Sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 34, trong đó thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57, Luật Việc làm từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng của những người lao động (NLĐ) đang tham gia BHTN. Với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Quốc hội cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ban hành nghị quyết này.

Lý giải về việc điều chỉnh mức đóng vào Quỹ BHTN từ các doanh nghiệp và cơ quan soạn thảo cho rằng việc điều chỉnh này nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN. Nhất là trong điều kiện kinh doanh gặp nhiều cạnh tranh như hiện nay, việc giảm chi phí giúp DN khắc phục khó khăn, có điều kiện đầu tư, sản xuất cũng như giảm giá thành để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia công đoàn cho rằng BHTN là một chính sách nhân văn, huy động trách nhiệm của cộng đồng đối với lực lượng lao động. Nếu giảm một nửa trách nhiệm của DN đối với quỹ này là bất cập, đồng nghĩa với việc tiền dành để thanh toán chế độ cho NLĐ sẽ giảm đi. Trong khi mức đóng góp của NLĐ vẫn giữ nguyên, vô hình chung NLĐ sẽ phải gánh trên vai một gánh nặng mới. Do đó, tổ chức công đoàn cho rằng, lý do điều chỉnh giảm mức đóng quỹ từ phía người sử dụng lao động nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN là chưa thuyết phục. Bởi nếu chỉ giảm 0,5% mức đóng là rất nhỏ, không đáng kể so với chi phí giá thành sản phẩm. Không thể chỉ vì bớt được số tiền nhỏ này mà lại có thể nâng cao sức cạnh tranh của DN, trong khi đó lại làm cho NLĐ khi rơi vào tình trạng thất nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán, ảnh hưởng quyền lợi.

Năm 2016, kết dư BHTN tăng gần 9.500 tỷ đồng so với năm 2015, tương đương hơn 19%. Lũy kế tổng quỹ BHTN đang kết dư gần 59.000 tỷ đồng. Việc Quỹ BHTN tồn lớn không phải là lượng NLĐ thất nghiệp ít mà do nhiều NLĐ tham gia. Tuy nhiên, nhiều NLĐ thất nghiệp lại chưa được hưởng chế độ BHTN vì nhiều nguyên nhân khác nhau: do không đi khai báo để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; do thủ tục rườm rà. Nhiều NLĐ ở xa các thành phố, nơi có trung tâm giới thiệu việc làm để đăng ký thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, ngại phải đi lại, tốn kém...

Thời gian tới, khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý lao động, khai báo thất nghiệp và chi trả trợ cấp thất nghiệp, NLĐ có thể thực hiện việc khai báo thất nghiệp tại nhà hoặc bằng các thiết bị di động thì việc chi trợ cấp thất nghiệp chắc chắn sẽ tăng. Các chuyên gia công đoàn dự báo, trong tương lai gần, Quỹ BHTN hoàn toàn có nguy cơ thu không đủ chi, chứ không nhiều như hiện nay. Theo quy định của Luật Việc làm thì Quỹ BHTN được dùng để chi trả: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ khoảng 4,9% số người thất nghiệp được nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN để học nghề, chuyển đổi nghề. Số người được hỗ trợ kinh phí học nghề còn thấp và chưa có người hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Như vậy, Quỹ BHTN chưa thật sự làm tốt, chưa làm đúng, làm đủ vai trò, chức năng của mình. Do đó, tổ chức công đoàn kiến nghị thời gian tới, Quỹ BHTN cần tăng cường hỗ trợ, chi phí cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động, sản phẩm. Đó cũng là một trong những vấn đề mấu chốt để tăng năng lực cạnh tranh của DN chứ không phải là việc giảm mức đóng BHTN của chủ sử dụng lao động.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32844102-su-dung-hieu-qua-quy-bao-hiem-that-nghiep.html