Sửa luật để ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu

Sáng 7-11, Chính phủ đã trình dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) ra Quốc hội. Theo đó, một trong những lý do cần thiết phải sửa luật chính là để thẩm định, kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư nhằm ngăn ngừa công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường du nhập vào Việt Nam.

Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh trình bày Tờ trình về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cho biết, Luật Chuyển giao công nghệ sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; có nội dung thậm chí đã lạc hậu, chưa theo kịp được với xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ.

“ Nhà nước không có công cụ pháp lý để kiểm soát được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Việt Nam cũng như hành vi chuyển giá thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết¸cần bổ sung quy định về thẩm định, kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư nhằm ngăn ngừa công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường du nhập vào Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí với việc chỉnh sửa, bổ sung chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Theo đó, cần chú trọng chuyển giao công nghệ trong các ngành, lĩnh vực hướng tới các sản phẩm chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh, phát triển các sản phẩm Quốc gia, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ để hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và phát triển bền vững cũng như quốc phòng, an ninh của quốc gia.

Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ đối với hoạt động chuyển giao công nghệ cao và tiên tiến, hoàn chỉnh từ nước ngoài vào Việt Nam; bổ sung quy định về chính sách đãi ngộ, khen thưởng nhằm thu hút, sử dụng nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao; bổ sung chính sách khuyến chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi chuyển giao công nghệ cho nông dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ cao, tiên tiến, đã được kiểm nghiệm, đồng thời cụ thể hóa chính sách của Nhà nước tại các điều trong Dự thảo Luật.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy rất cần thiết bổ sung quy định tại Điều 12 về việc phải thẩm định công nghệ đối với Dự án đầu tư có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư để khắc phục tình trạng thiếu công cụ pháp lý để kiểm soát một số công nghệ lạc hậu, gây tác động xấu đến môi trường được nhập khẩu vào nước ta và hành vi chuyển giá thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ, đồng thời phải phù hợp với Luật Đầu tư.

Tuy nhiên, ông Phan Xuân Dũng đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể việc thẩm định công nghệ phải thông qua Hội đồng thẩm định, quy định quy trình, thời gian thẩm định, thành phần chuyên gia, trách nhiệm của Hội đồng… Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong quá trình triển khai, thực hiện đối với tất cả các dự án, đặc biệt là các dự án FDI.

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm bảy chương, 62 điều, trong đó sửa đổi 30/61 điều, bổ sung hai điều mới và bỏ một điều.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/31194002-sua-luat-de-ngan-chan-nhap-khau-cong-nghe-lac-hau.html