Sự truyền lửa của huy chương bạc Olympic 2004 cho môn bắn súng Ấn Độ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Theo trang tin Olympics, huy chương bạc Thế vận hội của Rajyavardhan Singh Rathore đã truyền lửa cho các vận động viên bắn súng Ấn Độ nhắm tới những mục tiêu lớn lao.

Rajyavardhan Singh Rathore đã mang về huy chương bạc Olympic đầu tiên cho Ấn Độ tại Athens 2004 và mở đường cho quốc gia này sản sinh ra những vận động viên bắn súng đẳng cấp thế giới. Tại Olympic Athens, đây cũng là huy chương duy nhất Ấn Độ giành được dù cử đi một đội gồm 73 vận động viên, trong đó 57 người thi đấu các môn thể thao cá nhân và chỉ có đội khúc côn cầu thi đấu theo hình thức đồng đội. Khi sự kiện kết thúc, Rajyavardhan Singh Rathore là người mang về vinh quang và niềm vui cho cả nước.

Thành công được gặt hái từ nỗ lực và năng khiếu

Rathore luôn mang trong mình đam mê với thể thao. Ông đã chơi một số môn thể thao từ khi còn nhỏ và sau đó cũng được công nhận là vận động viên thể thao giỏi nhất khi theo học tại Học viện Quân sự Ấn Độ. Bắn súng cũng không xa lạ với Rathore khi ông từng dẫn dắt cả một trung đoàn.

Rajyavardhan Singh Rathore (trái) cùng 2 vận động viên đạt huy chương vàng và đồng tại Olympic 2004. Ảnh: Olympics/Getty.

Tuy nhiên, bắn súng thể thao lại có nhiều khác biệt vì quan tâm đến tính chính xác nhiều hơn là bắn súng thực địa. Rajyavardhan Singh Rathore lần đầu tiên cầm đến súng thể thao vào năm 1998 khi quân đội Ấn Độ quyết định thành lập một đội bắn súng thể thao. Môn này đòi hỏi sự tập trung cao độ, kỷ luật và ý thức quyết tâm - những điều ông đã được huấn luyện trong quân đội.

Rathore liên tục đạt được thành công trong chặng đường phát triển sau đó, giành huy chương vàng tại Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung năm 2002 và Giải vô địch thi đấu trên sân đất nện châu Á. Ông cũng đã giành được huy chương đồng và huy chương bạc tại Giải bắn súng thế giới và giải vô địch bắn súng.

Tại Thế vận hội Athens 2004, ông đã có phong độ tuyệt vời khi sau khi lọt vào trận chung kết của mọi giải vô địch lớn trong một năm rưỡi trước đó.

Rathore đã tự tập luyện cho đến tháng 1 năm 2004 và sau đó ông quyết định đã đến lúc cần một số lời khuyên của chuyên gia để giúp giành được huy chương. Ông bay tới Italy và được huấn luyện cùng cựu vô địch thế giới Luca Marini và cựu vô địch Olympic Russell Mark. Mỗi ngày, ông bắn gần 80 phát súng.

Ông cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Mauro Perazzi và sau đó Rathore sử dụng súng của Mauro để giành huy chương bạc Olympic tại Athens.

Vài tháng trước Thế vận hội, Rathore đã chuẩn bị một lịch trình chính xác về các sự kiện ông sẽ tham gia, lịch trình huấn luyện và thậm chí cả số phát súng lý tưởng ông nên bắn trong huấn luyện hàng ngày.

Thậm chí, ông cũng nhờ đến sự giúp đỡ của vợ mình là Gayatri để thảo luận về các chiến lược và kịch bản có thể xảy ra. Ông đã bỏ ra rất nhiều công sức và được đền đáp xứng đáng tại Thế vận hội 2004.

Thành tích của Rathore là huy chương bạc cá nhân đầu tiên của Ấn Độ - trước đó thành tích tốt nhất của họ là huy chương đồng cá nhân. Huy chương của Rathore cũng là huy chương Olympic đầu tiên ở môn bắn súng.

Hành trình của Rajyavardhan Singh Rathore bắt đầu không suôn sẻ khi ông chỉ xếp thứ năm ở vòng sơ loại, dù vậy, vẫn đủ điều kiện để vào vòng tiếp theo. Và vận động viên 28 tuổi lúc đó, với sự bình tĩnh và tự chủ, đã lọt vào trận chung kết của đời mình.

Ông luôn bắn trúng mục tiêu nhưng Shaikh Ahmed Almaktoum của UAE có thành tích tốt hơn và đã giành huy chương vàng - mang về cho UAE huy chương Olympic đầu tiên.

Trong lượt đấu tranh huy chương bạc, sức ép vẫn còn rất lớn khi phải cạnh tranh với ba vận động viên bắn súng khác. Vượt qua được sức ép nặng nề, Rathore vẫn duy trì được độ chính xác với số điểm cao và mang niềm tự hào về cho Ấn Độ.

Niềm cảm hứng cho nhiều thế hệ

Huy chương bạc không chỉ quan trọng với Ấn Độ tại thời điểm đó mà còn có tầm ảnh hưởng lớn với thể thao nước này. Thành tích của Rajyavardhan Singh Rathore năm 2004 đã truyền cảm hứng cho Ấn Độ giành nhiều huy chương môn bắn súng trong hai kỳ Thế vận hội tiếp theo - Bắc Kinh 2008 và London 2012, cùng nhiều thành tích sau này.

Kinh nghiệm tại Athens 2004 cũng là những bài họ quý giá cho hai vận động viên bắn súng Ấn Độ giàu tiềm năng và giúp họ giành được huy chương Olympic tiếp theo.

Tại Athens, Abhinav Bindra, vận động viên bắn súng nổi tiếng nhất của Ấn Độ sau này, cũng lọt vào chung kết nội dung 10m súng trường hơi nhưng chỉ xếp thứ bảy trong khi người đồng hương Gagan Narang, đạt được huy chương đồng tại London 2012, không lọt vào chung kết.

Bindra cho rằng huy chương của Rajyavardhan Singh Rathore tại Athens chính là nguồn cảm hứng cho huy chương vàng của bản thân tại Bắc Kinh 2008. "Rathore đã thay đổi tôi. Huy chương bạc của anh ấy cho thấy bản thân tôi và các vận động viên Ấn Độ có tiềm năng và có thể giành được huy chương vàng," Bindra nói.

Sau đó, chính Bindra cũng đã hỗ trợ Gagan Narang và Vijay Kumar lần lượt giành huy chương đồng và bạc tại Thế vận hội London 2012, giúp môn bắn súng Ấn Độ giành được bốn huy chương Olympic trong sự kiện này.

Kể từ đó, nhiều vận động viên bắn súng Ấn Độ tiếp tục ghi dấu ấn trên đấu trường quốc tế như Jitu Rai, Heena Sidhu, Divyansh Singh Panwar và Elavenil Valarivan.

Trong những năm gần đây, cặp đôi Manu Bhaker và Saurabh Chaudhary đã giữ kỷ lục bắn súng thế giới trong khi Anjum Moudgil và Apurvi Chandela luôn là đối thủ của nhau trong vòng cuối các cuộc thi.

Có thể thấy một tấm huy chương Olympic có rất nhiều giá trị nếu các vận động viên và nền thể thao quốc gia phát huy được đúng nguồn sức mạnh này.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/su-truyen-lua-cua-huy-chuong-bac-olympic-2004-cho-mon-ban-sung-an-do-va-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-viet-nam-20230713105452347.htm