Sư chùa Nhật Bản kết nối yêu thương

Không chỉ là người cầu nguyện trong các lễ tang hay tưởng niệm, giờ đây một số nhà sư Phật giáo tại Nhật Bản đảm đương một vai trò mới - “ông tơ bà nguyệt” cho người độc thân.

Trong một sự kiện mai mối điển hình, khoảng 60 người đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi 20 đến 40 tập trung tại chùa Tenryuin ở Tokyo (Nhật Bản) trong hội trường lớn và ngồi đọc Bát Nhã tâm kinh. Sau khi nghi thức đọc kinh kết thúc, sư trụ trì Shinichi Kitaori (46 tuổi) tuyên bố: “Ngày hôm này sẽ không bao giờ quay trở lại. Ta muốn các con hãy tạo nên một sự kết nối mạnh mẽ trong ngôi chùa này”.

Sự kiện được tổ chức bởi Kichienkai - một nhóm các nhà sư trẻ tại trường Rinzai, thuộc phái Thiền Phật giáo tập hợp sáng lập năm 2010. Koshi Kimiya (38 tuổi) - phó trụ trì chùa Ryuunji - cho biết ý tưởng thành lập tổ chức này được phát triển sau khi một người bạn đến gặp ông tìm kiếm lời khuyên cho hôn nhân. Kichienkai đã hợp tác với khoảng 800 ngôi chùa khắp đất nước Nhật Bản và cho đến giờ đã tổ chức được nhiều sự kiện thành công ở Shizuoka, Tokyo, Aichi và Gifu. 34 là độ tuổi trung bình cho những người độc thân (konkatsu) tham gia sự kiện tìm kiếm hôn nhân, và nữ giới tham gia nhiều hơn nam giới.

Người tham gia một sự kiện mai mối ở chùa Tenryuin tại Tokyo. Ảnh: Kyodo

Theo kết quả khảo sát trên website của Kotchienkai, dịch vụ mai mối qua nhà sư đã kết mối lương duyên thành công cho ít nhất 95 cặp đôi, trong số khoảng 7.000 người tham dự tính từ năm 2010. Những người đi tìm bạn đời cho rằng những thanh niên tìm đến chùa để nhờ mai mối đều là đối tượng có nhân cách.

Một nữ nhân viên văn phòng, 39 tuổi giấu tên tham dự buổi hẹn gặp ở chùa Tenryuin chia sẻ cô rất khó có cơ hội tìm được người đàn ông phù hợp vì “đồng nghiệp xung quanh đều đã lấy vợ”. Mẹ của cô đang sống ở vùng quê luôn thúc giục chuyện lấy chồng vì muốn được bế cháu ngoại trước khi bà mất. Không thể tìm đến dịch vụ mai mối thông thường với mức phí 500.000 yen, cô đã được giới thiệu đến tổ chức Kichienkai với chỉ 3.000 yen phí tham dự.

Trong khi đó, một nữ ứng viên khác (37 tuổi) đang làm nhân viên thời hạn tâm sự: “Tôi rất sợ hẹn hò mai mối qua mạng vì một người bạn của tôi đã trở thành nạn nhân của một cuộc hôn nhân lừa đảo. Đến với dịch vụ do các nhà sư tổ chức, tôi cảm nhận được sự chân thành từ những người tham gia”.

Người tham dự sẽ có cơ hội ngồi nói chuyện trực tiếp với nhau sau khi tham gia hoạt động tặng quà. Trò chuyện xong, họ sẽ viết tên và địa chỉ thư điện tử của mình lên một tấm thẻ và đặt chúng vào bì thư trong đó có cả tên những người họ có cảm tình, ngầm ám chỉ họ sẵn lòng chờ đợi một cuộc liên lạc trong tương lai.

Akiko Nirasawa - tác giả của cuốn sách “Konkatsu Nanmin (Những người tị nạn trong cuộc tìm kiếm hôn nhân) nhận định dịch vụ mai mối ở chùa đem đến cho những người độc thân trong độ tuổi trên 30 hi vọng tìm kiếm được một nửa đời mình. Họ là những đối tượng đã quá ngán ngẩm với các dịch vụ mai mối khác mà người ta chỉ chăm chăm chọn trên các tiêu chí có sẵn. Ông nói: “Những người có ưu thế về ngoại hình, tuổi tác và thu nhập hàng năm sẽ nhận được chú ý nhiều hơn khi tổ chức các buổi gặp mặt trực tuyến hay sắp xếp qua bố mẹ”.

Theo kết quả thăm dò của Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số Quốc gia năm 2015 thực hiện đối với những người độc thân từ 18 đến 34 tuổi, có đến 70% đàn ông và 60% phụ nữ cho biết họ không có người yêu, nhưng có gần 90% mong muốn kết hôn. Số liệu thống kê của chính phủ cũng cho thấy số đàn ông đến 50 tuổi chưa kết hôn ở Nhật Bản là 1,7% và phụ nữ là 3,3%. Nhưng chỉ sau 40 năm, con số đã tăng lên một cách chóng mặt khi tỷ lệ ở đàn ông và phụ nữ lần lượt là 20,1% và 10,6%.

Hồng Hạnh

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/nhin-ra-the-gioi/su-chua-nhat-ban-ket-noi-yeu-thuong-20161103221258301.htm