Sức sống mới ở làng nghề tiện thủ công mỹ nghệ Nhị Khê

Không chỉ thơm danh truyền thống làng khoa bảng, xã Nhị Khê (huyện Thường Tín) còn là vùng đất nghề tiện thủ công mỹ nghệ nổi tiếng. Ngày nay, người dân Nhị Khê đã ứng dụng công nghệ vào từng công đoạn sản xuất tạo ra sản phẩm mẫu mã đa dạng, chất lượng.

Phó Chủ tịch Hội làng nghề Tiện thủ công mỹ nghệ Nhị Khê Nguyễn Hữu Khuê hướng dẫn người lao động đục trạm các sản phẩm đồ gỗ

Giải quyết việc làm cho lao động

Theo lời kể của ông Nguyễn Hữu Khuê, Phó Chủ tịch Hội làng nghề Tiện thủ công mỹ nghệ Nhị Khê, xã Nhị Khê, nghề tiện gỗ xuất hiện ở xã Nhị Khê có khoảng 600 năm trước. Từ nhiều đời nay, người dân nơi đây đã làm ra hàng loạt sản phẩm tinh xảo tiêu thụ rộng khắp cả nước.

Ban đầu chỉ có thôn Nhị Khê làm nghề tiện gỗ, sau rồi nghề lan dần sang thôn Trung Thôn. Đã có nhiều người dân địa phương lập nghiệp thành công tại các phố “Hàng” của Hà Nội vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX. Cứ thế, người người, nhà nhà bảo nhau truyền lửa cho lớp trẻ giữ nghề đến nay.

Một góc cổ kính của làng nghề Tiện thủ công mỹ nghệ Nhị Khê

Nhờ đó, nhà thờ tổ nghề vẫn đang được người làng nghề bảo tồn, trong đó có nhiều bức đại tự, hoành phi với nội dung giáo dục con cháu giữ gìn tổ nghiệp, đúng như câu ca dao ở địa phương ai cũng thuộc: “Bao giờ Thường Tín hết cây/Sông Tô cạn nước Nhị Khê bỏ nghề”.

Trải qua biết bao thăng trầm, gian nan, không ít lần làng nghề lao đao vì “đầu ra” của sản phẩm gặp khó khăn nhưng người dân Nhị Khê vẫn quyết tâm gìn giữ, phát huy tốt nghề truyền thống cha ông truyền lại và nghề đã không phụ công những con người tần tảo chịu khó.

Phó Chủ tịch Hội làng nghề Tiện thủ công mỹ nghệ Nhị Khê Nguyễn Hữu Khuê (ngoài cùng bên phải) giới thiệu các sản phẩm làng nghề do chính tay mình làm ra

Về Nhị Khê hôm nay mới thấy thành quả đoàn kết xây dựng NTM với đường bê tông thẳng tắp, mỗi thôn, xóm có cổng riêng biệt. Đặc biệt, điều đáng trân trọng ở Nhị Khê hiện vẫn lưu giữ được đình làng cổ kính cùng nhà thờ họ theo kiến trúc cổ, cùng với đó là không gian rộn rã âm thanh đầy sức sống của làng nghề.

Từ đây, rất nhiều đồ trang sức, thủ công mỹ nghệ chất lượng cao như: Tràng hạt, bình, lọ, bát, đĩa, hộp đựng, gạt tàn thuốc, đế đèn, cây đèn… đã xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Thôn Nhị Khê có gần 700 hộ nhưng có tới 85% trong số đó theo nghề. Mỗi gia đình hoạt động như một xưởng sản xuất khép kín.

Người lao động làng nghề Nhị Khê miệt mài tiện sản phẩm đồ gỗ

Nhờ có sự duy trì, gìn giữ và phát triển sản phẩm làng nghề nên đời sống người dân địa phương đã khá giả hơn trước. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo không còn. Thu nhập bình quân đầu người tại làng nghề Nhị Khê đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm. Các cơ sở sản xuất tạo việc làm cho từ 5 -10 lao động/cơ sở.

Phó Chủ tịch Hội làng nghề Tiện thủ công mỹ nghệ Nhị Khê Nguyễn Hữu Khuê chia sẻ: “Để tạo ra sản phẩm, người thợ phải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, khéo léo... Nếu không có sự đam mê thì khó có thể theo đuổi nghề. Chúng tôi mong sản phẩm tinh xảo của Nhị Khê đến với nhiều quốc gia hơn nữa, xứng đáng với kỳ vọng của các bậc tiền nhân”.

Nhiều cơ sở sản xuất tại làng nghề Nhị Khê đầu tư mua máy đục hiện đại để sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường

Năm nay đã 65 tuổi, qua tay ông Khuê, các sản phẩm đồ gỗ vẫn chính xác và rất đẹp. Hằng ngày, ông trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật, uốn nắn con cháu và người lao động các công đoạn quan trọng tạo nên sản phẩm có hình thức, chất lượng đạt mức cao nhất.

Truyền nghề cho lớp trẻ

Theo Chủ tịch Hội làng nghề tiện thủ công mỹ nghệ Nhị Khê Nguyễn Đình Sáng, nếu như trước kia, toàn bộ công đoạn làm nghề của địa phương đều phải làm bằng tay, mất rất nhiều thời gian thì nay một số công đoạn được máy móc hỗ trợ để thêm nhiều sản phẩm mới.

Các sản phẩm của làng nghề Nhị Khê được tạo ra từ những đôi bàn tay khéo léo

Không chỉ có đế đèn, lư hương, bình, bát, điếu... như xưa, giờ đây làng nghề còn có khoảng 200 sản phẩm khác nhau; theo từng năm, mẫu mã, hình thức cũng tăng theo phục vụ thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao. Nhiều sản phẩm người thợ đục thủ công bằng tay, nhưng cũng có sản phẩm bắt buộc phải đục bằng máy.

Chị Nguyễn Thị Hương, một người làm nghề cho hay, khi cầm những sản phẩm gỗ tiện xinh xắn, nhẵn bóng, đủ hình thù, kiểu dáng tinh xảo...ai cũng trầm trồ song ít người thấu được sự vất vả của người thợ. Thường ngày, người làm nghề tất bật trong xưởng cỡ 10 giờ đồng hồ, nếu say nghề thì quên cả thời gian.

Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Khê Ngô Xuân Trường kiểm tra sản xuất tại làng nghề

Điều lo ngại là thợ tiện Nhị Khê đang phải chịu sự ô nhiễm từ bụi gỗ, tiếng ồn, thậm chí là nguy cơ tai nạn lao động rất cao, nhẹ thì bầm dập, nặng thì đứt tay, chân… “Vất vả, nhọc nhằn là vậy, nhưng không ai bỏ nghề vì nghề vừa là sinh kế, vừa là tài sản vô giá ông cha truyền lại” - chị Hương nói.

Tự hào với làng nghề của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Khê Ngô Xuân Trường cho biết, năm 2001, Nhị Khê vinh dự đón nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống. Đây là niềm vui chung, khích lệ các thế hệ người dân tiếp tục phát triển nghề, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đạt giá trị cao hơn.

Một trong những sản phẩm đồ gỗ được đục thủ công bằng tay

Sản phẩm tiện gỗ của Nhị Khê không chỉ đơn thuần là cái cái chén, cái bát, bức tranh, bức tượng.... mà nó còn thấm đượm tình yêu nghề, tình yêu quê hương, in dấu cả lịch sử đất nước, lịch sử làng nghề truyền thống tiện thủ công mỹ nghệ.

Ngày nay công nghệ phát triển nên các hộ đều trang bị hàng tỷ đồng mua máy móc hiện đại: máy cưa, máy tiện gỗ, máy dập hạt, năng suất lao động tăng gấp nhiều lần, chất lượng sản phẩm đồng đều hơn, đường nét tinh xảo. Vì thế, hiệu quả kinh tế, đời sống người dân làng nghề được nâng cao rõ rệt.

Tuy công nghệ phát triển, nhiều sản phẩm với mẫu mã lạ, vật liệu mới ra đời... nhưng chúng tôi tin rằng, với lòng biết ơn Tổ nghề cùng nhận thức sâu sắc giá trị của nghề, chắc chắn làng nghề tiện thủ công mỹ nghệ Nhị Khê sẽ phát triển bền vững, hòa nhịp cùng sự lớn mạnh của Thủ đô và đất nước.

Công Tâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/suc-song-moi-o-lang-nghe-tien-thu-cong-my-nghe-nhi-khe.html