Sửa đổi Luật Thủ đô: TP Hà Nội sẽ chủ động hơn về bộ máy, biên chế

Sáng 26-3, tại Hà Nội, sau phần khai mạc, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 tiến hành thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Điều hành phiên họp, Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, UBND, Thường trực HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cùng các cơ quan có liên quan để tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm tập hợp ý kiến chuyên gia, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật...

Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế

Tại phiên họp, báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu; trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý toàn bộ 54 điều, bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều).

Đáng chú ý, một nội dung quan trọng trong dự thảo luật là về tổ chức chính quyền đô thị. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND TP Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố và UBND phường.

Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho TP Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Riêng đối với nội dung phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền TP Hà Nội (Điều 9), Thường trực Ủy ban Pháp luật và TP Hà Nội đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng giao HĐND thành phố quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố (khoản 4 Điều 9) để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ nhằm xây dựng, kiện toàn được bộ máy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền bổ sung.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Giới hạn sử dụng không gian ngầm là 15m?

Ngoài ra, một nội dung khác được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến là về quản lý không gian ngầm (Điều 19).

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo luật đã chỉnh lý quy định về quản lý không gian ngầm tại Điều 19 để phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng của người có quyền sử dụng đất, phạm vi không gian ngầm thuộc quyền quản lý, khai thác của nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý có hiệu quả, khai thác giá trị gia tăng từ đất đối với phần không gian ngầm ở các đô thị lớn, đặc biệt là nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hà Nội theo chủ trương, yêu cầu tại các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.

Tiếp thu ý kiến, dự thảo luật quy định không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng; người sử dụng đất thuộc địa bàn TP Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 19)...

Mặt khác, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể ngay trong luật về giới hạn độ sâu trong lòng đất mà người sử dụng đất bề mặt được quyền sử dụng (có thể là 15m) để xác định rõ giới hạn sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất.

Hiện tại, Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND TP Hà Nội ban hành tại Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 19-3-2022 quy định:

Việc phân vùng chức năng để xây dựng công trình ngầm được tính theo chiều ngang và chiều thẳng đứng, trong đó, theo chiều đứng được phân thành 3 lớp gồm: Lớp nông từ 0-5m để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, lối vào tầng hầm của các công trình, các tuyến hầm đi bộ; lớp trung bình từ 5-15m để xây dựng các công trình công cộng ngầm, bãi đỗ xe ngầm và lớp sâu từ 15-30m để xây dựng hệ thống giao thông ngầm, đường sắt đô thị, tuy-nen kỹ thuật chính.

ANH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/sua-doi-luat-thu-do-tp-ha-noi-se-chu-dong-hon-ve-bo-may-bien-che-770037