Sốt chuyện tranh giành 'ghế nóng' trong ngành ngân hàng

Biến động nhân sự cấp cao ngành ngân hàng ngày càng trở nên quyết liệt khi cuộc tái cấu trúc của ngành sắp vào giai đoạn kết thúc. Tại những ngân hàng có kết quả kinh doanh sa sút do nợ xấu tăng, buộc phải tái cấu trúc, “cuộc chiến” giành vị trí “ghế nóng” trở nên hết sức gay gắt.

Eximbank là một trong những ngân hàng có một không hai trong lịch sử khi tổ chức ĐHCĐ nhiều lần không được.

Tranh giành “ghế nóng”

Đầu tiên là phải nhắc tới cuộc đua quyền lực tại Eximbank. Có lẽ trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, chưa có một ngân hàng nào mà hai năm liền phải liên tục tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) vì cuộc chiến tranh “giành” quyền lực ở “ghế nóng”.

Sau nhiều lần tổ chức ĐHCĐ, vào cuối năm 2015, Eximbank mới bầu được hội đồng quản trị (HĐQT) mới. Theo đó, ông Lê Minh Quốc được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank, còn đại diện đến từ Vietcombank làm Trưởng ban Kiểm soát. Eximbank cũng thay tổng giám đốc, ông Lê Văn Quyết, từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhận vị trí “thuyền trưởng” từ trung tuần tháng 3.2016.

Song lùm xùm về nhân sự cấp cao tại Eximbank chưa chấm dứt mà còn bị đẩy lên căng thẳng hơn, khi có nghi ngờ về sự gian lận trong quá trình bỏ phiếu với việc ông Lê Minh Quốc tại lần công bố đầu tiên chỉ đạt chưa đến 46% số phiếu ủng hộ, nhưng sau khi “bỏ phiếu lại” thì đạt hơn 58% và trúng cử. Điều này khiến Eximbank không thể thực hiện thành công ĐHCĐ thường niên 2016 cả 2 lần vì việc giành quyền lực trong HĐQT.

Sau 2 lần thất bại, ĐHCĐ thường niên lần 3 của Eximbank dự kiến diễn ra vào ngày 2.8 tới. HĐQT Eximbank đã tiến hành kiểm hồ sơ đề cử, ứng cử nhân sự bổ sung vào HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) vào ngày 18.7. Theo đó, từ ngày 17.6 đến 14.7, Eximbank đã nhận được 8 hồ sơ đề cử, ứng cử nhân sự của 8 ứng viên, thay vì chỉ có 2 như ban đầu.

Hiện chưa có quyết định cuối cùng về việc sẽ bổ sung 1 hay 3 người vào HĐQT Eximbank, song ĐHCĐ Eximbank lần 3 được mọi người chờ đợi để đón xem kết quả về nhân sự mới tại ngân hàng này ra sao. Và để chuẩn bị tốt cho đại hội này, Eximbank đã thành lập ban kiểm tra tư cách cổ đông tham dự đại hội. Tuy nhiên, việc đại hội có thành công hay không vẫn là dấu chấm hỏi lớn.

Tương tự với “đại gia” Trầm Bê, tuy việc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank đã hoàn tất và sắp tới đây, Sacombank chuẩn bị tiến hành ĐHCĐ bất thường, nhưng người từng nắm quyền phó chủ tịch HĐQT thường trực Sacombank phải bàn giao công việc trước ngày 30.10.2015 và ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị Sacombank sau tái cơ cấu.

Theo văn bản của NHNN, ông Trầm Bê đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và Điều lệ Ngân hàng SouthernBank. Thông qua số cổ phần đã ủy quyền này, NHNN đang có trong tay hơn 51% cổ phần của Sacombank sau hợp nhất và là cổ đông lớn nhất nắm quyền chi phối tại đây. Dự kiến, đại diện của Nhà nước tham gia vào HĐQT Sacombank sau hợp nhất sẽ chính thức có mặt trong ĐHCĐ sắp tới. Bởi thế, thị trường lại có “cớ” để đồn đại về vị trí nhân sự cấp cao của Sacombank.

Sacombank đã không dưới 3 lần thay chủ tịch HĐQT trong 3 năm kể từ khi nhà băng này rơi vào tay của nhóm cổ đông lớn, trong đó có ông Trầm Bê, ông Lê Hùng Dũng - nguyên Chủ tịch Eximbank và ông Phạm Hữu Phú - nguyên Chủ tịch Sacombank đồng thời là nguyên CEO Eximbank.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng lớn và nhỏ có biến động mạnh về nhân sự trong HĐQT, ban tổng giám đốc. Không ít ngân hàng dự kiến sẽ có sự thay đổi đáng kể về nhân sự cấp cao.

Một năm trở lại đây, VietA Bank đã miễn nhiệm 6 phó tổng giám đốc. Mới đây nhất, VietA Bank miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với bà Phương Thanh Nhung và bổ nhiệm bà Nhung làm Phó chủ tịch HĐQT. Ngân hàng này cũng đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hảo giữ chức vụ Phó tổng giám đốc điều hành kể từ ngày 6.5.2016.

VietA Bank đang trong quá trình hoàn thiện đợt tăng vốn điều lệ từ hơn 3.000 tỉ đồng lên 3.500 tỉ đồng. Trước đó, VietA Bank được xem là một trong những ngân hàng khó tránh khỏi vòng xoáy mua bán - sáp nhập, do năng lực tài chính và sức cạnh tranh trên thị trường tài chính chưa cao. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của HĐQT và Ban điều hành, VietA Bank đã được NHNN phê duyệt đề án tự tái cấu trúc bằng chính nội lực kể từ năm 2012 đến nay.

Tại VIB, ngân hàng này vừa bổ nhiệm bà Vương Thị Huyền - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và ông Godfrey Swain - Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ - giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc VIB. Sau đợt bổ nhiệm này, Ban điều hành của VIB có 7 người, trong đó ông Hàn Ngọc Vũ làm Tổng giám đốc và 6 phó tổng giám đốc gồm: Ông Trần Nhất Minh, ông Lê Quang Trung, ông Loic Faussier, ông Ân Thanh Sơn, bà Vương Thị Huyền và ông Godfrey Swain.

Đầu năm nay, SeABank bổ nhiệm bà Khúc Thị Quỳnh Lâm - thành viên HĐQT - giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT và bà Dương Bích Hằng được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc SeABank.

“Cuộc chiến” vẫn còn tiếp diễn

Sau hơn 3 năm ngành ngân hàng đẩy mạnh chủ trương tái cấu trúc, M&A (mua bán - sáp nhập), thị trường tài chính đã có sự cải tổ đáng ghi nhận khi loại bỏ dần những ngân hàng yếu kém (về quản trị, nợ xấu tăng, siết sở hữu chéo), nhưng vẫn không khỏi bất ngờ khi có nhiều “đại gia” ngân hàng mất “ghế”.

Theo giới phân tích, thời gian tới, hoạt động M&A trong ngành này vẫn sôi động. Thậm chí, NHNN còn tính đến chuyện cho phá sản ngân hàng quản trị yếu kém, nợ xấu cao và không thể tăng được năng lực tài chính. Ông Nguyễn Phước Thanh - Phó Thống đốc NHNN - cho biết, năm nay NHNN sẽ tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và vấn đề M&A những ngân hàng yếu kém sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Động thái mạnh mẽ này dự báo sẽ tiếp tục tạo nên một “làn sóng” nữa về biến động nhân sự cấp cao của ngành ngân hàng, bởi khi đã M&A, bộ máy điều hành của hai nhà băng sẽ nhập thành một.

Hiện thị trường vẫn còn không ít ngân hàng vốn điều lệ chỉ ở mức 3.000 tỉ đồng và không thể nâng cao năng lực tài chính trong nhiều năm qua, như là Saigonbank, Kienlongbank, VietABank…

Liệu các nhà băng nhỏ có trụ vững, khi năng lực tài chính còn hạn chế, quản trị yếu kém, nợ xấu chưa thể xử lý nhanh… trong khi việc tăng vốn là không đơn giản?

Chủ trương của NHNN là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành và xu hướng sắp tới sẽ sáp nhập, hợp nhất thêm không ít ngân hàng nhỏ. Muốn cạnh tranh được trong bối cảnh thị trường ngày một khó khăn, phải hợp nhất lại để cùng nhau lớn mạnh, không chỉ về công nghệ, mạng lưới và con người, mà cả việc nâng tầm mô hình quản trị và tăng trưởng. Do đó, không chỉ ngân hàng yếu sáp nhập với nhau, mà ngay cả ngân hàng lớn cũng nên M&A. Cùng với làn sóng M&A là sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, giảm tỉ lệ sở hữu chéo, cho nên nhân sự cấp cao ngành này sẽ còn có biến động và đó là xu thế tất yếu.

Nhân sự cấp cao ngành ngân hàng liên tục biến động trong những năm gần đây khi ngành đẩy mạnh chủ trương tái cấu trúc, xử lý sở hữu chéo và M&A. Do đó, việc không ít lãnh đạo ngân hàng phải rời ghế là điều dễ hiểu. Nhiều ý kiến cho rằng, với bối cảnh hiện nay, làn sóng biến động nhân sự cấp cao ngân hàng sẽ còn “nóng”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/sot-chuyen-tranh-gianh-ghe-nong-trong-nganh-ngan-hang-577145.bld