Suýt chết vì dùng gan gà chữa rắn cắn

Đó là một nam bệnh nhân khi bị rắn cắn đã nghe theo lời đồn thổi dùng gan gà sống đáp lên vết thương, sau đó phải đi cấp cứu vì nguy hiểm đến tính mạng.

Đó là trường hợp một bệnh nhân nam, 45 tuổi, ở Thanh Liêm, Hà Nam đang đi đánh lưới ngoài đồng thì bị rắn cặp nia (khúc đen khúc trắng) cắn vào tay. Thấy vết cắn ở tay sưng đỏ và có dấu hiệu khó thở, người nhà đã tìm đến nhà thầy lang ở gần làng để lấy thuốc uống và lấy gan gà để đắp.

Tuy nhiên, theo lời người nhà bệnh nhân, mặc dù đã uống thuốc và đắp gan gà theo kinh nghiệm của thầy lang nhưng tình trạng của bệnh nhân ngày càng nặng hơn: Bệnh nhân khó thở, tím tái, co cơ, không nói được. Lúc đó gia đình mới chuyển bệnh nhân đến BV huyện Phủ Lý, Hà Nam rồi sau đó được chuyển thẳng đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai.

Bệnh nhân bị rắn cắn gia tăng trong thời gian gần đây.

Trả lời trên báo SK&ĐS, ThS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai mùa hè là mùa rắn sinh sôi phát triển nên trong vòng một tháng trở lại đây, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện. Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho 6 ca bị rắn độc cắn.

Theo các chuyên gia, khi bị rắn cắn, nạn nhân không nên Garô tức là làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch (mạch máu vận chuyển máu từ tim đi nuôi dưỡng các bộ phận của cơ thể), gây đau, rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô.

Không nên chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn: Các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy các biện pháp này không có lợi ích, rõ ràng gây hại thêm cho bệnh nhân (tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh,... nhiễm trùng nặng thêm).

Không nên tự ý hút nọc độc, không gây điện giật, chườm đá. Không sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo: Nhiều thuốc y học dân tộc dùng dạng uống đặc biệt dễ gây nguy hiểm thêm cho nạn nhân: gây co giật (vì có chứa mã tiền), đau bụng, nôn, ỉa chảy rất nặng…

Khi bị rắn cắn nên, áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường): băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..).

Minh Hoàng

/**/

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/suyt-chet-vi-dung-gan-ga-chua-ran-can-d96522.html