Sửa đổi loạt thông tư về nghĩa vụ của hãng hàng không với hành khách khi chậm, hủy chuyến

Bộ Giao thông vận tải đang sửa đổi các thông tư liên quan đến nghĩa vụ của hãng hàng không với hành khách trong trường hợp chuyến bay bị chậm, gián đoạn, hủy, hay khởi hành sớm...

Dự thảo yêu cầu các hãng hàng không phải có nghĩa vụ với hành khách trong trường hợp chuyến bay bị chậm do lỗi của hãng.

Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 81/2014/TT-BGTVT ngày 30/12/2014 quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung (Thông tư 81), Thông tư 14/2015/TT-BGTVT ngày 27/4/2015 quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không (Thông tư 14) và Thông tư 33/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 quy định về việc báo cáo số liệu trong ngành hàng không dân dụng và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động (Thông tư 33).

Nội dung nổi bật trong dự thảo sửa đổi, bổ sung các thông tư trên liên quan đến nghĩa vụ của hãng hàng không đối với hành khách trong trường hợp vận chuyển bị chậm, gián đoạn, hủy, khởi hành sớm; từ chối vận chuyển; hay thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không.

NGHĨA VỤ CỦA HÃNG BAY KHI CHUYẾN BAY BỊ CHẬM, HỦY HAY KHỞI HÀNH SỚM

Cụ thể, dự thảo sẽ sửa đổi những nội dung liên quan đến nghĩa vụ tối thiểu của hãng hàng không đối với với hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay trong trường hợp vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm, chuyến bay bị hủy, khởi hành sớm, hành khách bị từ chối vận chuyển.

Nêu rõ lý do sửa đổi nội dung này, Bộ Giao thông vận tải cho rằng định nghĩa hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn khai thác cụ thể, bởi chỉ số thời gian khởi hành thực tế AOBT (Actual Off Block Time) đang được thực hiện trong quy trình phối hợp ra quyết định tại mô hình phối hợp ra quyết định khai thác tại sân bay (A-CDM).

Do đó, việc sử dụng thuật ngữ “thời gian dự kiến cất cánh” theo quy định hiện hành không còn phù hợp và dễ gây nhầm lẫn với chỉ số thời điểm tàu bay cất cánh tại đường cất hạ cánh.

Việc sửa đổi một số nội dung về nghĩa vụ của hãng hàng không trong trường hợp chuyến bay bị chậm, hủy cũng nhằm phù hợp với Điều 146 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Cùng với đó, "việc đối chiếu chuyến bay bị chậm theo lịch bay của các hãng hàng không cập nhật vào dữ liệu của người khai thác cảng sẽ giúp công tác thống kê, tổng hợp chuyến bay chậm được thuận tiện, công khai và khách quan", Bộ Giao thông vận tải phân tích.

Theo quy định hiện hành, chuyến bay bị chậm là chuyến bay có giờ khởi hành thực tế (tính từ thời điểm rút chèn tàu bay) muộn hơn 15 phút so với thời gian dự kiến cất cánh theo lịch bay của hãng hàng không được công bố cập nhật đến 15 giờ của ngày hôm trước ngày chuyến bay dự kiến khai thác.

Tuy nhiên, Điều 8 dự thảo sửa đổi theo hướng: Chuyến bay bị chậm là chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế (Actual Off Block Time – AOBT, là thời gian thực tế tàu bay được đẩy hoặc bắt đầu di chuyển khỏi vị trí đỗ) muộn trên 15 phút so với thời gian khởi hành theo kế hoạch trong lịch bay của hãng hàng không được cập nhật đến thời điểm 22 giờ (giờ Hà Nội) vào hệ thống dữ liệu của người khai thác cảng hàng không của ngày hôm trước ngày dự kiến khai thác.

Trong trường hợp chuyến bay bị chậm do lỗi của hãng hàng không, hãng hàng không có nghĩa vụ:

a) Cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách theo phương thức thích hợp; phục vụ ăn, uống; bố trí nơi nghỉ, ngủ phù hợp theo quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, và

b) Chuyển đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác: đối với chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên, trong phạm vi cung cấp dịch vụ vận chuyển của hãng hàng không, phải thực hiện việc chuyển đổi hành trình để hành khách tới được điểm cuối của hành trình, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu liên quan (nếu có) cho hành khách; hoặc

c) Bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay trong trường hợp các chuyến bay chậm kéo dài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành; hoặc

d) Hoàn trả tiền vé cho hành khách: trong trường hợp chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên, hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách tại cảng hàng không hoặc tại các văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc đại lý bán vé do hãng hàng không chỉ định.

Việc hoàn vé cho hành khách vẫn giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Trong trường hợp chuyến bay bị chậm không phải do lỗi của hãng hàng không, hãng hàng không được miễn trừ thực hiện các nghĩa vụ quy định về chuyển đổi hành trình phù hợp, bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách hay hoàn trả tiền vé cho hành khách.

Dự thảo cũng nêu rõ việc chuyến bay bị hủy là việc không thực hiện một chuyến bay mà lịch bay để đặt chỗ, bán vé của chuyến bay này đã được công bồ trên hệ thống bán vé đặt chỗ (CRS) của người vận chuyển trong vòng 24 giờ trước giờ khởi hành dự kiến.

"Ngay sau khi có quyết định hủy chuyến bay, hãng hàng không có trách nhiệm thông báo cho Cảng vụ hàng không và người khai thác cảng về việc hủy chuyến bay nhưng không muộn hơn 12 giờ so với thời gian khởi hành dự kiến theo lịch", dự thảo nêu rõ.

Dự thảo cũng nêu rõ chuyến bay khởi hành sớm là chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế sớm hơn 15 phút so với thời gian khởi hành theo kế hoạch trong lịch bay của hãng hàng không được cập nhật đến thời điểm 22 giờ (giờ Hà Nội) vào hệ thống dữ liệu của Người khai thác Cảng hàng không của ngày hôm trước ngày dự kiến khai thác.

Trường hợp chuyến bay khởi hành sớm, hãng hàng không có trách nhiệm thông báo cho hành khách lý do của việc chuyển bay khởi hành sớm; thực hiện nghĩa vụ quy định như trường hợp chuyến bay bị chậm đối với hành khách đã được xác nhận chỗ mà không nhận được thông báo, không thực hiện được chuyến bay hoặc không đồng ý với việc thay đổi kế hoạch.

Dự thảo cũng yêu cầu với người khai thác cảng hàng không, sân bay về việc báo cáo số liệu đến Cục Hàng không Việt Nam và Cảng vụ hàng không theo hướng bổ sung số liệu của người khai thác cảng là đơn vị trực tiếp điều hành các hoạt động khai thác tại cảng, trong đó, có số liệu về các chuyến bay cất cánh.

"Bởi hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam công bố số liệu chậm hủy chuyến dựa trên số liệu báo cáo trực tiếp của các hãng hàng không và Cảng vụ hàng không, điều này dẫn đến thiếu sự khách quan do vậy", Bộ Giao thông vận tải lý giải cho đề xuất sửa đổi này.

ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, GIẢI QUYẾT THỦ TỤC TRÊN MÔI TRƯỜNG ĐIỆN TỬ

Cũng trong dự thảo thông tư, nhằm thực hiện phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực hàng không dân dụng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 và phù hợp với các nội dung sửa đổi phân cấp.

Theo đó, dự thảo đề xuất sửa đổi Điều 14 về thủ tục đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp (đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 21/2020/TT-BGTVT).

Vận đơn hàng không thứ cấp là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giao nhận hàng hóa để vận chuyển bằng đường hàng không giữa doanh nghiệp giao nhận hàng hóa và người gửi hàng, điều kiện của hợp đồng và việc đã tiếp nhận hàng hóa để vận chuyển.

Theo dự thảo, doanh nghiệp Việt Nam gửi 1 hồ sơ đề nghị đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp đến Cảng vụ hàng không theo các hình thức trực tiếp, qua đường bưu chính, trên môi trường điện tử hoặc bằng các hình thức khác và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trong hồ sơ. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Mẫu vận đơn hàng không thứ cấp của doanh nghiệp giao nhận.

Doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp của doanh nghiệp giao nhận nước ngoài gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp đến Cảng vụ hàng không theo các hình thức trực tiếp, qua đường bưu chính, trên môi trường mạng hoặc bằng các hình thức khác và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trong hồ sơ. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Mẫu vận đơn hàng không thứ cấp của doanh nghiệp giao nhận nước ngoài.

"Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cảng vụ hàng không nhận hồ sơ có trách nhiệm trả lời người đề nghị về việc từ chối cấp Giấy chứng nhận bằng văn bản và nêu rõ lý do", dự thảo nêu rõ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cảng vụ hàng không nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này.

Việc trả kết quả được thực hiện tại trụ sở Cảng vụ hàng không hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử hoặc bằng các hình thức phù hợp khác theo quy định, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Anh Tú

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/sua-doi-loat-thong-tu-ve-nghia-vu-cua-hang-hang-khong-voi-hanh-khachkhi-cham-huy-chuyen.htm