Tác giả - Tác phẩm: Xuân trong thơ Bích Khê

Bích Khê là gương mặt tiêu biểu trong thơ ca Việt Nam hiện đại, được Hàn Mặc Tử mệnh danh là 'thi sĩ thần linh'. Đọc thơ Bích Khê không chỉ thấy vẻ đẹp của những câu thơ viết về mùa thu mà theo Hoài Thanh đó là những câu thơ hay của thơ ca Việt Nam: 'Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông…', đồng thời còn bắt gặp trong thi giới Bích Khê những câu thơ viết về mùa xuân vừa đẹp, vừa nồng nàn, ấm áp.

Du xuân. ẢNH: HỮU THƯ

Hồn xuân là một tinh cầu không thể thiếu trong thi giới Bích Khê như thi nhân đã khẳng định trong thi phẩm “Tình xuân” như một lời mời gọi: “Ngày xuân ai chẳng lại/ Chơi xuân một nhành mai/ Gió xuân rơi hoa hết/ Tình xuân dễ lợt phai”.

Như bao thi sĩ tài năng và giàu cá tính sáng tạo, Bích Khê cũng yêu mùa xuân, cũng chờ xuân đến, cũng khao khát đón xuân. Và cho dẫu “tình xuân dễ lợt phai” thì mùa xuân vẫn là một thực thể hiện hữu trong cõi nhân gian với những dư vị riêng làm xuyến xao lòng người. Bài thơ "Đêm xuân đến thôn Vĩ Dạ nghe đàn sáo" của Bích Khê đã cho thấy những cung bậc tình cảm đó: “Ti trúc mê li xuân dưới nguyệt/ cỏ hoa vờ vật mộng trong hương/ Tràng An thủ ấy ai không biết / Vĩ Dạ đêm nay khách chật đường”.

Bích Khê yêu mùa xuân theo cách riêng của mình, không vồ vập như Xuân Diệu “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”, nhưng không phải không thiết tha và sâu lắng. Bài thơ "Tinh chất ngàn xuân" của Bích Khê là sự minh chứng cho tình xuân nồng nàn trong thơ Bích Khê: “Tinh chất ngàn xuân hiệp lại ta/ Mình như chim tước nhẹ bay qua/Ới ai mê luyến màu nhan sắc/ Níu thiếp mơ loàn vẻ nguyệt ba/ Son trẻ thiên tài lông hạc múa/ Xanh tươi nghệ thuật bút đào pha/Đâu đây lãng đãng bầu hương nhạc/ Phất phất gần như phất phất xa”. Bài thơ là bức tranh xuân tràn đầy sự sống. Đó là một sự sống được chưng cất, được kết tinh từ những tinh chất của “ngàn xuân”. Và mùa xuân không chỉ là của đất trời, đó còn là mùa xuân của tình yêu, của thi ca: “Nghìn hồng muôn tía đón xuân qua/ Thiếu nữ trong gương tỏ mặt hoa/ Nâng chén rượu nồng ta sẽ chúc:/ Xe hoa, người mới dặm oanh ca” (Xuân hồng).

Thơ Bích Khê là thơ có tính biểu tượng cao. Tình xuân, ý xuân như lan tỏa trên từng con chữ tạo nên một lực hấp dẫn đối với người đọc trong hành trình khám phá thi giới xuân của Bích Khê và trú ngụ ở đó để tận hưởng vẻ diệu kỳ với muôn vàn cung bậc cảm xúc của mùa xuân mang đến: “Lòe xòe màu lông công /Vườn thơm khua sắc mát:/Rồng uốn vóc từng cong/ Áo bạch mai khoát khoát/ Môi đào chờ khoái lạc.../ Hồn tôi như đỉnh hương/ Bốc lên mình thánh giá!/ Ý xuân mát đến xương/ Ngậm tuyết phun lã chã!” (Xuân tượng trưng).

Một điều không thể không nói đến trong thi giới xuân Bích Khê, đó là vẻ đẹp cổ điển thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây mà bài thơ "Hai tiên nữ nhớ Lưu Nguyễn" là một minh chứng góp phần luận giải vấn đề này: “Khúc Nghê vắng tựa lâu rồi,/ mộng tiên dài dặc, mộng người biết đâu./ Trời trong động, quạnh xuân sâu,/ nẻo trần không lối rầu rầu trăng soi./ Hương đầy suối, cánh đào trôi,/ men khe cát trắng, cỏ thôi bơ sờ!/ Sương mai, đèn gió mơ hồ,/ sông đành không chốn hỏi đò Lưu Lang”. Đây là nền tảng mỹ học để Bích Khê khám phá những cái mới trên hành trình cách tân thi ca mà ông luôn hướng đến như một khát khao sáng tạo.

Một bình diện khác cũng rất ấn tượng trong thi giới xuân Bích Khê, đó là vẻ đẹp mùa xuân luôn được thi nhân quán chiếu qua vẻ đẹp của người thiếu nữ. Với Bích Khê mùa xuân và thiếu nữ là hai phạm trù không thể tách rời. Mối tương giao này được nhà thơ ông thể hiện rất đặc sắc qua bài thơ bất tử "Tranh lõa thể": “Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ, Ô tiên nương! nàng lại ngự nơi nầy?(...) Tiên nương hỡi! nàng sống trên thế hệ,/ Bóng thời gian phải quỵ dưới chân nàng/ Xuân muôn đời di dưỡng giữa vùng tang!/ Gương phép tắc suốt soi ngàn mộng ảnh!...”. Hay hình ảnh mùa xuân được thi sĩ cảm nhận qua vẻ đẹp của các nàng tiên trong bài "Mơ tiên" khi đọc lên ta sẽ thấy một không gian xuân đầy mộng mị, kết tinh trong những cảm xúc có tầm vũ trụ: “Bao giờ cho mộng nở hoa/ Bao giờ xuân chín nõn nà trên môi?/ Để tôi đi cướp mây trời/ Vén ra cho thấy một vài nường tiên”. Và vẻ đẹp của Hằng Nga trong cái nhìn của Bích Khê cũng là vẻ đẹp của nàng xuân: Rực rỡ, thanh tao và hấp dẫn: “Mộng sao mộng lạ - trắng như ngà/ Giai nhân hiện bóng dưới Hằng Nga.../ Họ đẹp như xuân, sắc như gấm/ Và hồn hé nhạc thắm như hoa...”.

Trong thi giới xuân Bích Khê ta thấy có một kết hợp hài hòa giữa cảm hứng về mùa xuân và cảm hứng về người thiếu nữ. Hai thực thể này luôn đồng hiện trong thơ như một sự ám ảnh của vô thức và tâm linh. Điều này đã tạo nên một nét riêng trong thi giới xuân Bích Khê.

Bích Khê đã vắt kiệt sức mình cho thơ, vì thơ đối với ông là sự sống, là hơi thở, là hiện hữu, là tình yêu và tinh thần này đã hiện rõ trong thi giới xuân của ông. Thơ viết về mùa xuân của Bích Khê không nhiều nhưng cũng là một phần không thể thiếu trong đời thơ Bích Khê và là một bình diện tư tưởng và mỹ cảm trong thi giới Bích Khê, giúp người đọc hiểu được những chiều kích khác nhau trong tâm hồn thi sĩ. Thi giới xuân Bích Khê vì vậy là một hệ giá trị góp phần làm nên sự bất tử của thơ ông trong tâm thức người đọc nhiều thế hệ, cho dẫu hôm nay, thi sĩ đã trở thành người của “muôn năm cũ”...

THIỆN MỸ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202402/tac-gia-tac-pham-xuan-trong-thobich-khe-e520beb/