Tác động kép từ chính sách lãi suất của ECB đối với Eurozone

Kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đang đối mặt triển vọng không mấy lạc quan do tác động từ lãi suất cao cùng những rủi ro từ tình hình bất ổn ở Trung Đông.

Biểu tượng đồng tiền chung euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Dù đã vượt qua một loạt cú sốc từ đại dịch COVID-19, khủng hoảng năng lượng đến cuộc xung đột ở Ukraine, kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt triển vọng không mấy lạc quan do tác động từ lãi suất cao cùng những rủi ro từ tình hình bất ổn ở Trung Đông.

Theo báo cáo mới nhất do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 31/10, lạm phát ở Eurozone đang giảm nhanh trong khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái, cho thấy tác động kép của chương trình tăng lãi suất kéo dài của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Cụ thể, giá cả tại Eurozone trong tháng 10/2023 chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng chậm nhất kể từ tháng 7/2021 và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 10,6% đạt được vào tháng 10/2022.

Tuy nhiên, kinh tế Eurozone đã giảm 0,1% trong quý III/2023 và đang bên bờ vực suy thoái, sau khi chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý trước đó.

Một báo cáo khác do Eurostat công bố cùng ngày cho thấy toàn bộ 27 nền kinh tế thành viên Liên minh châu Âu (EU) - bao gồm cả các quốc gia không sử dụng đồng euro - chỉ tăng trưởng 0,1% trong quý III.

Nền kinh tế “đầu tàu” Đức suy giảm 0,1% và Áo cũng ghi nhận mức giảm 0,6% trong giai đoạn trên. Pháp, cường quốc kinh tế lớn thứ hai của EU, chỉ tăng trưởng 0,1% và nền kinh tế Italy trì trệ trong quý III.

Hai bộ dữ liệu trên có thể báo hiệu ECB gần như chắc chắn đã hoàn tất kế hoạch tăng lãi suất. Để đối phó với lạm phát phi mã, ECB đã tiến hành chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp chưa từng có, đưa lãi suất chuẩn lên mức kỷ lục 4%. Giờ đây, ngân hàng trung ương này sẽ theo dõi tác động của chúng trước khi đưa ra các động thái tiếp theo.

Đáng chú ý, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras đã trở thành nhà hoạch định chính sách ECB đầu tiên nói về khả năng cắt giảm lãi suất vào giữa năm tới nếu lạm phát ổn định dưới ngưỡng 3%.

Tuy nhiên, đồng nghiệp người Đức Joachim Nagel của ông lại không loại trừ khả năng tăng lãi suất lên cao hơn. Một quan chức khác có quan điểm ôn hòa hơn, Thống đốc Francois Villeroy de Galhau của Ngân hàng trung ương Pháp cho biết lãi suất nên duy trì “ở mức hiện tại” trong thời gian cần thiết.

Sau khi các số liệu được công bố, ông Tomas Dvorak, nhà kinh tế cấp cao tại công ty nghiên cứu Oxford Economics, cũng nhận định ECB có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 4/2024.

Các nhà phân tích cũng cảnh báo không nên kỳ vọng tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục giảm đáng kể. Giới quan sát lưu ý giai đoạn cuối cùng trong nỗ lực kiểm soát giá của ECB có thể là chặng đường khó khăn nhất, khi lạm phát khó có thể về mức mục tiêu 2% trước năm 2025. Chính ECB cũng thừa nhận điều này

Chuyên gia Jack Allen-Reynolds của Capital Economics đánh giá lạm phát tại châu Âu khó có thể tiếp tục giảm nhanh như vậy trong giai đoạn tiếp theo. Thậm chí, giá năng lượng có thể sẽ tăng một chút trong vài tháng tới do những tác động từ tình hình tại Trung Đông.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 20 quốc gia thành viên Eurozone dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quý cuối cùng của năm 2023.

Nhà kinh tế Bert Colijn của ngân hàng ING cũng lưu ý về khả năng Eurozone xảy ra một cuộc suy thoái kỹ thuật (chỉ hai quý kinh tế suy giảm liên tiếp) vào nửa cuối năm 2023. Song ông cho biết dù môi trường kinh tế hiện tại đang suy yếu, Eurozone cũng không có dấu hiệu phải đối mặt một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

H.Thủy (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ta-c-do-ng-ke-p-tu-chi-nh-sa-ch-la-i-sua-t-cu-a-ecb-do-i-vo-i-eurozone/313700.html