Suy tim diễn biến âm thầm nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều loại ung thư

Suy tim là một vấn đề sức khỏe thầm lặng ngày càng tăng tại châu Á - Thái Bình Dương cần được nhận thức rộng rãi hơn. Tỷ lệ tử vong trong vòng 5 năm sau khi được chẩn đoán suy tim là 50%, cao hơn nhiều so với nhiều loại ung thư.

Những thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Hội Tim mạch Châu Á - Thái Bình Dương (APSC) 2023 vừa diễn ra tại Singapore. Hội Tim mạch Châu Á - Thái Bình Dương là nền tảng hàng đầu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhằm trao đổi ý tưởng, tiếp tục giáo dục và trình bày các nghiên cứu mới trong các lĩnh vực tim mạch nói chung, siêu âm tim và hình ảnh, điện tâm đồ, phẫu thuật tim mạch và tim mạch nhi khoa.

Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống bên lề hội nghị, PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh - Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho hay suy tim là một hội chứng hậu quả của rất nhiều nguyên nhân, dẫn đến tim không thể đẩy máu đi được hoặc là tim không thể chứa máu được (rối loạn đổ đầy). Suy tim là một nguyên nhân hàng đầu gây tử vong của nhân loại chứ không chỉ của Việt Nam.

PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh - Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị Hội Tim mạch Châu Á - Thái Bình Dương (APSC) 2023.

"Suy tim khiến sức khỏe tôi giảm rõ rệt"

Đó là chia sẻ của ông L.V.H (63 tuổi, trú tại Bến Tre) - bệnh nhân đã có 5 năm điều trị suy tim. Từng là một người khỏe mạnh, thường xuyên tập luyện thể thao, ông H. chưa từng nghĩ mình sẽ mắc bệnh suy tim. Cho đến năm 2018, sau một cơn đau thắt ngực xuất hiện, ông được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhịp tim và suy tim do bệnh cơ tim giãn nở cả 4 buồng tim.

Huyết áp thường xuyên thấp, thỉnh thoảng có cơn đau tức ngực, mệt mỏi và khó thở. Từ lúc phát hiện suy tim vào năm 2018, đến nay - 5 năm, bệnh nhân đã có 3 lần nhập viện do suy tim cấp mỗi đợt 10 ngày.

"Tôi thấy sức khỏe đi xuống rõ rệt. Giờ đây, mỗi tháng tôi đều phải di chuyển lên TP. HCM tái khám nhằm theo dõi sức khỏe của tim và hiệu quả của thuốc điều trị. Sau khi hiểu về suy tim, tôi nhận ra có thể tôi đã mắc hội chứng này trước năm 2018 khi thi thoảng tôi vẫn cảm nhận được nhưng do chủ quan nên đã không chú ý đến"- bệnh nhân H. kể.

Theo chia sẻ của bệnh nhân H. cho thấy suy tim ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của ông. Có thể nhận thấy rõ rệt nhất là các hoạt động thể dục thể thao. Trước đây ông H. thường xuyên chơi tennis, đạp xe đường dài, leo dốc, nhưng từ khi mắc suy tim ông thấy sức khỏe mình sa sút mỗi năm. Mọi việc nặng nhọc đều phải nhờ người khác giúp đỡ...

Ông H. kể thêm: Vì là một quân nhân, vận động thể chất thường xuyên ở cường độ nặng, lại thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát (bao gồm cả kiểm tra mạch vành, huyết áp), khi kết quả không bất thường gì cộng thêm vốn hiểu biết về nhiều loại bệnh nhưng chưa bao giờ nghĩ về suy tim, nên ông đã rất chủ quan. Khi nghe mình mắc suy tim, ông đã nghĩ uống thuốc là ổn.

Do chủ quan nên ông H. vẫn thường xuyên uống rượu bia, ăn mặn trong thời gian dài. Vì thế sau khi phát hiện mình mắc suy tim thì đã ở giai đoạn khó khăn trong điều trị. "Hiện nay, tôi phải uống thuốc rất nhiều, khắc phục thói quen sinh hoạt, ăn uống. Tôi đã nghe theo bác sĩ khuyên tôi ăn cá và rau nhiều hơn, hạn chế ăn thịt, không ăn nội tạng, rượu chè, không để quá lượng muối vào cơ thể của mình, giảm các vận động mạnh không cần thiết để không gây áp lực lên tim, tránh nguy cơ đột quỵ"- bệnh nhân H. nói.

Ông H. nói thêm suy tim đòi hỏi phải uống rất nhiều thuốc và cần duy trì liên tục trong thời gian dài, có khi thuốc uống đến 8- 9 loại khác nhau và có thể sử dụng thuốc suốt đời. Trong khi đó, một số loại thuốc không nằm trong danh sách được bảo hiểm chi trả, cộng thêm việc tái khám thường xuyên và điều trị cho những đợt suy tim cấp cũng rất tốn kém, tạo thành gánh nặng tài chính bệnh nhân. Vì vậy, theo ông việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm là rất cần thiết.

PGS David Sim - cố vấn cấp cao Khoa tim mạch, Giám đốc chương trình quản lý suy tim, Viện Tim mạch Quốc gia Singapore và GS Alexandre Mebazaa - Chủ nhiệm Khoa Gây mê và Hồi sức Bệnh viện Lariboisiere, Paris trình bày các báo cáo tại hội nghị Hội Tim mạch châu Á-Thái Bình Dương APSC) 2023

Theo PG.TS Phạm Nguyễn Vinh, hiện nay có 26 - 64 triệu người suy tim trên toàn thế giới, thông thường bệnh nhân suy tim nặng vừa đến nặng sẽ tử vong 50% trong 5 năm.

Trong những năm gần đây, nếu chúng ta tính theo tần số của Châu Âu thì hiện nay Việt Nam có hàng triệu người bị suy tim đang cần điều trị. Điều trị như vậy ngân sách rất tốn vì suy tim giai đoạn đầu sẽ điều trị bằng thuốc. Giai đoạn sau có những bệnh nhân suy tim phải điều trị bằng phẫu thuật, có những người suy tim do mạch vành phải nong mạch vành hoặc nặng nhất là ghép tim.

Theo thông tin tại Hội nghị Hội Tim mạch Châu Á - Thái Bình Dương (APSC) 2023, trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2019, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng từ 23% lên 35%, và châu Á chịu gánh nặng lớn về tử vong do bệnh tim mạch, với hơn một nửa tử vong do bệnh tim mạch trên toàn cầu xảy ra tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 58%.

Mặc dù có rất nhiều thông tin có sẵn về dịch tễ học và quản lý suy tim ở các nước phương Tây, nhưng dữ liệu đáng tin cậy về tần suất mắc bệnh và số lượng bệnh nhân suy tim ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn thiếu. Suy tim được điều trị kém hiệu quả có tác động lớn đến hệ thống chăm sóc y tế - ước tính chi phí 48 tỉ USD chỉ từ việc nhập viện do suy tim. "Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chúng ta đối mặt với những thách thức đặc biệt trong việc chẩn đoán và điều trị suy tim"- các chuyên gia tham gia Hội nghị Hội Tim mạch Châu Á - Thái Bình Dương (APSC) 2023 chung quan điểm.

PGS David Sim - cố vấn cấp cao Khoa tim mạch, Giám đốc chương trình quản lý suy tim, Viện Tim mạch Quốc gia Singapore cho hay khoảng 32 triệu người ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương có nguy cơ về bệnh tim mạch, 6 triệu người nhập viện. Suy tim có tỷ lệ tử vong ngang ngửa ung thư phổi nếu phát hiện ở giai đoạn muộn.

Thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân suy tim tại khu vực là 5 đến 12 ngày và có tới 15% bệnh nhân tái nhập viện trong vòng 30 ngày. Suy tim đang tạo gánh nặng kinh tế rất lớn cho khu vực. Đặc biệt, việc thiếu nhận thức về bệnh tật và thiếu các xét nghiệm dấu ấn phát hiện bệnh sớm khiến việc điều trị khó khăn

PGS David Sim cũng dẫn chứng theo kết quả một khảo sát của Hội Tim mạch châu Á - Thái Bình Dương, việc chẩn đoán suy tim hiện nay thường dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng. Có đến 50% trường hợp, bệnh nhân có thể bị chẩn đoán sai dẫn đến những tác động tiêu cực, như chăm sóc hoặc điều trị không đúng, gây gánh nặng cho bệnh nhân và tăng chi phí cho hệ thống chăm sóc y tế.

Về nguyên nhân, theo PGS Sim có thể do hạn chế trong việc tiếp cận các kỹ thuật hình ảnh và xét nghiệm dấu ấn sinh học tim mạch.

PGS David Sim trao đổi với một bệnh nhân bị suy tim đã được ghép tim.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/suy-tim-dien-bien-am-tham-nhung-ty-le-tu-vong-cao-hon-nhieu-loai-ung-thu-16923072008495896.htm