Ngành Công Thương khu vực phía Bắc: Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các địa phương khu vực phía Bắc tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Công nghiệp, thương mại giữ vững “phong độ”

Phát biểu kết luận Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận sự nỗ lực của các địa phương thông qua kết quả tích cực công nghiệp, thương mại đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, với kiến nghị của địa phương tại Hội nghị, Thứ trưởng đề nghị Cục Công Thương địa phương, các đơn vị thuộc Bộ tổng hợp đầy đủ, trả lời một cách rõ ràng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu kết luận hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu kết luận hội nghị

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác chuyển đổi số trong ngành Công Thương, Thứ trưởng khẳng định, đây là xu hướng, Chính phủ đã quan tâm thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số… Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương cũng bắt nhịp rất nhanh, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Công tác này cũng đã góp phần quan trọng vào kết quả đạt được của ngành Công Thương năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, năm 2023 cả nước tăng trưởng âm nhưng 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giữ được sức tăng trưởng ổn định, thậm chí có những chỉ tiêu vượt trội. Đây là kết quả đáng ghi nhận và tiếp tục thể hiện trong kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2024. “Các chỉ số tăng trưởng tháng sau tăng cao hơn tháng trước, quý sau tăng cao hơn quý trước, cho thấy sự phục hồi tốt tại các địa phương”, Thứ trưởng cho hay.

Tạo "xung lực" mới cho các địa phương

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng chỉ rõ, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng hiện trạng phát triển ngành Công Thương khu vực phía Bắc còn tồn tại những thách thức. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương trong thời gian tới. “Tuy nhiên, quan trọng nhất là chúng ta nỗ lực, tự chủ, độc lập, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng các địa phương vượt qua mọi thách thức”, Thứ trưởng nhận định.

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đồng thời đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung trọng tâm.

Cụ thể, các địa phương bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, để triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Đặc biệt là chủ trương liên quan đến quy hoạch quốc gia, vùng, ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh. Các địa phương cần chú ý tới tính tương thích và đồng bộ giữa các quy hoạch.

Các địa phương tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhằm tạo ra dư địa và xung lực mới cho các địa phương phát triển.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Chủ động cung cấp nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chú trọng thực hiện tốt cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống với phương châm trong bất kỳ tình huống nào cũng không để xảy ra đứt gãy nguồn cung. Bộ Công Thương quyết tâm trong thời gian tới không để tái diễn tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch triển khai quy hoạch. Để thực hiện, các địa phương trong khu vực cùng phối hợp triển khai, trong đó bao gồm cả triển khai phát triển hệ thống điện ở khu vực biên giới, hải đảo, phấn đấu phủ điện 100% ở vùng sâu, vùng xa.

Tiết kiệm năng lượng cũng là lĩnh vực quan trọng, không chỉ sử dụng mà còn ở việc động viên khuyến khích sử dụng thiết bị tiết kiệm điện. Yếu tố này liên quan chặt chẽ đến ngành sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn sản xuất, lưu thông trong ngành Công Thương cũng rất quan trọng. Đề nghị Sở Công Thương các địa phương thường xuyên giám sát kiểm tra tại cơ sở, “phòng” sẽ được nhiều hơn “chống”.

Với các hoạt động khác liên quan đến hạ tầng thương mại, xuất nhập khẩu khu vực biên giới…đã được các địa phương kiến nghị, Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị và sẽ nghiên cứu hướng dẫn xử lý. Riêng với thủ tục hành chính, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… trên cả kênh thương mại truyền thống và kênh thương mại điện tử.

Việt Nga - Thanh Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-khu-vuc-phia-bac-tap-trung-trien-khai-cac-nhiem-vu-trong-tam-320690.html