Tác nghiệp trên biển đảo quê hương

Có dịp tác nghiệp nơi đầu sóng ngọn gió mới hiểu được, để có thông tin về biển đảo quê hương là cả một quá trình lao động gian nan của người làm báo.

Hải trình đầy sóng gió

Quần đảo Trường Sa là một tập hợp gồm nhiều đảo và rạn đá ngầm, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Xuân Quý Mão 2023 vừa qua, Vùng 4 Hải quân tổ chức đoàn công tác đi thăm, chúc tết quân và dân huyện đảo Trường Sa. Phóng viên Báo Tây Ninh có dịp cùng hơn 100 người làm báo các tỉnh, thành, ngành trong cả nước ra khơi.

Những ngày cuối năm, gió mùa Đông Bắc kéo về mang theo hơi lạnh tỏa khắp mặt biển. Gió giật cấp 5-6, có lúc lên cấp 7 cấp 8, biển động mạnh. Trên mặt biển xuất hiện những cơn sóng cao từ 3,2m đến 3,8m. Vừa rời cảng Cam Ranh, chiếc tàu đã bị những cơn sóng to vỗ mạnh, không ngừng nhấp nhô, rung lắc. Trên hệ thống loa phát thanh nội bộ của tàu liên tục thông báo tình hình sóng gió và nhắc nhở thành viên trên tàu hạn chế đi lại để tránh bị va đập.

Trưởng đoàn công tác- Thượng tá Trần Văn Quyển- Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 chỉ đạo cán bộ nhân viên y tế của tàu chuẩn bị phương án truyền dịch để bảo đảm sức khỏe đối với những thành viên bị say sóng, bỏ ăn, bỏ uống.

Chỉ sau vài giờ đối mặt với sóng to, gió lớn, nhiều người bắt đầu chóng mặt. Nhiều trường hợp khác nằm một chỗ suốt 2 ngày 2 đêm, chỉ cầm cự bằng một ít bánh ngọt, trái cây, nước lọc. Trên tàu, những chiếc bàn ăn được thiết kế thành gỗ xung quanh mặt bàn, mỗi khi sóng to, các bát, đĩa đựng thức ăn tự động di chuyển qua lại trên bàn như những quả bi-da.

Việc đặt chân lên một số đảo là cả quá trình cam go. Do sóng khá mạnh, có một số đảo, tàu y tế Khánh Hòa không vào được tận nơi mà phải dùng xuồng chuyển tải đưa phóng viên và hàng hóa, lương thực vào đảo. Những người làm báo phải đặt phương tiện, máy móc vào túi chống nước của quân đội, mặc áo mưa để tránh bị sóng biển làm ướt người và mang dép rọ chống trơn trượt.

Trong quá trình di chuyển bằng xuồng nhỏ, chòng chành, vài thành viên trong đoàn tiếp tục bị say sóng, ói mửa. Căng thẳng nhất là ở đảo Trường Sa Đông, xuồng chuyển tải đưa đoàn công tác rời thuyền vào đảo được một đoạn thì gió mạnh lên cấp 5-6, giật cấp 7-8, chiếc thuyền chúi xuống rồi lại bị hất lên mặt biển. Thuyền trưởng dùng bộ đàm gọi người điều khiển xuồng máy đưa đoàn công tác quay lại tàu y tế, chờ cơ hội trong những ngày tiếp theo.

Trung tá Nguyễn Hữu Dục- phóng viên Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, thành viên trong đoàn công tác kể: “24 năm trước, tôi thuộc Trung đoàn Công binh 83 Hải quân, có nhiều lần đi biển để tham gia xây dựng các công trình trên biển đảo. Từ khi chuyển sang công tác trong ngành báo chí, tôi ít có dịp trở lại Trường Sa. Chuyến đi công tác lần này sóng to gió lớn hơn rất nhiều so với dự kiến của tôi”.

Gió giật cấp 7, cấp 8, xuồng chuyển tải không thể đưa nhà báo vào đảo, phải quay lại tàu y tế Khánh Hòa chờ đợi cơ hội trong những ngày tiếp theo.

Những bài học tác nghiệp trên biển

Tác nghiệp báo chí trong điều kiện khó khăn như thế đòi hỏi người làm báo phải có nhiều sức khỏe, kỹ năng và kinh nghiệm. Yếu tố mang tính chất quyết định trước tiên là sức khỏe thật tốt. Trong quá trình tác nghiệp trên biển, do sóng to gió lớn, tàu chòng chành khiến nhiều phóng viên chưa có kinh nghiệm bị một vài sây sát.

Phối hợp nhóm, chia sẻ thông tin là sự cần thiết trong điều kiện tác nghiệp trên biển đảo. Do quy định, thời gian lưu trú trên đảo chỉ trong khoảng 2 giờ, chỉ cho phép vài nhóm phóng viên, mỗi nhóm 5-7 người lên một số đảo, điểm đóng quân để tác nghiệp.

Vì vậy, để có được nhiều thông tin, hình ảnh, chúng tôi lập những đội, nhóm, tùy sở trường, thế mạnh, phương tiện máy móc mà phân công trách nhiệm cho từng người quay phim, chụp ảnh, thu thập thông tin, phỏng vấn v.v…

Sau đó, tất cả những thông tin thu thập đều được chia sẻ cho các thành viên trong đoàn. Nhờ cách phối hợp đồng đội này mà hầu như ai cũng có được thông tin cần thiết. Đồng thời, qua những buổi làm việc nhóm, phóng viên xa lạ đã trở thành đồng đội thân thiết với nhau và nâng cao hiệu quả tác nghiệp.

Làm việc theo nhóm trong điều kiện tác nghiệp nhanh gọn ở trên biển đảo.

Trong đoàn công tác lần này có một số phóng viên, nhà báo đã từng tác nghiệp trên biển trong những chuyến công tác trước. Nhờ đó, các anh chị chia sẻ kinh nghiệm với những người lần đầu tiên đặt chân lên biển đảo xa xôi.

“Nên viết tin bài ngay trên tàu, trên đảo hay bất cứ lúc nào rảnh rỗi, không bị say sóng. Bởi vì lúc đó, người làm báo có nhiều cảm xúc, thời gian công tác kéo dài 3 tuần, mỗi ngày đều có nhiều sự việc, sự kiện mới chồng chất lên nhau, nếu không ghi chép vào sổ tay dễ bị trôi qua cảm xúc hoặc quên mất những chi tiết quan trọng”- một nữ nhà báo chia sẻ. Nhờ lời khuyên của chị, các thành viên trong đoàn kịp thời xử lý thông tin ngay sau mỗi chuyến lên đảo.

Phóng viên Báo Tây Ninh phỏng vấn Đại đức Thích Quy Nghĩa- Trụ trì chùa Trường Sa Đông (đảo Trường Sa Đông, thuộc quần đảo Trường Sa).

Lần đầu tiên tác nghiệp trên quần đảo Trường Sa, hầu hết những thành viên trong đoàn đều không khỏi bỡ ngỡ trước điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng với tinh thần tất cả vì Trường Sa thân yêu, chúng tôi đã từng bước vượt qua khó khăn, đưa thông tin đến mọi miền đất nước, giúp đồng bào trong tỉnh và cả nước hiểu thêm cuộc sống nơi đảo xa.

Đại Dương

Chị Dương Quế Chi- phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Giang tâm sự: “Đây là lần đầu tiên đi biển đảo xa xôi. Tôi đặc biệt xúc động trước tình cảm bình dị của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo dành cho đoàn công tác. Với vai trò của người làm báo, tôi sẽ tuyên truyền cho tất cả đồng bào hiểu về biển đảo quê hương”.

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tac-nghiep-tren-bien-dao-que-huong-a159808.html