Sức sống mới của đờn ca tài tử

Nhiều câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử ở 24 quận, huyện hoạt động sôi nổi với chất lượng ngày càng cao. Trong môi trường ấy xuất hiện những hy vọng về lớp kế thừa của bộ môn nghệ thuật được xem là đặc sản phương nam.

Nhiều nhân tố mới xuất hiện trong Liên hoan đờn ca tài tử - giải Hoa sen vàng năm 2017.

Nhiều nhân tố mới xuất hiện trong Liên hoan đờn ca tài tử - giải Hoa sen vàng năm 2017.

Nhiều câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử ở 24 quận, huyện hoạt động sôi nổi với chất lượng ngày càng cao. Trong môi trường ấy xuất hiện những hy vọng về lớp kế thừa của bộ môn nghệ thuật được xem là đặc sản phương nam.

Cứ vào chủ nhật tuần thứ tư trong tháng, CLB Đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa quận 8 lại tổ chức sinh hoạt tại công viên hoa kiểng trên địa bàn quận. Các thành viên trong CLB lần lượt giao lưu với khán giả bằng những bài tổ, những bài ca cổ được yêu thích. Người đờn, người ca đều say mê trong không gian đậm chất tài tử. Chị Thái Thị Hạnh, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử của Trung tâm cho biết, quận 8 được xem như là cái nôi của đờn ca tài tử của thành phố, tập hợp hầu hết những nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực này như Ba Tu, Tấn Nhì, Bạch Huệ,… Chính vì thế, quận 8 luôn sản sinh ra những giọng ca hay, những người đờn giỏi trong bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Không chỉ đến để giao lưu, CLB Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa quận 8 còn chú ý rèn luyện chuyên môn như hướng dẫn các thành viên ca sao cho chuẩn, đờn sao cho hay, đồng điệu để nâng cao chất lượng nghệ thuật. “Không chỉ tập trung vào chuyên môn, chúng tôi còn chú ý về trang phục biểu diễn, phong cách trình diễn để các tiết mục vừa gần gũi, vừa thể hiện được tính bác học của đờn ca tài tử”, chị Thái Thị Hạnh chia sẻ.

Theo Phó trưởng phòng Nghệ thuật dân gian - Trung tâm văn hóa TP Hồ Chí Minh Trần Ngọc Lan, hiện tại, thành phố có gần 200 CLB và hơn 2.000 người tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử. Con số này tăng lên nhiều so với trước khi đờn ca tài tử được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013. Các CLB sinh hoạt đều đặn hằng tháng, thường xuyên giao lưu với các CLB trong và ngoài thành phố. Trung tâm đã sớm trình đề án với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cũng như tổ chức hoạt động thường xuyên nhằm bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử.

Cuối tháng 5 vừa qua, Liên hoan Đờn ca tài tử TP Hồ Chí Minh 2017 - giải Hoa sen vàng đã kết thúc tốt đẹp. Với hơn 300 nghệ nhân, 142 tiết mục của 24 CLB đờn ca tài tử các quận, huyện, liên hoan đã mang đến một sức sống mới, hy vọng mới về phong trào đờn ca tài tử trên địa bàn thành phố.

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng ban tổ chức Liên hoan, chất lượng chuyên môn giải Hoa sen vàng lần này được nâng lên rõ rệt. Sự chênh lệch về chất lượng đờn ca, dàn dựng tiết mục giữa các đơn vị không nhiều. Điều này chứng tỏ các địa phương đã chú trọng nâng cao chuyên môn trong sinh hoạt đờn ca tài tử. Liên hoan đã xuất hiện nhiều gương mặt trẻ triển vọng.

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, thành viên Ban giám khảo liên hoan nhận xét: “Lực lượng trẻ chiếm hơn 30% số nghệ nhân dự liên hoan, trong đó có nhiều người là con, cháu của các nghệ nhân đi trước, các nghệ sĩ cải lương. Việc các bạn trẻ quay lại với nghệ thuật truyền thống, nối nghiệp gia đình là điều đáng mừng, giúp đờn ca tài tử có điều kiện phát triển hơn”.

Một trong những gương mặt nhỏ tuổi nhất tham gia liên hoan là bé Lương Trương Quỳnh Anh, 11 tuổi. Vốn con nhà nòi (cha là nghệ sĩ cải lương Tuấn Hải), Quỳnh Anh từ khi 6 tuổi đã yêu thích đờn ca tài tử. Nghệ sĩ Tuấn Hải đã ra sức chỉ dẫn từng câu ca vọng cổ, từng bài tổ để con hiểu hơn và yêu hơn môn nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Năm 2016, khi mới 10 tuổi, Quỳnh Anh đã nhận Huy chương bạc liên hoan đờn ca tài tử thiếu nhi - giải Búp sen vàng. Giờ đây, hằng tuần, Quỳnh Anh lại đến sinh hoạt đờn ca tài tử với các cô, chú nghệ nhân tại CLB đờn ca tài tử quận Bình Thạnh.

Để bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử, điều cần thiết hiện nay là các ngành chức năng quản lý lĩnh vực này cần xây dựng những quy định về chuẩn mực trong đờn ca tài tử. “Nhiều CLB không quan tâm lắm đến việc đờn, ca sao cho chuẩn, cho đúng chất đờn ca tài tử. Chính vì thế, nhiều người đờn, ca chưa tới mà không sửa dẫn đến truyền dạy không chuẩn cho thế hệ sau”, chị Thái Thị Hạnh chia sẻ.

Đờn ca tài tử cần được đưa vào trường học nhiều hơn nhằm giúp học sinh tiếp cận một cách bài bản, khơi gợi niềm đam mê của các em đối với môn nghệ thuật độc đáo của phương nam. Chị Thái Thị Hạnh cũng đang chuẩn bị phối hợp với một số trường ở quận 1, quận 8 để đưa đờn ca tài tử vào giảng dạy trong trường học. “Cuối năm, nhà trường sẽ tổ chức cho các em biểu diễn đờn ca tài tử xem như bài tổng kết nhằm đánh giá hiệu quả công tác giảng dạy”, chị Thái Thị Hạnh cho biết thêm.

BẢO LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/33241602-suc-song-moi-cua-don-ca-tai-tu.html