Sự thật về nguồn gốc táo đá Hà Giang

Mặc dù người bán cam đoan là táo được trồng tại Hà Giang, tuy nhiên, các cơ quan chức năng địa phương khẳng định Hà Giang không trồng táo đá, đó là táo Trung Quốc.

Nguồn gốc "táo đá" Hà Giang

Theo VTV đưa tin, cứ đến thời gian này, thị trường hoa quả trong nước lại xuất hiện rất nhiều loại táo khác nhau. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ngoài táo mèo vốn rất quen thuộc, các tiểu thương còn nói đến một loại có tên là "táo đá" Hà Giang. Tuy nhiên, thực chất, đây là một loại táo Trung Quốc được đội lốt trồng ở Hà Giang, nhằm qua mắt những người mua hàng.

Những quả táo đá có hình thức không như các loại táo Mỹ, vỏ sần sùi và hơi ngả đỏ, thậm chí có những quả bị sâu ăn lỗ chỗ. Thịt quả giòn, ngọt và vẫn còn cuống lá.

Táo chia làm 3 loại, ngoài mức giá 12.000 đồng/ký, có hình thức không được bắt mắt vì nhỏ thì đắt nhất là loại 50.000 đồng/ký, quả to và đẹp. Táo tầm trung 30.000 đồng/ký - quả chỉ to tầm nắm tay, ít bị sâu.

Táo Trung Quốc đội lốt táo Hà Giang tràn lan ở thị trường Hà Nội (Ảnh Zing News)

Để thêm độ tin cậy, nhiều người bán hàng trên mạng còn chụp những hình ảnh thùng táo mới hái, còn tươi nguyên cả cuống, lá và quảng cáo là đặc sản ngon, sạch vùng cao đồng thời khẳng định như đinh đóng cột rằng, "loại táo này, chỉ Việt Nam mới có, Trung Quốc không trồng được".

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, Sở NN&PTNT Hà Giang khẳng định, trên địa bàn tỉnh chưa có vùng nào trồng loại táo này. Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Giang cũng cho biết, các cơ sở buôn bán trên địa bàn đều khẳng định đây là táo nhập từ Trung Quốc.

Một người dân bản địa ở đây cũng cho hay: "Sợ bị tẩy chay do là hàng Trung Quốc nên phải gắn mác táo Hà Giang. Hà Giang làm gì trồng được loại táo này".

Táo Trung Quốc được trồng như thế nào?

Nhiều người Việt lâu nay vẫn ái ngại với hoa quả Trung Quố c vì cho rằng chúng "ngậm" chất bảo quản, tránh thối ủng. Tuy nhiên, thực tế còn khủng khiếp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.

Tri thức trẻ cho hay, từ khi những quả táo còn bé xíu cho đến khi được thu hoạch, chủ các vườn táo đã sử dụng các loại túi giấy tái chế tẩm thuốc trừ sâu loại cấm sử dụng để bọc nhằm tránh sâu bọ, quả chín sẽ to tròn, bảo quản được lâu và bán rất được giá.

Những quả táo được bọc bằng túi thuốc trừ sâu từ khi còn bé xíu và cho ra quả to tròn, không bị sâu lại để được lâu (Ảnh Tri thức trẻ)

Cho đến khi truyền thông vào cuộc điều tra, việc sử dụng túi thuốc sâu bọc táo đã được cả "vựa táo" này áp dụng hơn chục năm.

Trước đó, người trồng táo tại đây khá chất phác, chỉ bọc túi giấy đơn thuần để tránh sâu bọ đục quả, đồng thời, khi phun thuốc trừ sâu cho táo, túi giấy sẽ hạn chế việc thuốc tiếp xúc trực tiếp với vỏ táo.

Nguy hiểm nhất là thứ mà nông dân trồng táo dùng lại là thứ thuốc trừ sâu thuộc danh sách hàng cấm không được phép sử dụng. Được biết, loại thuốc trừ sâu được sử dụng được bọc táo nói trên một khi đi vào cơ thể sẽ gây nôn mửa, thổ tả, viêm da và một số triệu trứng ngộ độc nghiêm trọng khác.

Kim Thanh (T/h)

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/su-that-ve-nguon-goc-tao-da-ha-giang-d102058.html