Sức trẻ nơi đầu sóng

(Công lý) - “Chúng tôi là những người ở nơi đầu sóng, sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ, chấp nhận mọi hy sinh, thiệt thòi, noi gương những chiến sỹ Trường Sa đi trước với tinh thần còn người, còn đảo, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Đó không chỉ là lời chia sẻ của Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Nguyễn Thanh Tài (Cụm chiến đấu 1 đảo Trường Sa lớn, Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) mà còn là quyết tâm của những người lính trẻ đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Tinh thần “còn người còn đảo”

Sinh năm 1983 tại huyện miền biển Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Nguyễn Thanh Tài đã khao khát được ra làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa, nơi khó khăn của Tổ quốc để rèn luyện, phấn đấu. Sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan Lục quân 2, Tài nhận nhiệm vụ tại Cụm chiến đấu 1 đảo Trường Sa lớn (thuộc Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân). Từ đó, ước mơ được khoác trên mình quân phục người chiến sỹ Hải quân của Tài đã trở thành hiện thực.

Nhắc nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, Nguyễn Thanh Tài vẫn rưng rưng: “Khi mới nhận quyết định công tác, trong tôi bỗng trào dâng cảm giác vui mừng, vinh dự, xen lẫn tự hào bởi Trường Sa, hòn đảo mà tôi sẽ gắn bó và cống hiến không chỉ nhận được tình cảm yêu thương của người thân mà còn cả đồng bào, chiến sỹ cả nước”. Và, cũng chính ở nơi đầu sóng, ngọn gió xa xôi thiếu vắng tình cảm của người ruột thịt lại cho những người lính trẻ như Nguyễn Thanh Tài cảm nhận rõ hơn cả tình đồng chí, đồng đội nồng nàn: “Ai cũng sẵn sàng như một người anh, một người bạn để chia sẻ, động viên đồng đội, sẵn sàng nhận lấy phần vất vả, thiệt thòi về mình để dành điều tốt đẹp hơn cho người khác”.

Vững vàng nơi đầu sóng

Tài chia sẻ, trên đảo, điều kiện sinh hoạt, thao luyện khó khăn gian khổ hơn những nơi khác rất nhiều nên anh cùng với các đồng chí, đồng đội, các cán bộ Đoàn viên thanh niên đã xây dựng được tinh thần đoàn kết rất cao để khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm được giao. “Kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên của tôi về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đó là vào đêm giao thừa Tết Kỷ Sửu (năm 2009). Lúc đó, với cương vị là Phân đội trưởng, nhiệm vụ của tôi là họp phân đội để cắt cử chiến sỹ trực ca gác đêm. Cuộc họp vừa bắt đầu đã kết thúc một cách chóng vánh bởi cậu lính trẻ nhất trong đơn vị cứ nằng nặc xung phong đảm nhận việc này. Lính Trường Sa là như vậy đấy, câu hỏi “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai” không tồn tại ở đây đâu”, Nguyễn Thanh Tài chia sẻ đầy tự hào.

Chính những sẻ chia, nghĩa tình ấy đã sưởi ấm những người lính Trường Sa, nhất là trong mỗi độ Tết đến Xuân về như thế. Bởi, giao thừa đối với bất cứ ai cũng là khoảnh khắc rất đỗi thiêng liêng và chất chứa nhiều cảm xúc. Với người lính Trường Sa, đứng giữa biển trời thì nỗi nhớ người thân, nhớ đất liền, khát khao được đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình càng nhân lên gấp bội. Những người lính nơi tuyến đầu dù rắn rỏi, vượt nắng thắng mưa là thế nhưng ở khoảnh khắc đó dường như đều thu mình lại, mỗi người đều chọn cho mình một cách riêng để nhớ về đất liền. Khi đó, tình đồng đội đồng chí sẽ là ngọn lửa để nguôi vơi nỗi nhớ.

Và, cũng chính nơi đầy ân tình ấy đã ươm mầm để Nguyễn Thanh Tài phát huy khả năng của bản thân. Trên cương vị công tác, anh đã quản lý, chỉ huy phân đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tích cực đổi mới phương pháp huấn luyện, rèn luyện chiến sỹ, tổ chức 7 vọng gác thanh niên bám sát vọng gác, đài canh bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đảo và đơn vị.

Trong công tác sẵn sàng chiến đấu, Nguyễn Thanh Tài đã tổ chức được hơn 56 buổi học thanh niên nhằm phát huy trí tuệ, tạo cơ hội để các chiến sỹ trẻ nắm chắc đối sách, xử lý tốt các tình huống, sử dụng thành thạo các loại vũ khí được biên chế. Chất lượng của các buổi học đã được khẳng định qua kết quả bắn đạn thật của các chiến sỹ được nâng lên rõ rệt với 80% đạt giỏi vào năm 2011 và sang năm 2012 là 100% đạt giỏi.

Người thanh niên sinh năm 1983 này cũng chủ động tham mưu cho chỉ huy đơn vị và Liên chi đoàn tổ chức nhiều nội dung hình thức hoạt động phù hợp, cuốn hút được đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, góp phần phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị. Tiêu biểu là các phong trào: “Thanh niên với chủ quyền biển, đảo”, “Làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại”, “Bảo vệ môi trường biển, đảo”.

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Nguyễn Thanh Tài

Kỉ niệm về biến cố trong đời sống sinh hoạt của đồng đội mà Tài nhớ mãi đó là trường hợp của Thượng úy Phan Văn Hoàng. Anh là một chiến sỹ đã dày dặn kinh nghiệm công tác tại đảo đã gần 20 năm. Vợ chồng anh hiếm muộn phải nhờ đến khoa học ngành y can thiệp mới có được một đứa con. Nhưng khi sinh ra, đứa trẻ lại mắc căn bệnh nan y là cơ thể không tự sản sinh ra máu được. Anh rất đau buồn về hoàn cảnh của gia đình mình. Nắm bắt được tâm trạng của anh qua biểu hiện tâm lý, Tài đã gặp gỡ, động viên anh vượt qua nỗi đau để chắc tay súng, làm chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho anh em, chiến sỹ trẻ trên đảo noi theo. Đồng thời báo cáo cấp trên, phát động anh em chiến sỹ quyên góp, ủng hộ vật chất giúp đỡ gia đình chiến sỹ Hoàng.

Chia sẻ với các bạn đoàn viên thanh niên và thế hệ trẻ cả nước, Nguyễn Thanh Tài khẳng định: “Chúng tôi, những chiến sỹ đang cầm súng nơi tuyến đầu nguyện một lòng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Anh em chiến sỹ trẻ trên đảo một lòng gắn bó, đoàn kết chiến đấu, “còn người còn đảo”.

Điểm tựa vững chắc giữa trùng khơi

Cũng với tinh thần “còn người còn đảo”, trong suốt quá trình công tác của mình, Đại úy Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng Đảo Đá Đông B, quần đảo Trường Sa đã không ngừng nỗ lực cố gắng phấn đấu, dũng cảm ra nơi địa đầu đầy gian khó để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Là anh cả trong gia đình có 3 anh em, ngay từ khi còn nhỏ, Cấn Ngọc Sơn đã ấp ủ mơ ước sau này được một ngày khoác màu áo xanh. Học xong Trung học phổ thông, anh thi đỗ Trường Sỹ quan Lục quân 1 và năm 2009 tốt nghiệp, nhận quyết định về công tác tại Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Gần 2 năm công tác tại Căn cứ Cam Ranh, tháng 7/2011, Sơn được giao nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng đảo chìm Cô Lin (Trường Sa) và nhận lệnh lên tàu thay quân, ngay đầu mùa bão gió.

Anh Sơn tâm sự, nhận nhiệm vụ công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở Trường Sa, anh vô cùng xúc động và tự hào phấn khởi. Mặc dù cuộc sống trên đảo phải xa đất liền, xa gia đình, bạn bè và người thân, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng anh và các đồng đội đều luôn vượt lên tất cả mọi khó khăn thử thách, giữ vững tinh thần chiến đấu dù trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, chắc tay súng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Cấn Ngọc Sơn: “Lính Trường Sa luôn quyết tâm “Còn người còn đảo”...”

Đối với Đại úy Cấn Ngọc Sơn những kỷ niệm trong một lần vật lộn, đương đầu với sóng to gió lớn để rồi sau đó vượt qua nguy hiểm cùng với các đồng đội cứu sống được 10 ngư dân bị chìm tàu ở khu vực đảo Đá Đông B vào đầu tháng 10/2013 là những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ.

Khi đó biển động trời mưa mù mịt, sóng nâng cấp 5-6. Chiến sỹ trực canh báo phát hiện một tàu đánh cá tỉnh Phú Yên gặp nạn trên biển khu vực Đảo Đá Đông, anh đã trực tiếp quan sát, nhận định: “Tàu bị chồm lên rạn san hô, bị hư hỏng thiết bị thông tin, không ra nổi”. Lập tức Cấn Ngọc Sơn nhanh chóng báo cáo cấp trên để ra ứng cứu và hạ xuồng cùng một tốp chiến sỹ vượt mưa gió lao ra cứu chiếc tàu gặp nạn. Tàu bị thủng khiến nước tràn vào khoang. Sóng to, gió lớn khiến cho cuộc “vật lộn” cứu người, cứu của càng trở nên khó khăn. Cả ngày dầm mưa gió nhịn ăn, anh cùng các đồng đội đã đưa được 10 ngư dân trên tàu bị nạn cùng dụng cụ đánh bắt, đồ đạc cá nhân lên đảo an toàn và tổ chức chăm sóc y tế. Các chiến sỹ đã nhường lương thực thực phẩm, giường chiếu chăn gối cho các ngư dân tàu cá Phú Yên.

Hành động vô cùng quả cảm cùng với những nghĩa cử cao đẹp của anh và các đồng đội khiến những thuyền viên trên chiếc tàu cá bị nạn vô cùng xúc động. Anh Sơn chia sẻ, là lính đảo, nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc nhưng cũng làm nhiệm vụ bảo vệ cho bà con ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản trên vùng biển quê hương.

Là tấm gương sáng, có thành tích xuất sắc, sẵn sàng chiến đấu trên quần đảo Trường Sa và DK1, Cấn Ngọc Sơn đã vinh dự được cấp trên thăng quân hàm trước hạn từ cấp bậc Thượng úy lên Đại úy và vinh dự nhận Giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2013.

Trên khắp Trường Sa, còn nhiều lắm những người lính trẻ như Nguyễn Thanh Tài, Cấn Ngọc Sơn. Họ, đã và đang mang sức trẻ và trí tuệ của mình, ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Bằng sự hy sinh cao cả, cùng với tinh thần vượt qua mọi khó khăn thử thách, họ đã và đang phát huy, gìn giữ những thành quả mà các thế hệ trước trao truyền, dần tạo nên lá chắn thép giữa trùng khơi.

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/xa-hoi/doi-song/suc-tre-noi-dau-song-143914.html