dựa trên bài thơ cùng tên của nhà thơ Nga nổi tiếng A.Pushkin đã đột ngột từ trần sau cuộc đấu súng nên không thể viết lời cho vở opera như dự kiến. Lời vở opera phải do các nhà thơ khác làm bằng tiếng Nga. Tuy nhiên, tinh thần mơ mộng của A.Pushkin vẫn được M.I.Glinka diễn tả rất rõ ràng trong giai điệu. Sự mơ mộng này còn được M.I.Glinka thể hiện trong một ca khúc phổ thơ A.Pushkin: “Tôi cầu cho em - sẽ đến với một người mến thương - và người yêu đó - cũng có trái tim như tôi”.

Chương trình được tiếp nối bằng bản concerto số 2 cung đô thứ của S.V.Rachmaninov cũng rất nổi tiếng thế giới. Giống như F.Chopin, S.V.Rachmaninov vừa là nhà soạn nhạc, vừa là nghệ sĩ piano điêu luyện. Chính ông đã thể hiện tác phẩm này của mình cùng dàn nhạc Moscow dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng A.Soloti vào mùa đông đầu thế kỷ XX. Còn trong đêm hòa nhạc này, người ngồi trước piano sau ông 116 năm là một nghệ sĩ piano trẻ người Việt Nam - nghệ sĩ Vũ Ngọc Linh, sinh năm 1982 (ảnh).

So với lần từ Mỹ trở về trình diễn, tiếng đàn Vũ Ngọc Linh đã chín. Điều đặc biệt của tác phẩm này là chương đầu tiên - một chương nhạc mà tác giả phải rất mất công sức mới có thể hoàn thành được mà lại hoàn thành sau chương cuối. Bởi vậy, khi trình diễn đòi hỏi nghệ sĩ piano phải có sự nghiền ngẫm thật kỹ lưỡng. Có cảm giác Vũ Ngọc Linh đã từ một góc riêng của cảm xúc, từ từ nhập thân vào S.V.Rachmaninov. Cũng là diễn tả nỗi buồn trước thời thế lúc bấy giờ, nhưng Vũ Ngọc Linh không “sướt mướt”, anh tự dằn vặt, tự khống chế nỗi buồn ấy bằng những nhịp đàn mạnh mẽ. Âm nhạc lúc đơn độc, lúc hòa điệu ngỡ ngàng cùng flute, hay cùng hautbois, và đặc biệt là giãi bày cùng clarinet. Xa vắng quá. Trống trải quá. Có vẻ như giai điệu đã báo trước cuộc ly hương dằng dặc của nhà soạn nhạc cô quạnh này. Nhưng vượt lên tất cả vẫn là niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc sống.

“Hòa nhạc Toyota” khép lại bằng giao hưởng số 5 cung mi thứ của P.I.Tchaiskovsky. Nếu ở hai chương đầu tràn đầy một không khí ảm đạm, u buồn và hình như có chung chủ đề với giao hưởng số 4 cũng thường được coi là “Giao hưởng định mệnh” của P.I.Tchaiskovsky, thì đến chương ba, điệu valse đã dắt dẫn người nghe hòa mình vào nông thôn Nga thanh bình với những khu vườn tĩnh mịch chỉ có tiếng lá xào xạc để rồi từ đó bay lên trong khao khát tự do.

Chương trình để lại một dư âm đẹp khi toàn bộ số tiền bán vé sẽ được trao tặng cho chương trình học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/tai-hien-khong-gian-am-nhac-co-dien-lang-man-nga-581447.bld