Tái đề xuất di chuyển ga Hà Nội: Vẫn chưa thuyết phục

Nên xem xét, di dời ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố nhằm xóa bỏ hẳn đường sắt liên tỉnh trong khu vực nội thành.

Đó là đề xuất của Thiếu tướng Phạm Xuân Bình - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, tại hội nghị về trật tự an toàn giao thông, ngày 8/8.

2 Phó Giám đốc CA TP Hà Nội lên tiếng

Với biện pháp này, tướng Bình tin tưởng sẽ giúp loại bỏ xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm và đặc biệt là hạn chế tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô. Bởi, trên thế giới chỉ còn Hà Nội và năm thành phố khác là có đường sắt liên tỉnh trong nội thành.

Trước đề xuất trên, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: "Nếu Công an Hà Nội có văn bản đề xuất di dời ga Hà Nội, chúng tôi sẽ họp xem xét cụ thể theo thẩm quyền. Nếu di dời ga Hà Nội thì phải điều chỉnh quy hoạch giao thông Hà Nội".

Thực tế, ý tưởng di dời ga Hà Nội ra khỏi trung tâm đã từng được đề xuất cách đây 2 năm, trùng lặp là ý tưởng này cũng xuất phát từ kiến nghị của Đại tá Đào Thanh Hải - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, tại cuộc họp giữa Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội ngày 15/4/2015.

Cụ thể, Đại tá Hải cho rằng, việc chuyển ga Hà Nội ra khỏi trung tâm Hà Nội là cần thiết vì mỗi lần tàu ra vào ga, ùn tắc ở các điểm giao với đường sắt thường xuyên xảy ra, lực lượng CSGT rất vất vả.

Di dời ga Hà Nội ra khỏi trung tâm

Đồng tình quan điểm, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, tai nạn đường sắt tăng mạnh trong thời gian qua mặc dù Hà Nội có nhiều giải pháp đảm bảo hành lang an toàn giao thông.

Cho nên, ngành đường sắt phải khẩn trương giải tỏa toàn bộ các trường hợp chiếm dụng kinh doanh buôn bán tại khu vực gầm cầu Long Biên, gầm cầu Thăng Long.

Trước đề xuất trên, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã bày tỏ thẳng thắn sự không đồng tình, vì ga Hà Nội nằm trong quy hoạch được Chính phủ ban hành. Hơn nữa, ga Hà Nội là nơi kết nối các tuyến đường sắt đô thị của toàn thành phố Hà Nội.

"Nếu di chuyển nhà ga ra khỏi trung tâm thành phố thì trong 10 năm nữa các tuyến đường sắt đô thị không biết kết nối như thế nào", ông Thành nói.

Đề xuất sai lầm, tốn kém

Về ý tưởng trên, hàng loạt chuyên gia quy hoạch đô thị đã từng lên tiếng cho rằng, theo công an thành phố HN thì việc di chuyển ga HN sẽ giảm bớt mức độ tập trung ở ga, nhưng xét về mặt vận tải, quy hoạch giao thông, nhìn nhận một cách khách quan, hợp lý và khoa học, thì việc di chuyển nhà ga là sai lầm.

Theo phân tích của ông Thủy thì hiện nay, trên thế giới, hầu hết các quốc gia, nhất là các thủ đô, các ga đường sắt đều nằm trong trung tâm thành phố, điển hình như ở Matxcơva (Nga), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Praha (Tiệp Khắc).

Đồng quan điểm, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch kiến trúc đô thị HN cũng cho biết: "Nếu như di chuyển cả hệ thống ra thì các hệ thống đường ray cho đến hệ thống nhà ga phải được di dời hết, như vậy thì vô cùng tốn kém, thậm chí phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Đặc biệt, trong văn bản Luật cao nhất đó là Luật thủ đô cũng có câu "Quy hoạch chung đã được phê duyệt là cơ sở để phát triển và quản lý đô thị của thủ đô HN, nếu làm thay đổi thì phải cân nhắc, thận trọng".

Đề xuất di chuyển ga Hà Nội là không hợp lý về quy hoạch, về tầm nhìn xa và cả về bảo tồn giá trị di sản", ông Nghiêm khẳng định.

Chính vì vậy, theo chuyên gia Phạm Sanh nếu như di dời ga thì tiền xây dựng ga mới không phải chuyện dễ.

Khó khăn hơn, đó là phải làm quy hoạch giao thông lại từ đầu, đấu nối lại, những tuyến đường sắt trên cao, hay là những tuyến đường sắt đô thị HN đang làm như Nhổn - Ga HN, Metro - Ga HN, tất cả sẽ xáo trộn hết. Hơn nữa, làm như vậy là đi ngược lại xu hướng TG.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tai-de-xuat-di-chuyen-ga-ha-noi-van-chua-thuyet-phuc-3340789/