Sửa Luật thuế Bảo vệ môi trường: Đề xuất mở rộng đối tượng, điều chỉnh khung thuế

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường (BVMT)” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp cùng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) và Trường Đại học Tài chính – Marketing tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM.

Bà Đỗ Hoàng Oanh cho rằng cơ quan Nhà nước khi đi khảo sát tại DN giống như “tay không bắt giặc". Ảnh: N.Hiền.

Mở rộng đối tượng

Theo đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần mở rộng thêm đối tượng chịu thuế. TS Vương Thị Thu Hiền, Học viện Tài chính cho rằng, Thuế BVMT thu vào hàng hóa, dịch vụ khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Trên thực tế còn có nhiều hàng hóa chưa được quy định thuộc đối tượng chịu thuế BVMT mà khi đưa vào sử dụng có mức độ ô nhiễm trên diện rộng, tác động xấu đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Trong đó có phân bón hóa học, chất tẩy rửa, chất kích thích tăng trưởng, khí than, khí thiên nhiên. Hiện nhiều nước trên thế giới cũng đã thu thuế đối với các sản phẩm này.

Theo ThS. Trần Thị Mơ, Bộ môn Thuế, Trường ĐH Tài chính – Marketing, hiện các loại thuế BVMT của Việt Nam chỉ tập trung đánh vào đối tượng là người tiêu dùng, trong khi còn nhiều đối tượng thải ô nhiễm là các DN sản xuất thì chưa được chú trọng mà mới chỉ thu phí. Theo đó, cần chuyển các đối tượng này sang thu thuế về khí thải, ô nhiễm nguồn nước bên cạnh việc tăng cường thanh tra giám sát các DN như hiện nay.

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính, cần mở rộng thêm đối tượng chịu thuế đối với pin, ắc quy… do những mặt hàng này trong quá trình sản xuất, sử dụng hoặc khi kết thúc quá trình sử dụng thải ra gây ô nhiễm môi trường. Cũng theo ông Trường, mức thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuế BVMT đối với một số hàng hóa chưa thực sự hợp lý, chưa đủ lực để thúc đẩy sản xuất xanh và tiêu dùng xanh, chưa cân đối hài hòa giữa yêu cầu tăng trưởng nhanh với tăng trưởng xanh trong chính sách thuế. Cụ thể, mặc dù túi ni lông đã được đưa vào diện đánh thuế BVMT với khung mức cao nhất là 50.000 đồng/kg, song mức độ tiêu thụ túi ni lông vẫn không giảm. Mức thuế BVMT đối với xăng dầu hiện tại cũng chưa đủ lớn để thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả loại nhiên liệu này.

Thông tin về hiệu quả của việc triển khai chính sách thuế đối với mặt hàng túi ni lông tại địa bàn TP.HCM, bà Đỗ Hoàng Oanh, Phó trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay, chính sách mới chỉ phát huy hiệu quả tại các đối tượng “có tóc”. Cụ thể, hầu hết các siêu thị trên địa bàn đều chuyển sang sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường, qua đó lượng túi ni lông sử dụng tại các siêu thị đã giảm trên 80%. Tuy nhiên, hiệu quả tại các chợ truyền thống lại rất hạn chế.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, bên cạnh việc đánh thuế đối với túi ni lông, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các DN tổ chức thu gom và tái chế rác ni lông hoặc sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông. Qua đó giúp giảm giá thành các sản phẩm thân thiện với môi trường và khuyến khích người dân chuyển từ sử dụng túi ni lông sang các loại túi thân thiện với môi trường.

Đối với xăng dầu, ông Lê Thanh Quang, Đại học Tài chính Marketing cho rằng xăng dầu thường xuyên bị hao hụt trong quá trình quản lý, lưu trữ, vận chuyển, bơm rót. Điều này sẽ có tác động đến môi trường, do đó cần thu thuế xăng dầu ngay từ khi nhập khẩu.

Tăng thuế đối với than đá, thuốc diệt cỏ…

Tại hội thảo, các chuyên gia đã nêu lên kinh nghiệm của nhiều nước về chính sách thuế BVMT, qua đó đề xuất các mức thuế dành cho các đối tượng. Tuy nhiên, bà Đỗ Hoàng Oanh cho rằng, khi tham khảo kinh nghiệm các nước, ban soạn thảo cũng cần so sánh, đối chiếu mức thu nhập giữa Việt Nam với các nước đó. Cụ thể, hiện nhiều nước có giá xăng cao hơn so với Việt Nam, nhưng trong số này có nhiều nước có mức thu nhập cao hơn rất nhiều so với Việt Nam. Cũng theo bà Oanh, khung thuế áp dụng cho xăng dầu, mỡ nhờn… nên quy định theo tỷ lệ phần trăm của đơn giá cơ bản chưa bao gồm thuế GTGT thay vì quy định theo đơn vị đồng/đơn vị hàng hóa… Việc này sẽ thuận tiện cho việc áp dụng và thực tế giá cả thường xuyên biến động.

Tại hội thảo, bà Đỗ Hoàng Oanh cũng nêu lên những khó khăn của cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý. “Cơ quan Nhà nước khi đi khảo sát tại DN giống như “tay không bắt giặc”" – bà Oanh phát biểu. Cụ thể, các phương tiện đo đạc của cơ quan Nhà nước hiện nay rất hạn chế, dẫn tới khi đưa ra đánh giá để áp dụng mức thuế dễ xảy ra tranh cãi với DN. Đồng quan điểm với bà Oanh, ông Lê Thanh Quang cũng cho rằng cần có cơ sở khoa học để đánh giá tác động của sản phẩm đối với môi trường khi đưa vào sử dụng để áp dụng mức thuế cho phù hợp. Bởi trong dự thảo, độ chênh lệch giữa các mức thuế trong một số mặt hàng lá khá lớn, như túi ni lông là từ 40.000 – 200.000 đồng/kg.

Hiện tại, mức thuế BVMT đối với hàng hóa khác, gồm có than đá, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối… đang ở mức tối thiểu trong khung thuế. Trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế BVMT đề nghị không điều chỉnh khung thuế BVMT đối với các hàng hóa này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có tầm nhìn dài hơi cho mỗi lần sửa đổi luật. Theo đó, thời gian tới 2/3 lượng than sẽ phải nhập khẩu để sản xuất nhiệt điện, đây hầu hết lại là các dự án BOT. Như vậy, lợi ích thuộc về nhà đầu tư còn Nhà nước phải giải quyết các vấn đề về môi trường. Do đó, cần thiết phải tăng khung thuế đối với các đối tượng này.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sua-luat-thue-bao-ve-moi-truong-de-xuat-mo-rong-doi-tuong-dieu-chinh-khung-thue.aspx