Sự phi thường trong con người giản dị

Đồng chí Võ Chí Công sinh ngày 7.8.1912 tại làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành). Ông từ trần ngày 8.9.2011 khi vừa tròn 100 tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Lãnh đạo tỉnh viếng hương, thăm Nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công (huyện Núi Thành). Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Đồng chí Võ Chí Công (Võ Toàn) là một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước. Trong cuộc sống đời thường hay trong các mối quan hệ trọng trách, tính cách của ông vẫn luôn là sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng tiên tiến của thời đại và truyền thống văn hóa của dân tộc, quê hương, dòng tộc và gia đình.

Ông luôn giữ phong thái bình tĩnh trong mọi trường hợp dẫu là đại sự quốc gia hay tiểu tiết đời thường. Điểm lại những dấu ấn cuộc đời hoạt động cách mạng sẽ thấy rõ bản lĩnh phi thường đó luôn ẩn chứa trong con người giản dị của ông.

Nhạy bén, quyết đoán

Năm 1939 đến năm 1942, cơ sở cách mạng tại Quảng Nam bị địch đánh bể vỡ, đồng chí Võ Chí Công và một vài người khác đi bắt nối liên lạc thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời.

Tháng Tám năm 1945, khi đại diện cho Ủy ban Bạo động Quảng Nam đến Hội An, quan sát cặn kẽ, thấy tình hình cách mạng chín muồi, ông chủ động bàn với Ủy ban Bạo động Hội An chớp thời cơ phát động quần chúng lập tức khởi nghĩa theo quy trình ngược với kế hoạch của Ủy ban Bạo động tỉnh đã vạch ra trước đó. Cuộc khởi nghĩa tại tỉnh lỵ Hội An thành công.

Từ Hội An, ông lãnh đạo đoàn dân binh kéo vào hỗ trợ các huyện phía nam giành chính quyền trọn trong ngày 18.8.1945, đưa Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh đầu tiên giành chính quyền về tay nhân dân.

Năm 1965, quân viễn chinh Mỹ đổ bộ ồ ạt vào chiến trường miền Nam với tiềm lực quân sự hiện đại, hùng mạnh. Để chứng minh quân Giải phóng có đủ khả năng thắng Mỹ hay không là phải bằng thực tế trên chiến trường, đồng chí Võ Chí Công cùng Ban Thường vụ Khu ủy, Quân khu 5 chỉ đạo Tỉnh đội Quảng Nam chọn lựa một đại đội bộ đội địa phương tiến công tiêu diệt một đại đội quân thiện chiến Mỹ.

Ngày 26.5.1965, Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 70 tăng cường một trung đội thuộc Đại đội đặc công V16 đánh ở mũi phụ. Bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam hợp đồng xung trận theo lối đánh công kiên đã tiêu diệt gọn đại đội thủy quân lục chiến Mỹ trong công sự, tại mỏm đồi Núi Thành.

Trận đánh tuy ở quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn, chứng minh bộ đội ta hoàn toàn có khả năng chiến đấu và chiến thắng quân Mỹ. Chiến thắng Núi Thành vang dội đã dấy lên phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”; “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh” trên toàn chiến trường miền Nam.

Năm 1975 đồng chí Võ Chí Công chỉ đạo thần tốc giải phóng TP.Đà Nẵng và toàn Khu 5, góp phần trực tiếp mở ra khả năng thành công của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30.4.1975.

Năm 1980 - 1981 đồng chí là người soạn thảo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về khoán sản phẩm nông nghiệp, mở đường cho kinh tế nông nghiệp phát triển, là mũi đột phá cho công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước sau này.

Với cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chủ tịch nước), đồng chí Võ Chí Công được Bộ Chính trị giao làm Trưởng ban Chỉ đạo soạn thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1980, ban hành năm 1992.

Sâu sát thực tiễn

Đồng chí Võ Chí Công sống tròn 100 tuổi, cả cuộc đời dài lâu, dù ở đâu, trên bất cứ cương vị nào vẫn luôn nhân hậu, gần gũi, chân thành và giản dị, sống trọn nghĩa với đồng chí, đồng bào, quê hương xứ sở.

Nhìn lại 70 năm hoạt động cách mạng với một chuỗi sự kiện cùng những quyết định mang tầm lịch sử chứng minh một cách hùng hồn rằng, đồng chí Võ Chí Công là nhà lãnh đạo tài ba, đầy bản lĩnh, hết lòng vì nước vì dân; là con người xuất hiện tại những dấu mốc lịch sử đất nước. Đồng chí đã có nhiều cống hiến to lớn cho Đảng, cho đất nước và dân tộc, với tư cách là một nhà thực tiễn cách mạng tài ba.

Như hồi năm 1959, biết tin ở Trà Bồng (Quảng Ngãi) người dân tộc Co nổi dậy khởi nghĩa vũ trang, đồng chí Võ Chí Công chống gậy đi hơn một ngày đường đến tận nơi nghiên cứu tình hình.

Đồng bào thấy cán bộ theo ông có súng ngắn súng dài, một người lên tiếng: “Lâu nay mình chưa từng thấy cán bộ có súng, nay mới thấy súng của cách mạng. Cho mình bắn thử súng của cách mạng có nổ to, có giết được con heo, con nai rừng không? Bắn chết được con heo, con nai mới giết được thằng giặc Mỹ Diệm. Cho bắn thử đồng bào mới tin”.

Mấy đồng chí bảo vệ nhìn nhau, không dám đưa súng. Ông bảo: “Các chú cứ đưa súng cho đồng bào thử đi”. Mấy người đi theo đưa súng cho đồng bào trong sự cảnh giác. Ông biết ý nói: “Cứ để cho đồng bào tự nhiên”. Người đồng bào đó cầm súng ra rừng nhắm vào một gốc cây bóp cò... Đạn nổ xé gió xuyên thủng gốc cây. Người này cầm súng vào trả, sảng khoái nói: “Súng của cán bộ bắn nổ to lắm. Súng của cán bộ mạnh lắm. Mình tin!”.

Năm 1967, giữa lúc chiến trường vô cùng ác liệt, trong một chuyến đến làm việc với Huyện ủy Quế Sơn, đồng chí Võ Chí Công tranh thủ ghé làng Nghi Sơn ở chân núi Hòn Tàu tìm thăm gia đình ông Đoàn Sơ, nơi mà đất và người đã cưu mang ông trong những năm 1941 - 1942, lúc mà hầu hết cơ sở cách mạng tại Quảng Nam bị địch đánh bể vỡ.

Về lại vườn cũ, ông nhớ từng gốc cây, tảng đá nhưng nhà cửa bị bom pháo san bằng, vợ con ông Đoàn Sơ không biết lưu lạc nơi nào. Cũng trong năm 1967, ông tìm gặp được con gái út của ông Đoàn Sơ, biết ông Sơ đã hy sinh và nhận người này làm con nuôi.

Năm 1980 trên đường về Hải Phòng công tác, ngang qua cánh đồng thấy bà con đang gặt lúa, ông bảo lái xe dừng lại rồi đi tới đám ruộng đang gặt được mùa hơn hẳn những đám chung quanh.

Ông hỏi nguyên nhân, bà con trả lời: “Thưa bác đây là ruộng 5%, nhà nước giao hẳn cho chúng cháu, chúng cháu làm hết mình, chăm bón kỹ, được hơn bác ơi”.

Từ thực tế cuộc sống, đồng chí Võ Chí Công nghiên cứu soạn thảo, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm nông nghiệp. Hồi kháng chiến, đi đường muốn biết địch đang ở đâu để tránh trớ phải hỏi dân, bây giờ thời bình muốn biết dân làm ăn thế nào cũng phải hỏi dân.

Không vị tình riêng

Từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cả 7 anh em trong hai gia đình chú bác ruột của đồng chí Võ Chí Công đều tham gia cách mạng và một người đã hy sinh trong nhà tù đế quốc.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, 6 người anh em còn lại đều là cán bộ, bộ đội tham gia kháng chiến kiến quốc, một người hy sinh tại mặt trận Bắc Quảng Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ vợ chồng, anh em ruột, anh em chú bác, con trai ông có mặt tại chiến trường miền Nam.

Giai đoạn đó, với chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy, nếu đồng chí Võ Chí Công vì cá nhân, vị tình riêng thì ông Hải Để - con chú ruột không trụ lại chiến trường miền Nam suốt 21 năm; ông Võ Túc em ruột không vào Nam từ 1965, hy sinh tại chiến trường năm 1973; bà Phan Thị Nể - vợ ông không phải 2 lần khoác ba lô vượt Trường Sơn vào Nam kháng chiến; con trai ông không vào chiến trường tham gia chiến đấu; bà Phong em ruột ông không có người con trai duy nhất trở thành liệt sĩ…

Ngày đó, với cương vị của mình, bằng cách này hay cách khác ông có thể đỡ đầu cho tất cả người thân thoát khỏi vòng hiểm nguy, sinh tử. Ai mà không thương yêu người thân của mình, nhưng với ông, tình riêng và nghĩa vụ con dân trong lúc đất nước loạn ly luôn được phân định rõ ràng. Ông quả là một nhà lãnh đạo có phẩm chất phi thường, đúng với tên gọi: Chí Công.

PHẠM THÔNG

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/nhan-vat/su-phi-thuong-trong-con-nguoi-gian-di-117032.html