Sửa Luật Đấu giá tài sản: Nâng tiền đặt trước để tránh 'bỏ cọc' là không phù hợp

Theo Ủy ban Kinh tế, việc nâng mức tiền đặt trước (đặt cọc) chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản, mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/3 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Ủy ban Kinh tế cho biết, việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù thường có giá trị rất lớn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại phiên họp.

Theo báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp), quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, theo đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá.

“Như vậy, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho hay.

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu tăng mức tiền đặt trước khi người tham gia đấu giá tài sản trả giá cao bất thường trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản.

Hiện tại, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù. Cụ thể, trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì tiền đặt trước được tính căn cứ vào băng tần, số lượng khối băng tần đăng ký mua và giá khởi điểm cao nhất của khối băng tần trong mỗi băng tần đăng ký mua theo tỷ lệ tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm. Quy định này nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện… và thực tiễn áp dụng việc đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù này.

Cân nhắc bắt buộc đấu giá tài sản công qua Cổng đấu giá tài sản quốc gia

Báo cáo về một số vấn đề lớn của Luật Đấu giá tài sản, đấu giá trực tuyến và áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến đối với tài sản công (Điều 43a), Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị quy định đối với trường hợp đấu giá tài sản công được thực hiện bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì phải sử dụng Cổng đấu giá tài sản quốc gia do Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý và vận hành. Đây được xem là giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản.

Toàn cảnh phiên họp sáng 14/3.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định bắt buộc phải sử dụng Cổng đấu giá tài sản quốc gia để thực hiện đấu giá trực tuyến mà nên để người có tài sản lựa chọn và quyết định vì hiện nay đã có hơn 15 tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin đấu giá trực tuyến được phê duyệt.

“Việc quy định bắt buộc như trên là chưa phù hợp với chủ trương xã hội hóa, theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chưa bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng và có thể dẫn đến tình trạng các trang thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản đã xây dựng, vận hành nhưng không còn được sử dụng, gây lãng phí cho xã hội vì tài sản đấu giá hiện nay chủ yếu là tài sản công” - báo cáo của cơ quan thẩm tra nêu rõ.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động đối với quy định đấu giá trực tuyến đối với tài sản công phải được thực hiện qua Cổng đấu giá tài sản quốc gia và lộ trình khả thi thực hiện việc đấu giá tài sản công bằng hình thức đấu giá trực tuyến.

Vi phạm nghĩa vụ thanh toán sẽ bị cấm đấu giá đến 5 năm

Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá (Điều 70), Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu theo hướng bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ cọc, vì vậy đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2020/NĐ-CP hoặc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Đấu giá tài sản về chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ cọc với mức xử phạt phù hợp, đủ sức răn đe và ngăn ngừa, tương tự như quy định của Luật Chứng khoán. Đồng thời, nếu xác định được gây mất an ninh, trật tự, gây thiệt hại về người và tài sản thì cần thiết phải bổ sung cả chế tài hình sự.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-dau-gia-tai-san-nang-tien-dat-truoc-de-tranh-bo-coc-la-khong-phu-hop-146751.html