Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp Luật

Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập trong công tác thi hành án hình sự, Quốc hội đã đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự vào chương trình lập pháp năm 2018.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018

Ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thi hành án hình sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Luật Thi hành án hình sự được ban hành đánh dấu bước phát triển mới của hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, tạo khung pháp lý mới bảo đảm cho bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính thống nhất của chính sách hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính và thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn thi hành án hình sự thời gian qua cho thấy, về cơ bản các quy định của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý phục vụ có hiệu quả công tác thi hành án hình sự.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Những chủ trương cải cách tư pháp của Đảng về xử lý người phạm tội và những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân đã được thể chế hóa đầy đủ trong nhiều đạo luật quan trọng về tư pháp hình sự, nhất là Bộ luật Hình sự năm 2015 có tác động lớn đến việc xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới quan trọng trong đó bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; sửa đổi, bổ sung quy định về hạn chế áp dụng tử hình; thêm 3 biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi; tăng cường tính cưỡng chế của hình phạt cải tạo không giam giữ và án treo; bổ sung chế định tha tù trước thời hạn.

Cụ thể, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội thuộc chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường, tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng; cũng như quy định về các chế tài và các nhóm biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng có các quy định về trình tự, thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Do đó, cần bổ sung các quy định về việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực đối với pháp nhân thương mại phạm tội trong Luật Thi hành án hình sự để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Ngoài chế định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 còn bổ sung quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hình phạt cải tạo không giam giữ; biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn…những nội dung này đặt ra yêu cầu cần bổ sung quy định về thi hành án.

Qua thực tiễn triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự, công tác thi hành án hình sự đã bộc lộ những khó khăn vướng mắc như việc thi hành án treo, thi hành các hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được giao cho nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau đảm nhiệm nên việc thi hành không đạt hiệu quả cao; việc theo dõi, giám sát, quản lý, giáo dục cải tạo người phải chấp hành hình phạt, người phải chấp hành biện pháp tư pháp còn bị buông lỏng.

Cùng với đó, qua 8 năm triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự, bên cạnh những kết quả tích cực còn bộc lộ một số bất cập hạn chế như chưa quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; công tác quản lý, bàn giao phạm nhân; vướng mắc trong công tác bố trí giam giữ riêng với các đối tượng đặc biệt nhưn người đồng tính , người chuyển giới, người chưa xác định giới tính; thiếu quy định về tiêu chuẩn chế độ ăn, mặc đối với con dưới 36 tháng tuối, chế độ chăm sóc, khám chữa bệnh với đối tượng này… Trong bối cảnh điều kiện kinh tế- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các quy định của Hiến pháp 2013 đặt ra những yêu cầu mới cho công tác quản lý và thi hành hình phạt, thi hành biện pháp tư pháp theo hướng nhân đạo hơn và bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người phải chấp hành hình phạt, người phải chấp hành biện pháp tư pháp.

Để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự, nhất trí với đề xuất của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, ngày 08/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 34/2017/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo đó Quốc hội khóa XIV sẽ cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự trong năm 2018.

Theo dự thảo Luật, ngoài phạm vi điều chỉnh được xác định trong Luật thi hành án hình sự năm 2010 bao gồm các nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về các hình phạt; hệ thống tổ chức cơ quan quản lý thi hành hình phạt và cơ quan thi hành hình phạt; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền trong thi hành hình phạt; quyền, nghĩa vụ của người phải chấp hành hình phạt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thi hành hình phạt. Đồng thời, cũng xác định việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng thực hiện theo quy định của Luật này. Dự thảo Luật xác định mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh đối với việc xác định nội dung, trình tự, thủ tục xem xét giảm tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại.

Dự thảo Luật xác định đối tượng áp dụng của văn bản là cơ quan quản lý thi hành hình phạt và cơ quan thi hành hình phạt, người phải chấp hành hình phạt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thi hành hình phạt.

Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 diễn ra từ ngày 22-24/8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bố sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 27 và trình Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 tới./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=36996