Sức nặng Triều Tiên 'rung chuyển' bàn nóng Mỹ- Hàn

Tân Tổng thống Hàn Quốc ngày 28/6 đã tuyên bố sẽ sát cánh vững chắc với Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Triều Tiên.

Tân Tổng thống Hàn Quốc ngày 28/6 đã tuyên bố sẽ sát cánh vững chắc với Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Triều Tiên trong chuyến thăm lần đầu đến Washington– động thái phần nào đảo ngược lập trường về cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với Bình Nhưỡng.

Trong khuôn khổ chuyến công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức, sau khi đặt vòng hoa tại căn cứ Thủy quân lục chiến ở Quantico, Virginia, ông Moon Jae in nói, "Cùng nhau chúng ta sẽ giải quyết được chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và cuối cùng hòa bình ở Đông Bắc Á".

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in đến thăm căn cứ Thủy quân lục chiến ở Quantico, Virginia. (Nguồn: AP)

Ông Moon cũng đã nhấn mạnh cam kết của ông đối với liên minh Mỹ-Hàn trong bối cảnh nhiều câu hỏi đang được đặt ra về chính sách tiếp theo của Hàn Quốc đối với Bình Nhưỡng – liệu có tiếp tục mềm dịu nữa hay không trong bối cảnh sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên đang phát triển nhanh chóng.

Người tiền nhiệm của ông Moon – bà Park Geun hye, đã bị cáo buộc tội hối lộ, có lập trường cứng rắn với Triều Tiên tương tự như ông Trump. Trong khi đó, bất chấp lập trường mềm dẻo của ông Moon, các vụ thử tên lửa liên tục của Triều Tiên vẫn tiếp tục.

Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump, Tướng McMaster, cho biết hôm thứ Tư rằng Mỹ đang chuẩn bị "tất cả các lựa chọn" đối với Triều Tiên, "bởi vì Tổng thống đã nói rõ với chúng tôi rằng ông sẽ không chấp nhận một sức mạnh hạt nhân ở Triều Tiên và một mối đe dọa có thể nhắm mục tiêu đến Mỹ."

Tình hình Triều Tiên phức tạp

Các cuộc hội đàm giữa ông Moon và ông Trump, bắt đầu vào bữa tối ngày 29/6 và sau đó là các cuộc đàm phán chính thức ngày 30/6, diễn ra trong bối cảnh phức tạp về Triều Tiên.

Trung Quốc đang thúc giục Mỹ xúc tiến đàm phán lại với Triều Tiên. Triển vọng này dường như chưa khả quan khi ông Trump đang thất vọng khi nói rằng sức ép từ Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng là chưa hiệu quả.

Triều Tiên cũng chưa có dấu hiệu muốn khởi động lại cuộc đàm phán về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Hiện tại, ông Moon đang tìm cách xoa dịu mối lo ngại về sự khác biệt với ông Trump về các vấn đề, bao gồm Triều Tiên trong các cuộc phỏng vấn trước chuyến thăm. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nói rằng phương pháp tiếp cận của ông đối với Triều Tiên phù hợp với chiến lược của Mỹ là "sức ép và cam kết tối đa".

Ông Moon nói với tờ Washington Post rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un "vô lý" và "rất nguy hiểm" và rằng đặt ra sức ép là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Moon, các biện pháp trừng phạt sẽ không giải quyết được vấn đề, và cần phải có đối thoại "trong những điều kiện đúng đắn".

Sáu cựu quan chức hàng đầu của Mỹ, bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry và cựu Bộ trưởng Ngoại giao George Shultz, hôm thứ Tư cũng kêu gọi đối thoại. Họ đã viết thư gửi tới ông Trump, thúc giục ông thiết lập liên lạc với Triều Tiên để "tránh thảm họa hạt nhân".

Vấn đề về hệ thống phòng thủ tên lửa

Hồi đầu tháng này, ông Moon đã khiến các quan chức Mỹ ngạc nhiên bằng cách trì hoãn việc triển khai đầy đủ hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ tại Hàn Quốc –nhằm bảo vệ Hàn Quốc và 28.000 lực lượng Mỹ đóng tại nước này để chống lại sức mạnh tên lửa của Triều Tiên. Cựu Tổng thống Park Geun hye đã ủng hộ động thái trên bất chấp một số tiếng nói phản đối từ địa phương và Trung Quốc.

Gần đây, chính phủ của ông Moon đã yêu cầu thực hiện một cuộc điều tra về môi trường trước khi cho phép các bệ phóng bổ sung trong hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD. Tuy nhiên, điều này, theo phía Hàn Quốc là sẽ không nhằm xoa dịu Trung Quốc hoặc đảo ngược quyết định triển khai THAAD- điều có thể khiến Washington tức giận.

Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự gần bán đảo Triều Tiên dưới thời ông Trump, và sự tức giận của nước này đối với Triều Tiên đã tăng lên từ sau cái chết của sinh viên đại học Mỹ Otto Warmbier vào tuần trước. Ba người Mỹ khác và sáu người Hàn Quốc vẫn đang bị giữ ở miền Bắc.

Bên cạnh đó, chuyến thăm của ông Moon sẽ không chỉ hoàn toàn tập trung vào vấn đề Triều Tiên và THAAD. Phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ ngày 28/6, ông Moon kêu gọi mở rộng thêm quan hệ kinh tế và thương mại. Ông thậm chí còn mong đợi thời điểm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ mở ra cơ hội kinh doanh bên trong Triều Tiên.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng chỉ trích một thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Hàn năm 2012 do thặng dư thương mại lớn của Hàn Quốc. Tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 144.6 tỉ USD trong năm 2016 và Mỹ chịu thâm hụt 17 tỷ USD.

Một quan chức Nhà Trắng nói rằng ông Trump có thể kêu gọi dỡ bỏ các rào cản đối với ô tô của Mỹ tại Hàn Quốc và nêu ra các mối quan ngại về xuất khẩu thép từ Trung Quốc tới Mỹ đang đi qua Hàn Quốc.

(Theo AP)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/suc-nang-trieu-tien-rung-chuyen-ban-nong-my-han-244537.html