Tác giả Vương Huyền Cơ: “Bóng đá luôn nói ngược”

Bất ngờ, đó là bóng đá! World Cup 2010 đã chứng kiến những bất ngờ này đến bất ngờ khác từ kết quả trận đấu, bộ mặt các đội bóng đến phong độ cầu thủ… Và đôi khi bất ngờ nhiều quá đâm ra… bất thường.

“Một World Cup điên rồ!”, rất nhiều tín đồ của túc cầu giáo đã phải thốt lên đầy cảm thán như thế (có lẽ kèm theo đó là không ít tài sản có giá trị phải “đội nón ra đi” vì… bất ngờ). Những năm gần đây, Vương Huyền Cơ nổi lên là một tác giả rất ăn khách của làng kịch TP.HCM với ba năm liên tiếp (2006 – 2008) ẵm giải Cù nèo vàng dành cho tác giả sân khấu hài của báo Tuổi Trẻ Cười. Không “đao to búa lớn”, cũng không chủ trương phải chuyển tải một tư tưởng gì quá cao siêu, kịch của chị là những câu chuyện đời thường dung dị nhẹ nhàng đi vào lòng người bằng một phong cách hài hước, dí dỏm. Và Vương Huyền Cơ cũng là một tín đồ thứ thiệt của túc cầu giáo khi chưa bỏ qua trận nào của World Cup này. * Theo chị thì vấn đề gì đang xảy ra với những “ông lớn” khi đồng loạt từ Pháp, Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha và cả Hà Lan đều thể hiện bộ mặt nhợt nhạt thiếu thuyết phục và nổi bật nhất là tình trạng “loạn nội bộ” của Pháp và Anh vừa qua? - Theo tôi, vấn đề đang xảy ra với những “ông lớn” không phải là cái “chân” (kỹ năng chơi bóng) mà là cái “đầu”. Cái “đầu” đã không thông thì cái “chân” sao nghe lời được. Nhất là ở hai đội Pháp và Anh. Toàn là những cầu thủ đẳng cấp thế giới không đấy chứ nhưng họ không vì tập thể mà lại vì cái “tôi” quá lớn của mình. Ai mang băng đội trưởng, ai được đá chính, ai phải hỗ trợ cho ai… đều dẫn đến ganh tị kèn cựa lẫn nhau. Cái này cũng y như chuyện các nghệ sĩ kèn cựa nhau chuyện tên của mình nằm trên hay nằm dưới, nằm trước hay nằm sau, có được phóng lớn hơn những tên khác hay không… phổ biến trong giới sân khấu chúng tôi. Nếu kèn cựa hơn thua ở cấp CLB còn có thể tha thứ được chứ đằng này là World Cup, là thể diện quốc gia. Họ không biết vì màu cờ sắc áo mà mình đang mặc, họ không xứng đáng được sự tôn vinh và ngưỡng mộ của cổ động viên. Điều gì chờ họ khi về nước, chắc là không tốt đẹp rồi. Rất may cho đội tuyển Anh là họ đã lách qua được khe cửa hẹp. * Chị có cho là các đội bóng châu Âu có vẻ không hợp với “phong thủy” của Nam Phi không? - Các đội bóng châu Âu mờ nhạt vậy không hẳn là không hợp “phong thủy” Nam Phi đâu. Theo tôi, cụm từ “cường quốc bóng đá” không còn hợp thời nữa. Bóng đá ngày nay đã phát triển vượt bậc ở các nước bị coi là tiểu quốc như: Thụy Sĩ, Slovenia, New Zealand…, nhìn cách họ đối mặt với các “ông lớn” thì biết, họ đâu có ngán gì ai. Nói thiệt, coi các “ông lớn” như Đức thua Serbia, Ý hòa New Zealand, Tây Ban Nha thua Thụy Sĩ… mà không thể hiểu nổi. Không biết các “ông lớn” đá dở hay các đối thủ quá hay? * Và việc tràn lan các thẻ phạt cũng như hàng loạt những cái tên bị đuổi khỏi sân cũng khiến người hâm mộ nhiều phen bất ngờ khi toàn là những tiền đạo, tiền vệ nổi tiếng hiền lành, đá đẹp và không hề có “tiền sử” bạo lực như: Klose (Đức), Kaka (Brazil), Kewell (Australia), Gourcuff (Pháp)… có phải là sự báo động về một World Cup kém đẹp mắt và có phần “bất thường”? - Việc có quá nhiều thẻ phạt, riêng bản thân tôi nghĩ là do trọng tài đã xử lý theo hai thái cực trái ngược nhau: quá nghiêm khắc với những lỗi không cố ý trong khi lại nương nhẹ với lối đá thô bạo (điều này khiến tâm lý các cầu thủ bị chơi xấu ức chế và dẫn đến trường hợp đáp trả bằng bạo lực). Trường hợp của Kaka là ví dụ. Anh và đồng đội bị đối xử một cách thô bạo trước đó. Trường hợp của Klose, Kewell là… ngớ ngẩn không hiểu nổi… Nhưng bóng đá là vậy, nếu suôn sẻ, tròn trịa, mọi dự đoán đều đúng thì đâu phải là bóng đá. * Là một tác giả, theo chị kịch bản hay nhất cho World Cup này là gì? - Bản thân tôi mong kết thúc World Cup này với Brazil đoạt chức vô địch. Đây là đội bóng tôi yêu thích với lối đá phòng thủ - phản công (vốn là “đặc sản” của Italia nhưng đã được các vũ công samba phát huy rất tốt dưới triều đại Dunga) nhưng không kém phần hoa mỹ. Và Mỹ, đội bóng tôi ngưỡng mộ về ý chí, tinh thần đoàn kết một lòng vì màu cờ sắc áo, là á quân. Nhưng bóng đá luôn luôn ngược lại… * Cám ơn chị, hẹn gặp chị trong chầu cà phê lần sau! Cà phê bóng đá

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/129n20100625145128457t0/tac-gia-vuong-huyen-co-bong-da-luon-noi-nguoc.htm