Sức bật từ các chương trình mục tiêu quốc gia

Mặc dù chưa hết khó khăn, nhưng phải thừa nhận, mảnh đất Võ Nhai đang thay da đổi thịt từng ngày khi những vuông đất, nương đồi được phủ kín màu xanh của cây trái và cây rừng. Trên đồng ruộng, bà con tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên lúa, ngô trĩu hạt, mùa màng bội thu.

Nhà văn hóa xóm Mỏ Chì (xã Cúc Đường, Võ Nhai) đã được lắp đặt nhiều dụng cụ tập thể dục để bà con rèn luyện sức khỏe.

Thời gian qua, các chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) được triển khai đồng bộ ở huyện vùng cao Võ Nhai, tạo cơ hội, điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Các chương trình này đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Ngoài ra, các chương trình mục tiêu quốc gia đã bước đầu mang lại sự chuyển biến đáng kể đối với hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, góp phần rút ngắn khoảng cách về đảm bảo thông tin, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm sâu qua các năm (năm 2021 giảm 3,08%; năm 2022 giảm 3,15%; năm 2023 giảm gần 4%).

Hệ thống cơ sở vật chất từ huyện đến các xã từng bước được xây mới, sửa chữa, đã ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu làm việc, sinh hoạt của cán bộ, nhân dân. Hiện, huyện tiếp tục đầu tư gần 25 tỷ đồng xây dựng 52,2km đường trục xóm, nội đồng và đường ngõ xóm; đầu tư 470 triệu đồng và 25,7 tấn xi măng xây dựng thêm một trạm bơm điện và cứng hóa 5km kênh mương nội đồng; nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng công cộng ở các xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 2,4 tỷ đồng; đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở văn hóa, thể thao ở các xóm, xã… Các xã trên địa bàn cũng đã trồng được hơn 5km đường hoa, tô điểm cho cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch cộng đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; nâng cao chất lượng đào tạo nghề… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.

Hiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt gần 60% tổng số lao động; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 98% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; có 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được công nhận OCOP…

Những năm qua, Võ Nhai đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh. Đơn cử như xã Nghinh Tường, Sảng Mộc là các địa phương đặc biệt khó khăn của huyện đã được phủ sóng mạng Internet.

Riêng xã Sảng Mộc, tỷ lệ máy tính/tổng số cán bộ, công chức xã đạt 100%. Xã sử dụng 4 phần mềm ứng dụng trong giải quyết công việc, tỷ lệ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính của xã là 321/321 hồ sơ… Huyện thực hiện công khai, minh bạch 100% thủ tục hành chính; tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 97,46%; tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến đạt 70%; tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt hơn 64%...

Nhiều hộ dân ở xã Tràng Xá (Võ Nhai) đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Bùi Thị Sen, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Trong những năm qua, huyện đã thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, với 10 dự án thành phần đã giúp giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, ổn định dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào, hướng đến mục tiêu từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các xã thuộc diện đầu tư của chương trình có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; nhu cầu đầu tư lớn, trong khi các nguồn lực có hạn; một số xã còn lúng túng trong việc lựa chọn các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đang có sự chồng chéo về nội dung, đối tượng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, như: về hỗ trợ đầu tư hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; phát triển giáo dục và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo…

Qua quá trình thực hiện các chương trình, huyện Võ Nhai đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung đơn vị Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên vào danh sách các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để địa phương thực hiện nội dung hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đề nghị ngành chức năng bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật đối với một số giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh như chăn nuôi dúi, ngựa bạch… để huyện triển khai thực hiện.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/dan-toc-va-mien-nui/202405/suc-bat-tucac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-b0c2dd4/