Sửa luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư

Nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, các luật sư, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp cùng Ban soạn thảo thảo luận về những nội dung chính yếu được xem xét sửa đổi, bổ sung trong 2 dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), sáng 15/10, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức Hội thảo 'Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)'.

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư là 2 đạo luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Trong những năm qua, các đạo luật này đã được liên tục được hoàn thiện phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đáp ứng thu hút đầu tư, phát triển kinh doanh trong từng thời kỳ.

Hội thảo "Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)". Ảnh DNVN/HuongLan.

Đặc biệt, những nội dung bổ sung, sửa đổi toàn diện của các luật này được Quốc hội thông qua năm 2014 đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo nguyên tắc Hiến định về quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành nghề mà luật không cấm. Đồng thời xóa bỏ nhiều rào cản kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng này ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Cũng theo ông Vũ Đại Thắng, sau 4 năm thi hành, các đạo luật này đã đi vào cuộc sống, khẳng định tinh thần sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp. Môi trường đầu tư của nước ta đã có những chuyển biến thuận lợi, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm gần đây tăng khoảng 65-70%, đạt mức cao nhất 20 năm qua. Tính đến nay, có khoảng 750.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2016-2018, số lượng dự án đăng ký và vốn đầu tư giải ngân tăng nhanh. Riêng năm 2018, vốn giải ngân đạt gần 20 tỷ USD.

Thứ trưởng Thắng cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, các luật này cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định nhằm thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các nghị quyết của Đảng.

Đồng quan điểm, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT nhìn nhận, sau hơn 4 năm thi hành Luật Đầu tư, bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định do còn một số nội dung chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, cùng với đó đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực và vấn đề mới phát sinh.

Sửa Luật Đầu tư để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư.

Do vậy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh, Luật Đầu tư cần được tiếp tục sửa đổi để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Đầu tư sẽ giúp hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp là cần thiết bởi, thời gian qua, VCCI nhận thấy, có rất nhiều xung đột pháp luật, đặc biệt nếu đi đến các địa phương sẽ gặp rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đất đai, xây dựng bất động sản gặp những vấn đề rất phức tạp. Đơn cử như có 20 ví dụ điển hình về xung đột giữa các bộ luật, thông tư như: Luật Nhà ở tại Điều 171.2 yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong Hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhưng Luật Đầu tư tại Điều 33 chỉ quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…

Do đó, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc chồng chéo luật sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật…

Từ đó, theo ông Tuấn, giải pháp cần làm hiện nay là rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề. Phối hợp và thống nhất làm việc giữa các ban soạn thảo các luật: Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, PPP... Dùng một luật sửa nhiều luật. Đồng thời, cần có thiết chế, cơ quan độc lập giúp Chính phủ rà soát, gác cổng. Soạn luật cần chuyên nghiệp và độc lập, tách xây dựng pháp luật ra khỏi cơ quan cấp phép.

“Tôi tin rằng, riêng Luật Đầu tư lần này nếu khắc phục được tình trạng chồng chéo sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới”, ông Tuấn khẳng định.

Hương Lan

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chinh-sach-moi/sua-luat-de-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-thu-hut-nguon-luc-dau-tu-6304.html