Sức sống mới ở vùng 'rốn da cam' Đông Sơn

Bằng sự nỗ lực bám bản, gần dân, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân của lực lượng Công an ở cơ sở đã giúp cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số xã Đông Sơn, huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) khởi sắc từng ngày.

Là địa bàn có nhiều diện tích đất nhiễm chất độc dioxin từ chiến tranh nên nhiều năm trước, xã Đông Sơn, huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) được biết đến là vùng “rốn da cam”, vùng… “đất chết”. Tuy nhiên gần đây, từ những chính sách thiết thực của Đảng và Nhà nước cùng sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực bám bản, gần dân, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân của lực lượng Công an ở cơ sở đã giúp cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây khởi sắc từng ngày.

Công an xã Đông Sơn lắp đặt camera an ninh ở khu dân cư để đảm bảo ANTT địa bàn.

Đến xã Đông Sơn, huyện miền núi A Lưới vào những ngày giữa tháng 4/2024, chúng tôi chứng kiến cuộc sống mới đầy khởi sắc của đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi ở địa phương này. Men theo con đường bê tông liên thông, Đại úy Lê Khánh Long, Phó trưởng Công an xã Đông Sơn dẫn chúng tôi đi một vòng qua nhiều mảnh đồi là nương rẫy, bên dưới là những cánh đồng lúa nước xanh rì.

Đến sân bay A So, anh dừng xe máy lại và chỉ tay về phía hàng rào được dựng lên bằng những tấm tôn bao quanh khu vực sân bay rồi cho biết: “Đây từng là vùng “rốn da cam” của A Lưới khi trong chiến tranh, quân đội Mỹ sử dụng thung lũng A So làm sân bay dã chiến. Nơi đây còn là khu vực chứa chất độc hóa học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đưa đi phun rải ở khu vực miền Trung”.

Trong vòng 10 năm (1961-1971), tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của hơn 432.812 gallon thuốc diệt cỏ (chứa khoảng 11kg dioxin). Kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng xác định, diện tích đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ước khoảng 5ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m. Để khắc phục hậu quả chất độc dioxin, đầu tháng 10/2020, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) đã triển khai thực hiện dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So và đến cuối tháng 10/2023 đã hoàn thành xử lý hơn 9,3ha đất tại khu vực nơi đây.

“Nhờ dự án này mà sân bay A So vốn là “điểm nóng” ô nhiễm với chất độc dioxin vô cùng độc hại, nguy hiểm nay đã được hoàn trả môi trường trong sạch, an toàn, ngăn ngừa tác động nguy hiểm của dioxin đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Ngoài trồng cây xanh, giờ đây người dân địa phương còn chăn thả gia súc như trâu, bò, dê ở khu vực sân bay A So mà không phải lo lắng sợ hãi như trước”, Đại úy Lê Khánh Long bày tỏ niềm vui.

Toàn xã Đông Sơn có 414 hộ dân với 1.620 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân địa phương phần lớn chủ yếu dựa vào nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa và các loại cây ăn quả, trồng rừng quy mô nhỏ nên còn gặp nhiều khó khăn. Để giúp đỡ người dân địa phương, các CBCS Công an xã Đông Sơn đã thực hiện 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số” với người dân nên được bà con hết sức tin yêu.

Do người đồng bào dân tộc Pa Cô chiếm hơn 70% tổng số hộ dân ở địa bàn xã nên CBCS Công an khi về công tác tại xã đều phải học và nói được tiếng dân tộc Pa Cô. Đó là cách tốt nhất để trao đổi, giao tiếp đặc biệt là nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con dân bản để kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở.

Đông Sơn là xã biên giới có nhiều km đường biên giới giáp với nước bạn Lào nên Công an xã Đông Sơn đã thường xuyên phối hợp với tổ công tác Đồn Biên Phòng cửa khẩu A Đớt để tuần tra kiểm soát địa bàn, tuyên truyền người dân chấp hành tốt quy định khai báo tạm trú, lưu trú, thăm thân.

“Ngoài ra, Công an xã còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là Luật Giao thông đường bộ; tuyên truyền về tác hại, cách phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội để bà con ở các thôn bản tránh xa những tệ nạn này. Bên cạnh đó, anh em trong đơn vị còn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Nhờ thế nên tình hình ANTT địa bàn luôn được đảm bảo tốt”, Trung tá Trần Văn Danh, Trưởng Công an xã Đông Sơn cho biết thêm.

Nhằm tạo môi trường làm việc thân thiện giữa Công an xã và người dân, Công an xã Đông Sơn là đơn vị Công an xã đầu tiên ở miền núi A Lưới thực hiện mô hình trụ sở Công an xã “Sáng - xanh - sạch - đẹp”. Không những góp phần giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tốt hơn mà mô hình này còn giúp CBCS Công an xã an tâm hơn khi công tác xa nhà. Ngoài ra để tăng cường đảm bảo ANTT, ATGT địa bàn, Công an xã Đông Sơn còn vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để thực hiện mô hình “Camera an ninh” với nhiều mắt camera được lắp đặt tại các tuyến giao thông huyết mạch của xã.

Chị Lê Thị Lý (trú ở thôn Ka Vá, xã Đông Sơn) cho biết, từ khi có “mắt thần” tại ngã 4 tuyến đường liên thôn, người dân cảm thấy yên tâm hơn. Tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở dư người giảm thiểu đáng kể. Cùng với nỗ lực tuyên truyền của Công an, các tệ nạn đánh bạc, tụ tập uống rượu gây rối… không còn như trước...

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trương Toàn Thắng, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết thêm, chính nhờ sự nỗ lực gần dân, bám địa bàn, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân của Công an xã Đông Sơn đã giúp người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn an tâm lao động, sản xuất; tình hình an ninh, chính trị tại địa bàn được giữ vững...

“Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tích cực phối hợp với lực lượng Công an xã Đông Sơn và các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân. Trong đó, tiếp tục chú trọng thực hiện hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà ở, đầu tư nhiều công trình, dự án phục vụ người dân sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; đồng thời tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân”, ông Trương Toàn Thắng khẳng định.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/suc-song-moi-o-vung-ron-da-cam-dong-son-i728383/