"Sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt kém hơn nước ngoài"

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm của Việt Nam ghi nhận sự đóng góp lớn của nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài hơn DN trong nước. Điều này nói lên sức chịu đựng trước khó khăn của các công ty Việt kém hơn nước ngoài.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, khi trao đổi với báo giới về những kết quả trong 3 tháng đầu năm, cũng như khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.

- Ông đánh giá như thế nào về những kết quả trong xuất khẩu mà Việt Nam đã đạt được?

Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) quý I năm 2012 ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2011 (tương đương với tăng 4,7 tỷ USD).

Trong đó, KNXK của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt gần 9 tỷ USD, chiếm 36,7% tổng KNXK của cả nước, bằng cùng kỳ năm ngoái; KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,5 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng KNXK của cả nước, tăng 43,1%, nếu không kể dầu thô KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,8 tỷ USD tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Như vậy, đây là một kết quả rất đáng khích lệ, trong bối cảnh của kinh tế trong nước và của thế giới còn nhiều khó khăn như hiện nay.

- Mặc dù đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng đóng góp chính cho thành công này lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Như chúng ta đã thấy, trong bức tranh chung của xuất nhập khẩu của 3 tháng đầu năm, tăng trưởng chính lại rơi vào nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, thị phần của nhóm đầu tư nước ngoài trong xuất khẩu, nhập khẩu những tháng đầu năm 2012 cao lên rõ rệt, cao hơn thị phần của doanh nghiệp trong nước.

Một điểm đáng đáng lưu ý nữa là trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu của các doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên

trong nước không có tăng trưởng về xuất khẩu, trong khi đó nhập khẩu cũng đã giảm trên 10%. Điều này cho thấy rằng, doanh nghiệp trong nước bị tác động mạnh hơn từ những vấn đề kinh tế vĩ mô, nhất là vấn đề tiếp cận vốn vay, tiếp cận tín dụng, lãi suất cao và chiến lược thị trường chưa được bền vững.

Năm nay, chúng ta thấy rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó đa phần là các tập đoàn đa quốc gia, họ đã chủ động được nguồn nguyên liệu, nguồn sản xuất, thậm chí chủ động về nguồn vốn và có lãi suất thấp, cùng với đó là có được thị trường tiêu thụ ổn định. Chính những yếu tố này đã khiến các doanh nghiệp nước ngoài, ít bị tác động vào thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó thì doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các mặt hàng mà nông lâm, thủy sản mặc dù giữ được thị phần như năm ngoái, nhưng về tốc độ lại sụt giảm. Điển hình, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm mặt hàng nông, lâm, thủy sản có suy giảm đến gần 7%, gạo chúng ta cũng giảm 40% về lượng và giá. Cùng với đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu khác cũng có sự suy giảm đáng kể.

- Trong bức tranh chung của nền kinh tế 3 tháng đầu năm có nổi cộm lên việc các doanh nghiệp gặp trở ngại về hàng tồn kho khá cao, theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Bức tranh xuất khẩu những tháng đầu năm cũng thể hiện được tính tương quan, của thị trường và quan hệ cung cầu. Trong đó, tồn kho của doanh nghiệp thể hiện ở chỗ là sức mua của thị trường trong nước hiện nay còn khó khăn, thanh khoản về tín dụng vốn của nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp trở ngại, cho nên sức tiêu thụ bị chậm so với năm ngoái.

Cùng với đó là, tác động của thị trường ngoài nước và sức tiêu thụ sản phẩm của nước ngoài, khi sức mua bị hạn chế bởi khủng hoảng tài chính, trong đó có khủng hoảng nợ công ở thị trường Châu âu, tác động đến thị trường khác làm ảnh hưởng đến sức mua của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Cho nên có thể nói, mức tồn kho của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, trong đó những ngành hàng nông, lâm, thủy sản nói riêng bị sụt giảm, là do hệ lụy tác động của thị trường thế giới.

- Vậy Bộ Công Thương có những giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?

Bộ Công Thương cùng với các Bộ, ngành phải phấn đấu thực hiện Nghị Quyết 01 của Chính phủ, trong đó sẽ kết hợp với các địa phương và Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp tìm các biện pháp, để tập chung trước mắt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, giúp doanh nghiệp chủ động được vùng nguyên liệu, để đảm bảo đầu vào không bị đội giá lên quá cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Một công việc cũng khá quan trọng nữa là, chúng tôi muốn đẩy mạnh công tác thị trường ngoài nước và xúc tiến thương mại, nhất là việc tận dụng các thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mỡ, mới. Riêng đối với từng ngành hàng, thì phải có cách tiếp thị riêng.

Với tất cả các giải pháp đó, hiện nay chúng tôi đang nổ lực triển khai để đảm bảo xuất khẩu năm 2012 này tăng trưởng không dưới 13%.

- Xin cảm ơn ông!

Yến Nhi

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/kinh-te/tin-tuc/26_286842/quot_suc_chiu_dung_cua_doanh_nghiep_viet_kem_hon_nuoc_ngoai_quot.html