Sức hút từ những cuộc đua kỳ thú

(Đất Việt) Sau hai tập đầu chưa cho thấy sự kịch tính đáng kể, The Amazing Race – Cuộc đua kỳ thú hiện tại đã làm thay đổi một cái nhìn về chương trình khi mang đến những điều gần như không tưởng.

Kịch tính này đã tăng đến đỉnh điểm ở tập thứ 6, phát sóng vào 24/6 vừa qua khi có thêm yếu tố mới trong luật chơi: Rào cản. Luật chơi này đã đẩy các đội chơi vào sự chọn lựa mang tính quyết định và cả thái độ cạnh tranh. Với luật này, một đội chơi có quyền đặt biển rào cản với một đội khác tại thử thách kép. Theo đó, đội bị đặt rào cản sẽ phải quay lại hoàn thành nốt thử thách còn lại, trong khi các đội khác chỉ phải hoàn thành một trong hai.

Với sự tương hỗ được nhìn thấy qua các tập thi: các đội chơi cùng góp tiền cho đội Richie – Mimi để đội này đi tiếp chặng đường (tập 4), cùng nhau san sẻ “hộp cơm gà tưởng tượng” (tập 5)... Rào cản sẽ khiến các đội chơi bộc lộ mình nhiều hơn không phải về trí lực. Bởi nói một cách khác, đây là một kiểu “chơi xấu” công khai, và “nạn nhân” là đội Tuấn Anh – Xuân Sơn, còn “thủ phạm” là đội Thành Chung - Thanh Bằng. Đội Tuấn Anh – Xuân Sơn may mắn không bị loại, nhưng “sốc” là không tránh khỏi, và ngay cả khán giả cũng bức xúc vì hành động không đẹp của đội Thành Chung – Thanh Bằng.

Tuấn Anh – Xuân Sơn tại thử thách đấu vật.

Cho đến hiện tại, sức hấp dẫn ngày một gia tăng của Cuộc đua kỳ thú không phải nằm ở những thử thách “đao to búa lớn”, mà ngược lại, có vẻ rất đời thường, rất dễ dàng nhưng lại đẩy người chơi đến giới hạn tận cùng của sự chịu đựng, kiên nhẫn và kiếm chế. Khán giả không thể nào quên được hình ảnh đội Tuấn Anh – Xuân Sơn vừa ăn cơm cháy vừa ói nhưng quyết không bỏ cuộc, cũng như hình ảnh khó tin của cô nàng “tiểu thư” dễ khóc và dễ ngất Mini đạp xe 50km trên địa hình dốc cao... Và dĩ nhiên, khán giả cũng nhớ sự nóng nảy, thiếu kiềm chế đến mức làm tiêu hủy bao nhiêu sự ủng hộ của khán giả trước nay dành cho mình của hotboy Baggio ở thử thách may áo gối, làm lồng đèn.

Có thể nói, ngoài trí lực, Cuộc đua kỳ thú còn mang một thử thách khác, có tính tiềm ẩn xuyên suốt các chặng đường, đó là bộc lộ tính cách thật của từng người chơi. Cho đến hiện tại, các đội chơi sẽ cạnh tranh với tâm lý thế nào, dè chừng, cay cú hay trên tinh thần thượng võ vẫn còn là câu hỏi, và dĩ nhiên, đáp án cho câu hỏi đó sẽ là chìa khóa chính cho sự thu hút của chương trình.

Diễn ra song song với Cuộc đua kỳ thú là một chương trình khác cũng về thử thách trí lực: Tôi là người dẫn đầu. Tối 30/7, chương trình sẽ tìm thấy người chiến thắng bằng số lượng bầu chọn của 12 người chơi và của khán giả.

Tính cạnh tranh và sự đối đầu của chương trình này cũng không hề kém cạnh khi mỗi người chơi phải chứng minh được mình xuất sắc trong các thử thách, vượt qua những người còn lại để trở thành người dẫn đầu. Sự hấp dẫn của chương trình không chỉ là sự khóa khăn của thử thách mà còn là sự xung đột giữa những người chơi. Đây cũng gần như là lần đầu tiên người chơi phải trải nghiệm việc công khai chọn ra người nên bị loại khỏi cuộc đua, thay vì bầu ra người ở lại như vẫn thường thấy tại các sân chơi có tính cạnh tranh khác. Về hình thức, hai điều này không khác nhau, nhưng nếu xét trên văn hóa ứng xử, hai điều này hoàn toàn khác nhau.

Đặc biệt trong đêm Gala trao giải, khán giả sẽ được nghe ý kiến và quan điểm sẻ chia qua những câu chuyện, những bí quyết để trở thành người dẫn đầu của các vị khách dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực khác như Giáo sư Dương Trung Quốc - Tổng thư ký hội Khoa học lịch sử Việt Nam, PGS.TS Bùi Thế Duy – Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Phó giám đốc Học Viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam cùng, ông Don Lâm - Tổng giám đốc Vina Capital và Đạo diễn Lê Hoàng…

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/vanhoa/Suc-hut-tu-nhung-cuoc-dua-ky-thu/20127/219966.datviet