Suy nghĩ của giới trẻ về gia đình

(VOV) - Nền tảng của gia đình chính là tình yêu thương. Khi mỗi người trẻ tuổi có ý thức vun đắp cho tình cảm ấy, họ sẽ thực sự hạnh phúc

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm về gia đình và các mối quan hệ trong gia đình truyền thống đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Trong đó, điểm nổi bật là cách suy nghĩ, cũng như ứng xử của những người trẻ tuổi. Hơn một năm nay, cứ kết thúc các buổi học trên giảng đường, bạn Anh Thư, sinh viên năm thứ 3, trường Đại học Mỏ Hà Nội lại vội vàng vào Viện K để trông nom người mẹ đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Vất vả và mệt mỏi, nhưng không bao giờ Anh Thư kêu ca, phàn nàn điều gì. Rất nhiều người, cả bệnh nhân và người nhà từng đến Viện K, đều không khỏi cảm động trước hình ảnh một cô gái trẻ kiên nhẫn ngồi bón từng thìa cháo, hoặc dịu dàng xoa lưng cho bà mẹ gầy yếu. Tình yêu mà Thư dành cho mẹ sâu sắc như thế. Anh Thư tâm sự, đối với bạn giờ đây, mỗi giờ khắc được ở bên mẹ là vô cùng quý giá, vì Thư hiểu rằng, quỹ thời gian của mẹ đang cạn dần: “Nhiều lúc tôi cũng nghĩ là tại sao ngày xưa không yêu mẹ nhiều hơn, không quan tâm mẹ nhiều hơn. Bây giờ mình chỉ biết động viên mẹ, chăm sóc mẹ bằng hết sức mình thôi. Nhưng mà tôi vẫn cảm thấy cố thế nào cũng không đủ so với những gì mà mẹ đã cho mình”. Những giây phút tình cảm gia đình đáng quý như vậy không phải lúc nào cũng diễn ra, mà chủ yếu là ở những trường hợp đặc biệt như gia đình Anh Thư. Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập, quan niệm gia đình truyền thống đã có nhiều thay đổi so với trước. Không thể phủ nhận, mối quan hệ gia đình hiện đại đã trở nên dân chủ hơn. Con cái có thể chủ động bày tỏ ý kiến của mình, tự lựa chọn nghề nghiệp, bạn đời, cởi mở hơn trong việc trao đổi suy nghĩ với cha mẹ. Thế nhưng, do ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp dường như đang dần bị mai một. Bố mẹ thì lao vào làm việc, kiếm tiền, cống hiến… Những bữa ăn sáng, ăn trưa, các thành viên trong gia đình đều “tùy nghi di tản”. Thậm chí có gia đình, bữa ăn tối được chia thành hai ba đợt, sau những hoạt động không cùng thời gian biểu của bố đi đánh tenis, mẹ tập yoga, con đi học tiếng Anh… Xem truyền hình thì cũng mỗi người ngồi một nơi, với một kênh yêu thích riêng. Chính cách sống này đã khiến không ít bạn trẻ trở nên cô đơn ngay trong ngôi nhà của mình. Khoảng cách giữa con cái và cha mẹ ngày càng lớn hơn. Tiến Đạt, sinh viên năm thứ hai Đại học Giao thông vận tải là một trong những trường hợp như vậy. Tiến Đạt chia sẻ, mọi sinh hoạt cá nhân của bạn đều diễn ra trong phòng riêng – thế giới riêng, nơi mà bố mẹ hầu như chẳng bao giờ đặt chân vào: “Bố mẹ tôi đi làm cả ngày, bận bịu về đến nhà cũng nghỉ luôn. Là con trai nên đi học về phần lớn thời gian tôi ở trong phòng. Việc nhà cũng không phải động tay chân vào, vì nhà có người giúp việc rồi. Thi thoảng, bố mẹ cũng có hỏi han về chuyện học hành. Nhiều người bảo như thế là buồn nhưng tôi quen rồi nên chẳng có gì phàn nàn. Bây giờ lại thấy tự do, thoải mái”. Mặc dù vậy, đối với đa số các bạn trẻ, gia đình vẫn là tổ ấm, là đôi cánh nâng đỡ để các bạn vươn lên và giúp các bạn vượt qua những khó khăn, vấp váp trong cuộc đời. Nguyễn Thảo Minh, sinh viên lớp Phát thanh K28, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu suy nghĩ về gia đình như thế này: “Tôi cảm thấy rất may mắn có được bố mẹ rất tôn trọng quyết định của mình. Tất nhiên là cũng có những lúc bất đồng quan điểm vì cha mẹ và con cái có khoảng cách thế hệ, nhưng tôi nghĩ bố mẹ luôn luôn là người mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Do đó, trước khi làm việc gì thì tôi đều hỏi ý kiến bố mẹ”. Theo bạn Mai Hương, nhà ở đường Giải Phóng, Hà Nội, gia đình sẽ bền vững và khoảng cách thế hệ sẽ không còn, nếu như các bạn trẻ chủ động kết nối với cha mẹ mình: “Tôi thấy nhiều bạn đổ hết lỗi lên bố mẹ, nào là bố mẹ hay đi làm xa, không quan tâm đến các bạn. Vậy tại sao các bạn không chủ động gần gũi với bố mẹ. Tôi nghĩ chỉ cần những câu động viên, hỏi han dành cho bố mẹ những lúc mệt mỏi, hay tham gia nấu cơm chẳng hạn. Đó là cách tốt nhất để các bạn thể hiện tình yêu của mình đối với bố mẹ”. Nền tảng của gia đình chính là tình yêu thương. Khi mỗi người trẻ tuổi biết quý trọng và có ý thức vun đắp cho tình cảm ấy, họ sẽ thực sự hạnh phúc và đóng góp phần công sức không nhỏ trong việc xây dựng tổ ấm của gia đình mình./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/suy-nghi-cua-gioi-tre-ve-gia-dinh/20116/178802.vov