Tách bạch giữa quản lý Nhà nước với quản lý tài sản Nhà nước

Có rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này và nhiều lập luận, giải pháp được đưa ra, tuy nhiên để giải quyết vấn đề này thì chúng ta phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hành động quyết đoán trong việc tách chức năng quản lý Nhà nước với trách nhiệm quản lý tài sản thành hai mảng nhiệm vụ riêng biệt.

Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan hành chính Nhà nước đang vẫn thực hiện song song 2 nhiệm vụ quản lý Nhà nước và quản lý tài sản trong cùng một lĩnh vực như vừa quản lý Nhà nước về điện lại vừa bán điện, quản lý Nhà nước về công chứng lại vừa thực hiện công chứng, quản lý Nhà nước về đấu giá lại vừa thực hiện dịch vụ đấu giá...

Điều này không những đã hạn chế vai trò quản lý nhà nước mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân và các đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Ngoài ra, chế độ quản trị doanh nghiệp cũng còn nhiều bất cập, trong đó nổi lên là việc không phân định được người chủ thực sự sở hữu vốn Nhà nước và người quản lý DNNN.

Vì vậy, người quản lý DNNN không phải chịu trách nhiệm trước một chủ sở hữu cụ thể nào. Đặc biệt là chưa có cơ chế giám sát hiệu quả việc thực hiện các nghĩa vụ của người quản lý DNNN trước quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu.

Khoa học quản trị đã chứng minh rằng phải tách bạch ra khỏi vai trò Nhà nước và quản lý tài sản, ngân sách là đúng đắn, phù hợp nhất. Bởi vì, cơ quan quản lý Nhà nước không thể cùng lúc đóng hai vai: Vừa quản lý Nhà nước, vừa quản lý tài sản.

Như vậy, sẽ không khách quan, công bằng và rất dễ bị nghi ngờ, lạm dụng ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc tình trạng cục bộ ngành.

Bởi vì, khi đó các nhà quản lý Nhà nước sẽ tùy tiện ban hành các chính sách có lợi cho cơ quan, doanh nghiệp do mình làm chủ quan và gây khó khăn cho các doanh nghiệp khác.

Theo chúng tôi, biện pháp quan trọng, cấp bách nhất hiện nay là ban hành các quy định cụ thể nhằm tách bạch cụ thể giữa vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan hành chính Nhà nước với việc quản lý tài sản Nhà nước.

Song song với đó là sự tách bạch giữa hoạt động công ích của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của các DNNN. Theo đó, phải rõ ràng, minh bạch nhằm hài hòa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của Nhà nước.

Như vậy, mọi hoạt động của doanh nghiệp sẽ minh bạch, đánh giá kết quả và hiệu quả chính xác, đó là điều kiện để doanh nghiệp phát triển thực sự hiệu quả.

Có như vậy, mới tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư cạnh tranh lành mạnh, khách quan, minh bạch và quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tach-bach-giua-quan-ly-nha-nuoc-voi-quan-ly-tai-san-nha-nuoc-2371945-b.html