Tái canh cây cà phê - Giải pháp để phát triển bền vững

Cây cà phê được đưa vào trồng ở một số xã trên vùng cao nguyên Nà Sản của huyện Mai Sơn cách đây gần 30 năm. Cây cà phê trở thành một trong những cây trồng chủ lực, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nhiều diện tích cà phê đã già cỗi nên việc tái canh cây cà phê bằng những giống mới, năng suất cao là giải pháp tích cực, đảm bảo cây cà phê phát triển bền vững.

Nông dân xã Mường Chanh chăm sóc vườn cà phê trồng mới.

Huyện Mai Sơn hiện có hơn 8.569 ha cà phê, trong đó, 6.680 ha đang cho thu hoạch, năng suất từ 12-16 tấn quả tươi/ha, sản lượng quả cà phê tươi niên vụ 2023-2024 ước đạt khoảng 104.876 tấn. Qua rà soát, nhiều diện tích cà phê của huyện được trồng lâu năm đã già cỗi, hiệu quả kinh tế ngày một thấp. Năm 2021, UBND huyện Mai Sơn đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án tái canh cây cà phê giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đến năm 2025, thực hiện tái canh bằng biện pháp trồng thay thế, ghép cải tạo, đốn cải tạo 2.300 ha, tại 11 xã trên địa bàn huyện. Sau 2 năm triển khai, nông dân các xã trồng cà phê trên địa bàn đã thực hiện trồng tái canh, ghép cải tạo, đốn cải tạo 1.043 ha cà phê, đạt 45,3% kế hoạch.

Nông dân xã Chiềng Ve thu hái cà phê.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Phòng đã phối hợp với các xã trồng cà phê rà soát, phân loại lựa chọn thực hiện trồng tái canh, ghép cải tạo, đốn cải tạo cà phê phù hợp. Cụ thể, đối với các vườn cà phê sinh trưởng kém, năng suất bình quân 3 năm liền dưới 1,2 tấn nhân/ha/năm thì thực hiện trồng tái canh; với những vườn cà phê dưới 20 năm tuổi, bị ảnh hưởng sương muối, cho quả ít, quả nhỏ, không đồng đều, năng suất bình quân 3 năm liền dưới 1 tấn nhân/ha/năm thực hiện đốn cải tạo. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình thí điểm, vận động nhân dân sử dụng các giống cà phê chè đã được cấp quyết định công nhận lưu hành, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn tập huấn kỹ thuật đốn cải tạo cà phê cho nông dân.

Xã Mường Chanh là địa phương trồng cà phê đã lâu năm của huyện, với tổng diện tích 437 ha. Ông Cầm Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Hướng đến xây dựng vùng cà phê chất lượng cao, xã đã vận động nhân dân tái canh trồng mới, cải tạo ghép cành những giống mới có năng suất, chất lượng cao; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh cây cà phê, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân bón vô cơ. Đồng thời, phát triển HTX chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các doanh nghiệp chế biến cà phê chuyển giao khoa học kỹ thuật tái canh, ghép cải tạo giống cà phê mới năng suất, chất lượng cao cho nông dân. Trong giai đoạn 2021-2025, xã phấn đấu tái canh, cải tạo 190 ha cà phê.

Gia đình ông Cầm Văn Điểm, bản Đen, xã Mường Chanh có 2,5 ha cà phê. Năm 2021, ông đã mua giống cà phê THA1 về trồng trên diện tích 5.000 m2. Hàng năm, sử dụng phân hữu cơ kết hợp với phân hóa học theo tỷ lệ phù hợp; đồng thời, khoan giếng để đảm bảo nguồn nước tưới trong mùa khô. Ông Điểm chia sẻ: Hiện nay, vườn cà phê đang sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến, sang năm vườn cà phê sẽ bắt cho thu hoạch; nếu hiệu quả, gia đình tôi sẽ tiếp tục cải tạo thêm diện tích cà phê của gia đình.

Còn tại xã Chiềng Ban, địa phương có diện tích cà phê lớn nhất huyện, với 1.250 ha, sản lượng 20.000 tấn/năm. Xã đã thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật làm đất, trồng mới cà phê, chăm sóc sau trồng; cách ủ phân, bón phân, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê. Ngoài ra còn thực hành kỹ thuật cưa, đốn tỉa cành, tạo tán, đốn trẻ hóa và đốn cây cà phê khi bị sương muối gây hại. Nhờ đó, năng suất cà phê tăng dần qua các năm.

Duy trì và giữ vững thương hiệu cà phê Sơn La, huyện Mai Sơn đã quy hoạch và xây dựng vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao tập trung, thu hút doanh nghiệp, nông dân tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững cùng có lợi. Đến nay, toàn huyện có 1.606 hộ của các xã Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong tham gia trồng hơn 1.140 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 1.168 hộ đã tham gia liên kết sản xuất, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân trong việc cải tạo, tái canh cây cà phê, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cà phê ở huyện Mai Sơn, đáp ứng những yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/tai-canh-cay-ca-phe-giai-phap-de-phat-trien-ben-vung-eIeakNMSR.html