Sức ì ngày càng nặng thêm

Chứng khoán Việt Nam đã và đang khiến cho giới đầu tư thất vọng khi không thể vượt qua nổi ngưỡng 690 điểm kể từ đầu tháng 8-2016 đến nay.

Chứng khoán Việt Nam đang đi ngược lại chứng khoán khu vực và thế giới và thật khó tìm ra lý do chính đáng cho sự ngược dòng này. Ảnh TL SGT

Hầu hết cổ phiếu đều giảm giá, trừ một số mã blue-chips vốn hóa lớn có sức tác động đến VN-Index. Đặc biệt chỉ số đã không giảm sâu như tốc độ giảm giá của các cổ phiếu chủ yếu nhờ sự xuất hiện của mã ROS (Công ty cổ phần Xây dựng Faros). Mã này đã tăng liên tục từ khi niêm yết vào đầu tháng 9 và đến nay đã chiếm vị trí thứ sáu trong bảng tổng sắp các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn Hose.

Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” đã ngày một hiện rõ. Điều này không phản ánh một cách thực chất diễn biến thị trường. Dòng tiền đang bị rút ra khỏi các sàn kể cả từ phía nhà đầu tư nội và ngoại. Nước ngoài bán ròng trong nhiều tháng do các quỹ đóng chốt lời các cổ phiếu đã tăng giá mạnh và đóng quỹ, trong khi các quỹ ETFs liên tục bị rút vốn. Ngay cả các cổ phiếu cơ bản có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng trong chín tháng đầu năm cũng không thoát khỏi xu thế giá xuống.

Chứng khoán Việt Nam đang đi ngược lại chứng khoán khu vực và thế giới và thật khó tìm ra lý do chính đáng cho sự ngược dòng này. Từ Mỹ đến châu Âu, châu Á, các chỉ số chứng khoán toàn cầu không ngừng vươn tới những tầm cao mới. Chứng khoán Anh FTSE đã vượt ngưỡng 6.800 điểm và 7.000 điểm không phải khoảng cách quá xa. Chỉ số DAX của Đức sắp lên 11.000 điểm, cao nhất mọi thời đại. Tương tự chỉ số CAC của Pháp đã vượt thành công mức 4.500 điểm. Dow Jones, S&P500 của Mỹ đang thiết lập đỉnh mới mỗi ngày.

Nhìn lại gần một năm qua, chứng khoán Việt Nam vẫn đang loay hoay mà không có bất cứ một sự chuyển biến tích cực nào về khung pháp lý cũng như cải tiến công nghệ, kỹ thuật nhằm đẩy thanh khoản thị trường. Thay bằng thu hút vốn mới, khai thông nội lực, chứng khoán giẫm chân tại chỗ. Vốn ngoại vẫn chỉ là một số quỹ nhỏ, vào và ra một cách lạc lõng, còn với vốn nội, tiền nhàn rỗi vẫn đang nhìn chứng khoán như một kênh đầu tư đầy rủi ro. Lãi suất huy động tăng hay giảm, tiền tiết kiệm vẫn chảy vào ngân hàng. Khi kênh đầu tư vàng, ngoại tệ “nguội lạnh”, người ta nhìn sang bất động sản. Chứng khoán vẫn là sân chơi của một bộ phận rất nhỏ người dân có tiền nhàn rỗi.

Kỳ vọng của giới đầu tư về sự thanh lọc các cổ phiếu dựa trên vốn, lượng cổ phiếu có thể giao dịch, vai trò đầu ngành, độ lớn của doanh thu, lợi nhuận... để tạo ra một sàn, thí dụ với tên gọi, cao cấp đã không xảy ra. Các cổ phiếu tốt xấu, to nhỏ, thanh khoản cao thấp... vẫn nằm lẫn lộn ở ba sàn. Nhà đầu tư phải đãi cát tìm vàng trong bối cảnh công bố thông tin không minh bạch và nhiều cổ phiếu tăng hoặc giảm giá một cách bất thường hàng tháng trời bất chấp kết quả kinh doanh không tương ứng đang làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư. Đại diện một công ty quản lý quỹ cho biết các quỹ của họ đang bị chiết khấu so với VN-Index chỉ vì trong danh mục không có một cổ phiếu vốn hóa lớn. Cổ phiếu này có diễn biến giao dịch vô cùng bất thường, không xứng đáng để được đưa vào danh mục của các quỹ, nhưng bộ phận giám sát, thanh tra của Hose và cả Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã không có một phản ứng nào.

Thời gian gần đây một số doanh nghiệp lớn đã đăng ký giao dịch trên sàn UpCom như Habeco, ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam), sắp tới có thêm Vietnam Airlines. Tuy nhiên tỷ lệ cổ phiếu Nhà nước nắm giữ tại những đơn vị này còn quá lớn, nên thanh khoản giao dịch của chúng không cao và chưa tạo được sự lan tỏa trên thị trường. Trước sau không sớm thì muộn những doanh nghiệp trên sẽ tự chuyển niêm yết sang sàn Hose và với giá trị vốn hóa lớn, chúng sẽ tác động lên chỉ số VN-Index. Thanh khoản của chúng sẽ là một vấn đề khi lượng cổ phiếu có khả năng giao dịch thấp. Đây sẽ là bài toán khó cho các nhà đầu tư tổ chức, nhất là các quỹ đầu tư theo chỉ số và các quỹ mở. Tìm giải pháp để tháo gỡ vấn đề thanh khoản cho những công ty giá trị vốn hóa lớn là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Hoặc Nhà nước cần đăng ký bán bớt cổ phần thông qua giao dịch thỏa thuận, hoặc khớp lệnh trên sàn. Nhà nước không nhất thiết phải bán ngay một tỷ lệ to, chỉ cần có bán ra để tạo thanh khoản cho cổ phiếu.

Sức ì trong chứng khoán vốn dĩ đã là câu chuyện của nhiều năm, nhưng cùng với sự lớn lên của thị trường, sức ì ấy đã không giảm bớt, mà dường như ngày càng nặng thêm. Chứng khoán có lẽ là lĩnh vực nơi những phát biểu, phát ngôn được thể hiện nhiều, và không tương xứng với hành động thực tế. Giờ đây khi thị trường lại thiếu vắng sự sôi động, một lần nữa không chỉ giới đầu tư, mà cơ quan quản lý nên suy ngẫm về điểm này.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154213/suc-i-ngay-cang-nang-them.html/