SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG: CẦN HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ VỀ CÔNG CHỨNG ĐIỆN TỬ

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, công chứng điện tử là một xu thế chung trong hoạt động công chứng trên toàn thế giới và Việt Nam. Do đó, Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới đây cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề này.

Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới. Dự án luật được kỳ vọng sẽ tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng.

Nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực công chứng, ThS.Nguyễn Thị Vinh Hương, Khoa Luật, Trường Đại học Thương mại chỉ rõ, công chứng có vai trò thiết yếu trong việc tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên từ đó giảm thiểu rủi ro pháp lý cho người dân. Công chứng đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình, theo đó phải kể đến sự ra đời của công chứng điện tử (CCĐT). Hiện nay, CCĐT không chỉ được vận hành tại một số quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc... mà còn được quan tâm và phát triển tại Việt Nam.

So với công chứng truyền thống, mô hình CCĐT vẫn có điểm nổi trội và đạt được hiệu quả nhất định trong việc phòng ngừa tranh chấp giữa các bên trong giao dịch. Điều đó có thể được lý giải bởi CCĐT được thực hiện qua đường truyền internet, các bên tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí di chuyển, công chứng viên có thể dành nhiều thời gian hơn để giải thích và tư vấn kịp thời những vấn đề quan trọng cho khách hàng ngay từ khi soạn thảo hợp đồng.

Công chứng điện tử là một xu thế chung trong hoạt động công chứng trên toàn thế giới và Việt Nam

Mặt khác, thông qua nền tảng kỹ thuật số với công nghệ mã hóa hiện đại, công chứng viên dễ dàng xác thực chữ ký điện tử và người ký chữ ký điện tử xem có đúng các bên trong giao dịch hay không, đảm bảo các tài liệu đi kèm không có sự giả mạo, lừa đảo, khi xác minh đầy đủ các yếu tố thì sẽ dùng chữ ký số của mình xác thực lần nữa, tăng thêm tính chắc chắn, hợp pháp cho giao dịch, giúp ngăn chặn các tranh chấp phát sinh ngay từ đầu. Ngay cả khi xảy ra tranh châp giữa các bên, công chứng viên có thể nhanh chóng cung cấp bằng chứng thông qua việc truy cập vào hồ sơ đã được lưu trữ.

Để thực hiện CCĐT tại Việt Nam, ThS. Nguyễn Thị Vinh Hương cùng một số chuyên gia đề xuất những kiến nghị sau:

Thứ nhất, xây dựng khung pháp lý cho CCĐT. Luật Công chứng năm 2014 cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo ra khung pháp lý cơ bản về hoạt động CCĐT tại Việt Nam. Theo đó, các chuyên gia đề xuất sửa đổi một số điều khoản của Luật Công chứng theo hướng công nhận giá trị của văn bản CCĐT. Chẳng hạn như, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng thành: “1. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, thông điệp dữ liệu (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản, thông điệp dữ liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Hoặc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng thành “7. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Đối với thông điệp dữ liệu được công chứng có hiệu lực kể từ ngày công chứng viên ký điện tử”.

Ngoài ra, Luật Công chứng cũng cần bổ sung quy định liên quan đến văn bản CCĐT có hiệu lực, tài liệu điện tử, xác thực tài liệu điện tử, chữ ký kỹ thuật số của công chứng viên, chứng thực các tài liệu số hóa,... Quá trình sửa đổi cần đảm bảo sự tương thích với các quy định pháp luật về giao dịch điện tử, đất đai, dân sự, nhà ở, thương mại, doanh nghiệp,...

Thứ hai, tạo lập cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia đồng bộ, thống nhất, có kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Như đã phân tích ở trên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại từng địa phương gặp phải nhiều vướng mắc và bất cập. Để tạo sự đồng bộ, thống nhất, tạo thành mạng lưới liên kết và chia sẻ thông tin nên chuyển đổi theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia thay cho cơ sở dữ liệu công chứng tại từng đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Do đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 62 Luật Công chứng năm 2014 như sau: “Điều 62. Cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia 1. Cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia bao gồm các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản, dữ liệu công chứng điện tử, hồ sơ công chứng điện tử và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng. 2. Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng. 3. Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng và quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia. 4. Cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia được kết nối dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác. ”

Thứ ba, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về chữ ký điện tử. Đây là vấn đề đang bị bỏ ngỏ và cần có khung pháp lý rõ ràng nhằm tạo cơ sở để áp dụng chữ ký điện tử trong thực tiễn, đặc biệt là hoạt động CCĐT, góp phần tạo ra hệ thống pháp lý toàn diện hơn đối với giao dịch điện tử trong thời kỳ công nghệ. Thứ tư là, nâng mức độ phủ sóng và sử dụng Internet trong phạm vi cả nước, nâng cao ý thức của các chủ thể hoạt động CCĐT. Hoạt động công chứng không chỉ diễn ra ở các đô thị lớn mà có ở tất cả các địa phương, do đó, tầm nhìn xây dựng CCĐT cần có lộ trình triển khai đến tất cả vùng, miền của Tổ quốc. Để thực hiện được điều đó, từng bước nâng cao chất lượng của hạ tầng mạng lưới Internet và mức độ sử dụng Internet, cũng như khả năng truy cập Internet để tất cả người dân ở mọi khu vực khi có nhu cầu đều có thể sử dụng CCĐT.

Ngoài ra, cần có đội ngũ công chứng viên lành nghề, thành thạo, trung thực trong việc sử dụng thủ tục công chứng hiện đại này để có thể chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch giá trị lớn mà vẫn đảm bảo an toàn qua môi trường điện tử. Mỗi người dân cũng cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng vận dụng công nghệ nhiều hơn, bởi lẽ so với công chứng truyền thống, CCĐT cần sự chủ động, thành thạo của khách hàng hơn trong việc chuẩn bị tài liệu dưới dạng điện tử, cũng như tiến hành sử dụng chữ ký điện tử ký vào hợp đồng của họ để mang đi công chứng.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85730