Tác phong quần chúng

Ngày trước, cán bộ luôn được nhắc nhở và thực hành “tác phong quần chúng”, nghĩa là đi sâu, đi sát cơ sở, đồng cam, cộng khổ với người dân, tính cách giản dị hòa đồng

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, sâu sát với quần chúng nhân dân.

Lâu dần cái tác phong rất cần có của người cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo ấy không được nhắc nhở, giám sát nên quên dần đi.

Thay vào đó là cách biểu hiện “quan cách”, “quan dạng” xa rời quần chúng, không nắm bắt được thực tế của cuộc sống, nguyện vọng của nhân dân và hệ quả là các chính sách ra đời trong phòng lạnh.

Thật ra, cũng có những lãnh đạo muốn tỏ ra mình là người sâu sát thực tế nhưng những gì ông ta thể hiện lại gây phản cảm với đồng bào. Ví dụ như đi thăm đồng nhưng diện giày tây, đứng trên bờ chỉ đạo hoặc đến vùng thiên tai lũ lụt mà đóng bộ comple, có người cầm ô che mưa.

Ngày trước khá phổ biến hình thức “hội nghị đầu bờ”, tức là họp ngay bên bờ ruộng và đưa ra những biện pháp kịp thời, hoặc, đặt hội nghị ngay tại địa phương, nơi khó khăn hay là một điển hình mới để học tập.

Dần dần các hội nghị kiểu đó diễn ra trong phòng họp hiện đại và đến bây giờ thì cái hình thức họp đó biến mất. Thay thế nó là các hội nghị hoành tráng đầy hoa tươi và lời chúc tụng, ca ngợi lẫn nhau, chỉ toàn là thành tích, trong khi, cách đó không xa là cuộc sống nhọc nhằn, mưu sinh của giai cấp cần lao.

Thời gian gần đây, động thái xử sự của người đứng đầu Chính phủ đã có tác động tích cực đến việc xây dựng lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ. Ông vào chợ, đi thăm ruộng từ lúc mờ sáng, đến ăn phở ở quán bình dân, tiếp xúc trực tiếp với người bán hàng,...

Mỗi một động thái của ông đều nhắm đến một công việc nhất định ngay sau đó với chủ đề về công việc đó, cụ thể là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ thực tế mới nắm bắt và trải nghiệm làm cho ý kiến chỉ đạo sát với thực tế, thuyết phục hơn nhiều khi chỉ nghe báo cáo rồi kết luận chung chung vẫn thường diễn ra lâu nay, những hội nghị như thế phần nhiều kết thúc thành công tốt đẹp nhưng chẳng giải quyết được việc gì cụ thể.

Hiện tại, cái tâm lý “sợ dân” khá thịnh hành trong đội ngũ cán bộ của chúng ta. Sợ dân mới cáo bận không tiếp dân, thậm chí không dám xuống họp với dân ở cơ sở, không trực tiếp đối thoại với dân, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới.

Sợ dân là biểu hiện và cũng là hệ quả của việc xa dân, coi dân như đối tượng “cai trị” của mình, đó thực sự là cách từ chối sẽ che chở, bao bọc và ủng hộ của dân, tự đặt mình vào nỗi “cô đơn lãnh đạo”.

Gần dân, vì dân là cách tốt nhất để xây dựng hình ảnh một lãnh đạo uy tín, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng một bộ máy chính quyền vững mạnh.

Ở đâu dân cần, ở đó có cán bộ thì việc gì chẳng xong. Cái tác phong quần chúng đáng quý ấy đã đánh mất, giờ cần khôi phục lại. Vị lãnh đạo đất nước đã nêu gương, cần học tập và nhân rộng!

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tac-phong-quan-chung-d26475.html