Sửa đổi quy định đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số CBCCVC tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng.

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số CBCCVC tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng.

Quy định mới về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức sẽ có hiệu lực từ ngày 15-9. Trong ảnh: Cán bộ, công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND H.Xuân Lộc trong giờ làm việc. Ảnh minh họa: Công Nghĩa

Đó là một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP ngày 17-7-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13-8-2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC (viết tắt là Nghị định 48) sẽ có hiệu lực từ ngày 15-9 tới. Những nội dung này sẽ có tác động như thế nào đến việc xếp loại chất lượng CBCCVC trong tỉnh, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Nội vụ TRẦN QUANG TÚ về vấn đề này.

* Thời gian qua, việc đánh giá, xếp loại CBCCVC có hành vi vi phạm đến mức xem xét, xử lý kỷ luật có nhiều khó khăn do chưa có quy định cụ thể về cách đánh giá, xếp loại CBCCVC bị xử lý kỷ luật, việc áp dụng quy định mới sẽ có những thay đổi gì, thưa ông?

- Theo quy định số 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 của Bộ Chính trị “Về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”, trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố kỷ luật đảng, phải kỷ luật hành chính. Trong quá trình tổ chức kỷ luật hành chính CBCCVC đã đến thời gian đánh giá, xếp loại và được cấp có thẩm quyền đánh giá mức “không hoàn thành nhiệm vụ”. Do đó, nếu trong năm sau khi cơ quan ban hành quyết định kỷ luật hành chính, tiếp tục đánh giá, xếp loại công chức, viên chức mức “không hoàn thành nhiệm vụ” sẽ xảy ra trường hợp một hành vi nhưng lại làm cơ sở đánh giá, xếp loại 2 lần. Không những thế CBCCVC khi bị đánh giá 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải buộc thôi việc (đối với công chức) hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc (đối với viên chức), từ đó, gây bức xúc cho CBCCVC bị xử lý kỷ luật.

Tại Nghị định 48 đã hướng dẫn cụ thể về xử lý đối với trường hợp CBCCVC bị xử lý kỷ luật, theo đó xác định rõ: CBCCVC khi bị xử lý kỷ luật (kể cả kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính) về một hành vi vi phạm sẽ chỉ làm cơ sở xem xét, đánh giá xếp loại mức không hoàn thành nhiệm vụ một năm vào thời điểm kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính có hiệu lực; quyết định kỷ luật đảng hoặc quyết định hành chính (nếu có) sau đó sẽ không làm cơ sở để đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ một lần nữa.

Theo Nghị định 48, tài liệu kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng được lưu giữ bằng hình thức điện tử. Riêng các tài liệu: Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC, kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC của cấp có thẩm quyền ngoài việc lưu giữ bằng hình thức điện tử còn được lưu bằng văn bản trong hồ sơ CBCCVC.

* Theo Nghị định 48, tiêu chí xếp loại CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ có điểm mới đáng chú ý nào, thưa ông?

- Nghị định 48 đã quy định bỏ cụm từ “trong quá trình thực thi nhiệm vụ” trong tiêu chí đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Việc quy định nêu trên đã giúp các cơ quan, đơn vị có cơ sở đánh giá, xếp loại CBCCVC khi không trong thời gian thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, CBCCVC khi sinh con thứ ba, nếu không thuộc các trường hợp khách quan thì theo quy định sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật về vi phạm chính sách dân số. Tương tự, việc vi phạm pháp luật về giao thông không xảy ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ nên việc đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP là chưa phù hợp, cần phải sửa đổi. Do đó, Nghị định 48 quy định bỏ cụm từ “trong quá trình thực thi nhiệm vụ” sẽ giúp có cách hiểu thống nhất về quy định pháp luật, đồng thời, là cơ sở để cơ quan, đơn vị chủ động hơn trong việc đánh giá, xếp loại.

* Thực tiễn công tác đánh giá, xếp loại CBCCVC trong tỉnh hiện nay được thực hiện ra sao, quy định mới sẽ tác động như thế nào đối với công tác này thưa ông?

- Hướng dẫn số 05-HD/TU ngày 12-12-2019 của Ban TVTU về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, quy định: “Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 20% số được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức danh tương đương ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực”. Theo đó, chỉ có CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tuy nhiên, theo Nghị định 48, CBCCVC (bao gồm cả CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) sẽ phải đáp ứng tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Nghị định 48 đã quy định trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của CBCCVC. Qua đó, là cơ sở để các cơ quan, đơn vị đánh giá xếp loại công chức, viên chức trong các trường hợp đặc biệt để biểu dương, động viên đội ngũ CBCCVC như giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, cần phải có quy định chặt chẽ để tránh trường hợp cơ quan, đơn vị vận dụng quy định để đánh giá, xếp loại CBCCVC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bandoc/202307/sua-doi-quy-dinh-danh-gia-xep-loai-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-3173035/