Sự cố hệ thống VNDirect: tính chuyện bù đắp cho nhà đầu tư như thế nào?

Sau sự cố hệ thống kéo dài chưa từng có tiền lệ, việc bù đắp thiệt hại vẫn là câu hỏi lớn ở VNDirect. Chỉ khi có những chính sách hỗ trợ thỏa đáng, nhà đầu tư mới có thể yên tâm tiếp tục sử dụng tài khoản tại Công ty chứng khoán có thị phần lớn thứ 3 tại HOSE.

Sau sự cố của Công ty chứng khoán VNDirect bị tổ chức hacker quốc tế tấn công, suốt 1 tuần qua (từ ngày 25 đến 29-3), khách hàng mở tài khoản tại đây đều “chết cứng”. Theo một thông báo trong những ngày xảy ra sự cố, công ty cho biết đang dự thảo các chính sách mới để chia sẻ và bù đắp với những bất tiện mà khách hàng gặp phải trong những ngày không thể giao dịch1.

Tâm thư được Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Hương gửi đến nhà đầu tư và khách hàng trong ngày 29-3 tiếp tục khẳng định: “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các chính sách hỗ trợ hợp lý và sẽ chia sẻ với nhà đầu tư sớm nhất, nhưng việc ưu tiên trước mắt là phục hồi hệ thống và ngăn chặn nguy cơ tương lai, mở lại phục vụ nhà đầu tư. VNDirect dự kiến sẽ mở lại hoạt động giao dịch chứng khoán vào ngày thứ Hai tuần sau (tức ngày 1-4).

Câu hỏi đặt ra là VNDirect sẽ bù đắp và chia sẻ với nhà đầu tư như thế nào, khi chính bản thân bà Hương cũng thấu hiểu: “Chậm trễ ngày nào là nhà đầu tư sốt ruột và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ngày ấy”.

Nhiều tình huống đã xảy ra với nhà đầu tư trong những ngày VNDirect gặp sự cố. Trường hợp dễ nhận thấy nhất là việc nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu muốn chốt lời hoặc cắt lỗ mà không được. Khi hệ thống của VNDirect quay trở lại giao dịch thì giá cổ phiếu đã có sự thay đổi lớn gây ra thiệt hại cho nhà đầu tư.

Chẳng hạn như với cổ phiếu L45 của CTCP Lilama 45.1, nếu cổ đông mua cổ phiếu này vào ngày 22-3 (trước khi xảy ra sự cố hệ thống) với giá 4.000 đồng/cổ phiếu thì đến ngày 28-3, nhà đầu tư có thể chốt lời ở mức giá cao nhất là 7.200 đồng/cổ phiếu, tức tăng 85%.

Tuy nhiên, tới ngày 29-3, giá cổ phiếu này đã giảm hơn 30%, chỉ còn 4.800 đồng/cổ phiếu. Trường hợp này, tạm tính với những nhà đầu tư nắm giữ 100.000 cổ phiếu L45, thiệt hại do không thể giao dịch lên tới hơn 200 triệu đồng trong vòng 1 tuần lễ.

Hay như nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu RDP của CTCP Rạng Đông Holding, giá cổ phiếu ngày 22-3 đóng cửa ở mức 8.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên tới ngày 29-3, giá cổ phiếu này chỉ còn 6.530 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu RDP đã phải chịu mức lỗ lên tới hơn 18% do không thể đăng nhập tài khoản để cắt lỗ.

Ảnh hưởng thứ hai là nhóm nhà đầu tư giao dịch phái sinh trên thị trường đã mở vị thế bán. Chẳng hạn như nếu mở vị thế bán hợp đồng tương lai VN30F2404 vào cuối phiên giao dịch ngày thứ Sáu (22-3) với giá 1.284,5, thì tới thứ Hai (25-3) nhà đầu tư có thể chốt lời với giá thấp nhất là 1.267,2 và đạt mức lợi nhuận là 17,3 điểm.

Đó là trong trường hợp hệ thống của Công ty chứng khoán VNDirect hoạt động bình thường. Còn đến nay, tức ngày thứ Sáu (29-3), giá của hợp đồng này đã tăng lên tới 1.298,1 và ghi nhận mức lỗ 13,6 điểm, tức tổng thiệt hại có thể lên tới 30,9 điểm.

Điều này nghĩa là với nhà đầu tư mở vị thế bán 100 hợp đồng VN30F2404 sẽ thiệt hại tổng cộng hơn 300 triệu đồng trong khoảng thời gian ngừng giao dịch.

Trường hợp bị ảnh hưởng thứ ba là nhóm nhà đầu tư sử dụng margin để mua cổ phiếu, có thể phải chịu mức “lỗ kép” lớn hơn rất nhiều so với mức giảm của cổ phiếu mà họ đang nắm giữ. Ví dụ, một nhà đầu tư sử dụng margin với tỷ lệ 50% để mua cổ phiếu, nếu cổ phiếu giảm giá 10% thì tài khoản của nhà đầu tư này sẽ lỗ 20%.

Bên cạnh đó, lãi margin vẫn sẽ được tính trong giai đoạn nhà đầu tư không thể giao dịch. Như vậy, việc nhà đầu tư không thể cắt lỗ sẽ khiến tài khoản vừa bị lỗ do giá cổ phiếu giảm, vừa chịu phí lãi vay thông thường lên đến trên 10%/năm.

Trường hợp thứ tư là những nhà đầu tư đã có kế hoạch mua bán cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận. Trong thời gian ngừng giao dịch, giá cổ phiếu có thể tăng mạnh hoặc giảm mạnh khiến mức giá thỏa thuận không nằm trong biên độ. Khi công ty đưa hệ thống vào giao dịch trở lại, giao dịch có thể không thể thực hiện được theo đúng hợp đồng đã ký, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Bốn trường hợp trên mang tính điển hình, dễ gặp trong quá trình giao dịch. Nhưng cần nói thêm rằng sự cố kéo dài của VNDirect là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử giao dịch của chứng khoán Việt Nam. Vì thế, rất nhiều vấn đề cần làm rõ thêm như phân loại thiệt hại ra sao, xác minh thiệt hại trên cơ sở nào…, rồi mới tính chuyện bù đắp thiệt hại ra sao.

Thực tế trước đây, nhiều công ty chứng khoán khác cũng xảy ra lỗi hệ thống, không thể đăng nhập vào tài khoản, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, được xử lý trong ngày. Tuy nhiều nhà đầu tư cũng bức xúc, kêu ca về thiệt hại nhưng các công ty chứng khoán cũng đều không đưa ra chính sách đền bù, hỗ trợ gì.

Người viết cho rằng sự cố xảy ra tại VNDirect là không hề mong muốn. Bản thân công ty cũng đã phải trải qua quãng thời gian rất vất vả trong tuần vừa qua trong việc khôi phục hệ thống và trấn an nhà đầu tư. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ hợp lý và chia sẻ với nhà đầu tư là cần thiết, khi ảnh hưởng của vấn đề trên diện rộng và thiệt hại gây ra là có thật.

Điểm đầu tiên và cơ bản nhất là VNDirect có thể cân nhắc hỗ trợ nhà đầu tư ở một số việc như miễn phí giao dịch chứng khoán trên thị trường cơ sở, miễn lãi margin trong khoảng thời gian xảy ra sự cố, hay cân nhắc đưa ra một số chương trình ưu đãi cho người mở tài khoản như hạ lãi suất margin trong một quí, tặng một quí giao dịch miễn phí trên thị trường cơ sở…

(*) Chuyên gia đầu tư tài chính cá nhân

1https://vtv.vn/kinh-te/vndirect-dang-du-thao-chinh-sach-moi-de-bu-dap-cho-nha-dau-tu-20240328090012378.htm

Lê Xuân Huy (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/su-co-he-thong-vndirect-tinh-chuyen-bu-dap-cho-nha-dau-tu-nhu-the-nao/