Tạ Duy Anh: Một thời cơm trắng

Với tôi và nhiều người như tôi cách nay 40-50 năm, thì cơm trắng luôn là giấc mơ.

Trong chuyến tham quan Hàn Quốc theo lời mời tham dự một sự kiện văn hóa liên quan đến sách, tôi được trải nghiệm “tua” du lịch văn hóa quanh thủ đô Seoul. Người Hàn hóa ra không chỉ rất biết làm du lịch, mà còn cực kỳ tinh tế trong làm… chính trị, tìm mọi cách quảng bá đất nước họ!

Họ chủ ý đưa chúng tôi đến các địa điểm đánh dấu những thăng trầm của đất nước Hàn Quốc, tận mắt thấy, tận tai nghe về các hiện vật, sự kiện,… để rồi tự bạn sẽ rút ra những suy ngẫm của riêng mình. Hình ảnh về một quốc gia hiện đại vươn lên từ nghèo khó cũng lập tức choán lấy tâm trí bạn, bám theo bạn từ đó, khiến cứ có cơ hội là bạn lại kể chuyện về “kỳ tích sông Hàn” không biết mệt.

Trong khi mọi người chăm chú đến những hiện vật lịch sử to lớn, thích thú “trở lại quá khứ” Hàn Quốc bằng công nghệ 3D, thì tôi lại cứ bị ám ảnh sâu sắc về mô hình một bát cơm trắng, được làm giống y như thật. Bát cơm đầy có ngọn, từng hạt gạo đều nguyên lành, loại cơm được thổi (nấu) rất khéo, khiến tạo cho người xem cảm giác nó đang nghi ngút khói, có thể bốc lên ăn được.

Cái mô hình composite bình dân ấy được đặt ngang hàng với những hiện vật bằng vàng, bạc, đá quý trong tủ kính và tất nhiên được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Tò mò nhưng lại giấu dốt không dám hỏi, trở lại khách sạn, tôi bèn âm thầm tìm tư liệu về Hàn Quốc và biết được rằng, có một thời cơm trắng là món ăn quý giá, thường chỉ có trong mơ với đa số người dân lao động. Cụ thể cơm trắng thời ấy ở Hàn Quốc chỉ được ưu tiên dành cho trẻ em, người già, người bệnh…

Suốt hàng giờ liền, tôi cứ ngồi thừ ra trong căn phòng khách sạn năm sao tiêu chuẩn Mỹ, đến nỗi con gái lo lắng hỏi “Bố vừa gặp chuyện gì?”. Tôi chỉ khẽ mỉm cười để con yên lòng. Thực ra khi đó trong tôi là cả một hồi ức, mà nếu có kể ra với con gái tôi, cũng khó mà khiến được nó chú ý. Nó chưa và chắc chắn không bao giờ rơi vào cảnh thèm ăn một bát cơm trắng (thành tựu này của đất nước phải được công tâm ghi nhận).

Còn với tôi và nhiều người như tôi cách nay 40-50 năm, thì cơm trắng luôn là giấc mơ. Nói chính xác thì một bữa cơm trắng no nê, với chút muối vừng hoặc nếu khá hơn, với con cá kho tương hoặc thìa nước mắm loại một rất nặng mùi, luôn là cả một giấc mơ xa vời. Điều nghịch lý, khó tin và bi hài ở chỗ, chúng tôi thuộc số những người làm ra thóc gạo cho cả xã hội!

Hồi đó, nếu cần mốc thời gian cụ thể thì vào cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Tôi có thể nhớ chính xác đến thế bởi khi đó tôi bắt đầu bước chân vào cấp ba (từ lớp 8 đến lớp 10). Cả huyện gần 20 vạn dân mà chỉ có một trường cấp ba, đáp ứng phần rất nhỏ nhu cầu thực, nên chúng tôi nghiễm nhiên có chút tự hào (tôi nhớ năm tôi thi vào cấp ba, tỉ lệ lấy đỗ so với số thí sinh tham gia là 1/120). Bố mẹ tôi thì tự hào ra mặt. Vì thế các cụ dành mọi ưu tiên cho tôi, trong đó có vấn đề được “đặc cách” ăn no thứ cơm trắng quý hiếm, theo nhu cầu.

Năm đầu tiên tôi học buổi chiều, cũng là năm cả nước bắt đầu rơi vào cảnh đói kém nghiêm trọng. Để phục vụ lịch học của tôi, ngày nào cũng vào khoảng 10 giờ sáng là bố, mẹ hoặc các em tôi bắt đầu nổi lửa nấu cơm. Quan trọng nhất là xoong cơm, các món còn lại thường ít được quan tâm, bởi không ít lần khi mọi người đã ngồi xuống mâm, mẹ tôi mới kịp mang thức ăn ra thì cơm đã hết nhẵn!

Nhà tôi khi đó có tám miệng ăn, nhưng bữa nào trong hai bữa chính bố cũng chỉ cho phép “xuất kho” chưa đến một cân gạo, hồi đó gọi là “gạo tươi”. Nếu một hôm ăn sam (ăn quá định mức bố đặt ra) thì hôm sau định lượng phải rút đi. Tuy nồi cơm chỉ đủ cho ba người, nhưng ngày nào cũng như ngày nào trong cả ngàn ngày tôi học cấp ba và thường phải ăn trước cả nhà, bố lại bảo tôi: “Con cứ ăn no mà đi học”. Nghe thật ấm lòng và cảm động. Nhưng đó chính là nỗi đau luôn khía vào tâm can tôi cả đến khi tôi đã là một người đàn ông trưởng thành.

Những ngày đầu, được lời của bố, đang sức ăn, tôi cứ vục cơm chén đến khi no bụng mới đứng lên. Nhưng rồi tôi phát hiện ra, vì sự “vô tư” của tôi mà những người ăn sau phải san nhau từng chút cơm nhỏ vào bảy cái bát luôn quá lớn so với lượng cơm được chia! Giờ đây, khi tôi kể với con tôi rằng, thời bằng tuổi chúng có lúc được mẹ “tháo khoán” tôi đã ăn tới sáu bát cơm đầy, bọn chúng lè lưỡi không tin.

Nhưng đó là sự thật.

Mặc dù cái điệp khúc “con cứ ăn no mà đi học” của bố vẫn đều đặn vang lên không một chút thay đổi ngữ điệu, nhưng về sau tôi chỉ dám vục nhẹ hai vục, dồn lại cỡ một bát cơm đầy. Tôi đã biết cữ tay khi vục bát. Cơm gạo tươi nên không nở, rất dẻo và hao. Chỉ cần tôi nhấn bát xuống sâu một chút, là các em tôi sẽ rất nhanh phải gõ đũa trong bữa trưa.

Và thế là luôn luôn chỉ có hai lưng cơm, chả bõ dính mép. Vị bùi ngọt của cơm trắng chưa kịp ngấm vào lưỡi thì đã trôi tuột xuống dạ dày và lọt thỏm, biến mất như chưa hề được ăn. Chả thấm tháp gì! Đúng là muối bỏ bể. Tôi lọc cọc đạp chiếc xe cà tàng đến trường, trong đầu chỉ còn lại duy nhất hình ảnh bát cơm trắng đầy có ngọn, bốc khói thơm lừng.

Có khoảng vài giờ học căng thẳng giúp tôi và các bạn tôi tạm quên đi cơn thèm cơm. Nhưng khi giờ học sắp hết, mùi thức ăn và mùi cơm gạo hẩm - còn gọi là gạo mậu dịch - tỏa ra từ các bếp của thầy cô, khiến hình ảnh bát cơm trắng tú hụ ngay lập tức trở lại. Khoang miệng đứa nào cũng đầy ắp nước bọt. Trên đường đạp xe hoặc đi bộ về nhà với đôi chân chỉ muốn khuỵu xuống, nhiều phen mắt đứa nào đứa nấy hoa lên không hẳn vì đói, mà vì những làn khói tỏa ra từ những ngôi nhà hai bên đường.

Cho dù nghèo khó mấy đi nữa thì nhà nào cũng cứ phải đỏ lửa vài lần mỗi ngày. Họ nấu nướng gì chúng tôi không quan tâm. Nhưng như muôn thuở, trong đầu chúng tôi luôn hiện lên cái hình ảnh hấp dẫn chết người sau đây: giữa đống tro thường cao có ngọn, thể nào cũng có một xoong cơm được vùi kín nhiều khi phải tinh mắt mới thấy, phải bới tro trước khi nhấc nó lên. Nhưng mà chỉ cần mở vung cái xoong ấy ra là đủ để chúng tôi nhìn thấy… thiên đường sáng rực!

*

Hơn 40 năm sau tôi mới biết, ngày đó hóa ra không chỉ chúng tôi coi cơm trắng như một thứ đặc sản quý hiếm. Chúng tôi không hề biết rằng, vào thời điểm đó hoặc lùi lại quãng một thập kỷ, hàng triệu học sinh Hàn Quốc cũng hoa mắt vì thèm một bữa cơm trắng no nê như chúng tôi.

Nhưng cũng hơn 40 năm sau, qua mô hình bát cơm trắng ở Bảo tàng Lịch sử Hàn Quốc từ nay trở thành ký ức của một quốc gia phát triển, giàu có, hiện đại và văn minh hàng đầu thế giới, tôi còn biết một sự thật quan trọng hơn nhiều cái sự thật mang tầm quốc tế về những cơn đói: đó là sức mạnh quyết định của lòng tự trọng, của ý chí danh dự, trong việc đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói.

Tạ Duy Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ta-duy-anh-mot-thoi-com-trang-38043.html