Startup dùng chung xe đạp được định giá nửa tỷ USD

2 startup dùng chung xe đạp của Trung Quốc đã nhận được tổng vốn đầu tư lên tới 240 triệu USD.

Tại Trung Quốc, đang diễn ra một cuộc chiến khốc liệt giữa 2 doanh nhân khởi nghiệp trẻ tuổi tại Bắc Kinh. Một bên là chàng trai 25 tuổi Dai Wei, nhà sáng lập của Beijing Bikelock Technology, công ty sở hữu dịch vụ dùng chung xe đạp Ofo. Một bên là cô gái 34 tuổi Hu Weiwei, nhà sáng lập Beijing Mobike Technology, sở hữu đối thủ Mobike. Việc ai thắng trong cuộc chiến này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ lên thói quen đi lại của người Trung Quốc trong nhiều năm tới.

Cuộc chơi của những gã khổng lồ

Hồi tháng 9 vừa qua, Ofo đã nhận được lượng vốn đầu tư lên tới 130 triệu USD từ một nhóm đầu tư bao gồm các ông lớn như quỹ CITIC PE, Didi Chuxing (công ty vừa đẩy bật Uber ra khỏi Trung Quốc), và nhà sáng lập Lei Jun của hãng smartphone Xiaomi. Với khoản đầu tư này, Ofo được định giá tới 500 triệu USD, đúng 1 năm sau khi thành lập.

Chỉ vài ngày sau đó, Mobike cũng nhận được một khoản đầu tư trị giá 100 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư bao gồm các quỹ khổng lồ của quốc tế như Hillhouse Capital và Warburg Pincus, cộng thêm ông lớn công nghệ Tencent của Trung Quốc. Trước đó vào tháng 8, Mobike đã nhận được 10 triệu USD từ Panda Capital.

Như vậy, chỉ trong vòng vỏn vẹn 2 tháng, 2 startup dùng chung xe đạp này đã huy động được tới 240 triệu USD, một lượng “đạn dược” đủ để tranh giành thị phần tại các thành phố lớn của Trung Quốc. Đây là con số cực kỳ đáng nể nếu biết rằng cả 2 công ty mới vừa được thành lập hồi cuối năm 2015.

Hua Weiwei, nhà sáng lập Mobike. Ảnh: LinkedIn

Nhà phân tích Cao Yang của IResearch bình luận: “Việc Tencent và Didi mỗi bên chọn một công ty khác nhau sẽ khiến cho cuộc cạnh tranh này rất khó đoán và mang lại nhiều thú vị. Thử thách chính sẽ nằm ở chỗ công ty nào có thể thích nghi nhanh hơn và phát huy nguồn lực tốt hơn”.

Tuy nhiên, cũng có người tỏ ra ngờ vực. Nhà sáng lập Rawen Huang của quỹ Petrel Capital (Hong Kong) nhận xét: “Mấy hãng này cứ tưởng họ là Amazon, có thể thoải mái đốt tiền trước rồi tính chuyện kiếm tiền sau. Không biết 5 năm sau chúng ta có nhìn lại và nói ‘Trời ạ, không tin nổi là họ có thể nhận vốn với mức định giá như vậy’?”.

Thị trường tỷ đô

Lĩnh vực dùng chung xe đạp không phải là điều gì mới mẻ. Có tới khoảng 600 dịch vụ như vậy khắp toàn cầu, và thị trường này có thể tăng trưởng tới 20% / năm để đạt tổng doanh thu 5,8 tỷ USD vào năm 2020, theo số liệu từ hãng tư vấn Roland Berger.

Hầu hết các dịch vụ dùng chung xe đạp là đều được quản lý bởi các chính quyền địa phương với sự tài trợ của các doanh nghiệp, như đã làm ở Paris và London. Theo đó, xe đạp sẽ được bố trí ở nhiều địa điểm cố định trong thành phố, và người dùng phải lấy xe cũng như trả xe ở các điểm này. Tại Bắc Kinh cũng đã có dịch vụ dùng chung xe đạp tương tự như thế này, với mức giá miễn phí cho giờ sử dụng đầu tiên, và sau đó là tính giá 15 cent / giờ.

Điểm làm nên sự khác biệt của Ofo và Mobike là ở chỗ người dùng sẽ sử dụng ứng dụng di động để tìm và trả xe ở bất cứ nơi nào họ muốn. Mobike đánh vào phân khúc cao cấp với các loại xe đạp có thể có giá tới 440 USD, được tranh bị lốp xe lõi đặc và có định vị GPS. Trong khi đó, Ofo đánh vào thị trường sinh viên với các loại xe đạp chỉ có giá thành chưa tới 40 USD và không được trang bị GPS, nhưng có giá thuê vỏn vẹn 15 cent / giờ, bằng một nửa của Mobike.

Mobike cho phép người dùng tìm xe đạp dựa trên tín hiệu GPS phát ra từ xe, và nếu thường xuyên để lại xe ở những nơi quá bất tiện hoặc không phù hợp thì người dùng sẽ bị Mobike phạt tiền. Ofo có ý tưởng đơn giản hơn: khi thấy một xe đạp Ofo, chỉ cần quét mã QR trên xe, và nhận lại mã mở khóa xe.

Dai Wei, nhà sáng lập Ofo. Ảnh: Bloomberg

Hiện tại, Mobike đang có tổng cộng khoảng 30.000 xe đạp ở các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Tổng dân số của các đô thị này là hơn 74 triệu người. Mobike đang đặt mục tiêu là sẽ có 100.000 xe cho mỗi thành phố trước cuối năm nay, rồi từ đó mở rộng sang các nơi khác. Đây là một con số khá đáng kể nếu so với 66.500 chiếc xe đạp công cộng của thành phố Hàng Châu (8 triệu dân).

Trong khi đó, Ofo đã có hơn 85.000 xe, chủ yếu tập trung ở hơn 100 trường đại học trên khắp Trung Quốc, và đang dự tính mở rộng ra nhiều nơi khác. Mục tiêu của Ofo là có 3 triệu người dùng, và có mặt ở thêm 500 trường đại học nữa trước cuối năm nay.

Có một điều đáng chú ý là cả 2 công ty Mobike và Ofo đều cho biết họ đang để mắt tới các thị trường ở Châu Âu.

Một người dùng xe đạp Mobike tại Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg

Trước đây vào năm 1995, Trung Quốc từng có tới 670 triệu chiếc xe đạp. Tuy nhiên, khi đời sống người dân được cải thiện và xe hơi trở nên thông dụng hơn, thì tới năm 2013 con số này chỉ còn 370 triệu. Liệu Mobike và Ofo có làm đảo ngược được xu thế này?

Đấu trường sinh tử

Tại khu chợ điện tử Zhongguancun của Bắc Kinh là trụ sở của Ofo. Dai Wei đã biến một căn hộ chung cư thành văn phòng của một startup trị giá nửa tỷ USD. Học hỏi từ “sư phụ” Cheng Wei (nhà sáng lập của Didi), triết lý kinh doanh của Dai Wei là: “Trong giai đoạn khởi đầu, bành trướng quan trọng hơn phòng thủ. Càng đầu tư càng nhanh và hiệu quả, thì càng dễ huy động vốn và trở nên mạnh hơn, cho tới khi trở thành người điều khiển thị trường”.

Đây cũng là chiến lược mà Didi để đánh bại hơn 30 đối thủ. Ở đỉnh điểm cuộc chiến với Uber, 2 bên đã cùng nhau “đốt” tới 1 tỷ USD mỗi năm, chủ yếu để trợ giá và khuyến mãi. Giờ đây, Didi đang có hơn 11 triệu lượt sử dụng mỗi ngày tại khắp 400 thành phố của Trung Quốc. Mặc dù Didi chưa có lãi, nhưng Dai Wei cho biết Ofo đã bắt đầu sinh lời. Theo công ty cho biết, họ đang phục vụ khoảng 500.000 lượt sử dụng mỗi ngày.

Người dùng xe đạp Ofo. Ảnh: Reuters

Bỏ học tiến sĩ tại Đại học Bắc Kinh, Dai Wei đã sáng lập nên Ofo với 4 người bạn học khác. Đầu tiên, họ định mở dịch vụ cho thuê xe đạp phục vụ khách du lịch, nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang ý tưởng dịch vụ dùng chung xe đạp. Những người đầu tiên đầu tư vào Ofo là Wang Gang (cựu lãnh đạo của Alibaba, một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Didi) và Allen Zhu (quỹ GSR Ventures). Wang Gang đã giúp cho Ofo không chỉ tiếp cận được nguồn vốn của Didi, mà còn có thể có thêm cộng đồng 300 triệu người dùng của dịch vụ này.

Nằm cách văn phòng của Ofo 30 phút đi xe đạp là “vườn ươm doanh nghiệp” mang tên 768 Creativity Shejiyuan, nơi Mobike đặt trụ sở. Theo CEO Wang Xiaofeng cho biết, Mobike đang có hơn 100.000 người dùng mỗi ngày.

Nhà sáng lập của hãng là cựu nhà báo Hu Weiwei tuyên bố: “Việc Tencent đầu tư vào chúng tôi cho thấy đôi bên có cùng triết lý về sản phẩm và công nghệ. Chúng tôi đã bắt đầu hợp tác cùng nhau trên một số lĩnh vực kỹ thuật”. Với sản phẩm chủ lực là ứng dụng nhắn tin WeChat có hơn 800 triệu người dùng và đã tích hợp các chức năng thương mại điện tử bao gồm cả gọi xe, Tencent là đồng minh cực kỳ lợi hại của Mobike, nếu không muốn nói là lợi hại hơn cả Didi.

Việc Mobike nhận vốn đầu tư từ Tencent được đánh giá là hết sức đúng lúc, nếu không thì nhiều người dùng có thể đã rời bỏ Mobike vì sợ hãng này không chịu được áp lực cạnh tranh từ Ofo. Nghe tin Ofo nhận vốn, một người dùng Mobike là doanh nhân khởi nghiệp Mike Huang tại Thượng Hải đã hủy gói dịch vụ Mobike để nhận lại khoản tiền đặt cọc 44 USD.

Huang cho biết: “Việc nhận được sự hỗ trợ từ các công ty lớn là cực kỳ quan trọng cho sự sống còn của các startup Trung Quốc. Ngành dịch vụ internet tại Trung Quốc vẫn đang còn ở trong giai đoạn đốt tiền thả cửa để giành thị phần, với mức độ cạnh tranh còn tàn khốc hơn cả Silicon Valley”.

Tuấn Minh

Nguồn Tổng hợp

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/ict/startup-dung-chung-xe-dap-duoc-dinh-gia-nua-ty-usd-3316761/