Sự phát triển thần kỳ của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những bước phát triển thần kỳ, từ một nền sản xuất lạc hậu, nay đã có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ lâu, ôtô được coi là ngành mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP của các nước lớn trên thế giới. Ngành này đóng góp 3,25% GDP của Mỹ, 5% GDP của Trung Quốc, 4% GDP của Đức và 12% GDP của Thái Lan. Một chiếc ôtô khi được bán ra nghĩa là có 20.000 chi tiết linh kiện được sản xuất và tiêu thụ. Bởi vậy, khi công nghiệp ôtô càng phát triển thì công nghiệp hỗ trợ càng phát triển.

Những năm 2000, khi ngành công nghiệp ôtô chưa phát triển, nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chưa cao, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam gần như còn lạc hậu. Nhưng hiện tại, theo một báo cáo của Vietinbank Securities, ngành ôtô đã đóng góp 3% vào GDP, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo.

Có thể nói, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, điển hình như Công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải - Thaco Industries ở Chu Lai (Quảng Nam).

Ngành công nghiệp nền tảng

Theo các chuyên gia, nếu một quốc gia có ngành công nghiệp hỗ trợ không phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Điều này dẫn đến các rủi ro về chi phí, tiến độ giao hàng, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc quản lý dây chuyền cung cấp nếu phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khác.

Hơn hết, quốc gia đó sẽ khó có thể phát triển được công nghiệp hỗ trợ - một ngành mang tính nền tảng chiến lược của sản xuất công nghiệp.

Sự quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ về chính sách, cơ chế thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có bước chuyển mình tích cực.

Theo Bộ Công Thương

Theo Bộ Công Thương, với sự quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ về chính sách, cơ chế, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có bước chuyển mình tích cực. Hiện cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó có 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động.

Công nghiệp hỗ trợ cũng giúp thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như công nghiệp cơ khí, sản xuất ôtô, dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản… Năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng đang dần được cải thiện.

Tính đến nay, số lượng xe hơi sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam đã chạm mốc 300.000 xe. Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ như linh kiện, phụ tùng nhựa, cao su cho các sản phẩm điện tử, ôtô - xe máy, phụ tùng; linh kiện nhôm và kim loại cho ôtô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị… sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật….

Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực như: sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại… Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng từng bước nâng cao trình độ, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng.

Tính đến nay, số lượng xe hơi sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam đã chạm mốc 300.000 xe.

Theo khảo sát của VCCI năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các doanh nghiệp tại nước xuất xứ đã giảm dần từ 58,7% năm 2016 xuống 41,4% năm 2020. Các doanh nghiệp FDI cũng đang giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ nước thứ ba. Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam cũng cho biết trong số 500 công ty Mỹ được khảo sát ý kiến, có đến 40% chọn doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam để bổ sung vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Cuối năm 2022, Tập đoàn BMW (Đức) đã thông báo về việc hợp tác với Thaco trong việc sản xuất và lắp ráp một số dòng xe của hãng này tại Việt Nam. Theo đó, Thaco sẽ sản xuất và lắp ráp 4 dòng sản phẩm chính gồm BMW X3, X5, 3-Series và 5-Series. Đây đều là những dòng xe BMW phổ biến.

Thỏa thuận hợp tác này cho thấy lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất và lắp ráp được những dòng xe cao cấp của một hãng uy tín trên thế giới ngay tại Việt Nam. Các chuyên gia nhận định đây là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của công nghiệp ô tô Việt Nam, trong đó có sự thành công quan trọng của công nghiệp phụ trợ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cuối năm 2022, Tập đoàn BMW (Đức) đã thông báo về việc hợp tác với Thaco trong việc sản xuất và lắp ráp một số dòng xe của hãng này tại Việt Nam.

Không chỉ sản xuất và lắp ráp các dòng xe của BMW, tại tổ hợp công nghiệp Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, Thaco đã rất thành công với việc hợp tác, sản xuất và lắp ráp với các thương hiệu như Kia, Mazda, Peugeot. Doanh nghiệp này cũng tự phát triển một số dòng xe tải, xe khách với tỷ lệ nội địa hóa rất cao lên tới 50-60%.

Tại Chu Lai, Thaco đã đầu tư hơn 80.500 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD), bao gồm: Khu công nghiệp Cơ khí và Ôtô, Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp, Khu Cảng và Hậu cần cảng, Khu đô thị Chu Lai… rộng 1.300 ha. Tại đây, các nhà máy của Thaco Industries đang tạo ra hàng chục nghìn việc làm, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách địa phương.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Theo Bộ Công Thương, công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23 NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo đó xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm phát triển công nghiệp chế tạo thông minh, là bước đột phá và đề ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%. Như vậy, trong thời gian tới, công nghiệp hỗ trợ sẽ tiếp tục được quan tâm và chú trọng phát triển, có nhiều đóng góp hơn nữa vào nền kinh tế.

Trần Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-phat-trien-than-ky-cua-cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-post1437286.html