Sốp Cộp tăng cường quản lý hoạt động chế biến gỗ

Trên địa bàn huyện Sốp Cộp có 5 cơ sở, hộ gia đình chế biến gỗ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và 7 hộ làm đồ gỗ mỹ nghệ từ gỗ tận dụng. Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền các xã phối hợp kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản hoạt động đúng quy định của pháp luật.

Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Sốp Cộp kiểm tra cơ sở chế biến gỗ tại bản Sốp Nậm, xã Sốp Cộp.

Ông Trần Ngọc Đoàn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, cho biết: Huyện có hơn 68.200 ha rừng, trong đó rừng trồng và rừng trồng đã thành rừng 942 ha. Mỗi năm, các tổ chức, cá nhân trong huyện khai thác từ 9.000 - 10.000 m³ gỗ được cấp phép. Việc quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản được thực hiện nghiêm túc, nhất là sau khi Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT, ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản có hiệu lực. Tại các cơ sở, hộ gia đình, nguồn gốc gỗ đưa vào chế biến chủ yếu là gỗ thông rừng sản xuất và gỗ nhập khẩu.

Hằng năm, Hạt kiểm lâm huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền các xã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh gỗ và nhân dân về các quy định liên quan đến lĩnh vực lâm sản, công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ năm 2022 đến nay, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp tuyên truyền 78 cuộc cho các cơ sở, hộ kinh doanh và nhân dân trong huyện.

Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các tổ kiểm tra, giám sát các cơ sở, hộ chế biến, kinh doanh gỗ để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Qua kiểm tra, giám sát, các cơ sở, hộ kinh doanh, chế biến gỗ đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hồ sơ, thủ tục trong sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy; việc nhập, xuất lâm sản và kê khai lâm sản được thực hiện đầy đủ, đúng quy định.

Thành lập và đi vào hoạt động đầu năm 2021, cơ sở sản xuất ván gỗ ép của gia đình chị Lường Thị Nhung, bản Sốp Nậm, xã Sốp Cộp, mỗi năm sản xuất khoảng 110 nghìn tấm ván bóc. Chị Nhung cho biết: Nguồn nguyên liệu chủ yếu là gỗ rừng trồng của bà con được phép khai thác, mỗi năm tiêu thụ từ 290-300 m³ chủ yếu là gỗ thông, với giá từ 700-900 nghìn đồng/m³, nhiều gia đình trồng rừng có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển nghề rừng, giúp nhân dân gắn bó hơn với rừng.

Anh Phạm Văn Quyền, chủ cơ sở sản xuất ván gỗ ép tại bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh, chia sẻ: Cơ sở thường xuyên được cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện tuyên truyền, nhắc nhở và giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh. Gỗ do cơ sở nhập đều có giấy tờ hợp pháp; cơ sở đã thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy. Mỗi năm cơ sở tiêu thụ khoảng 200 m³ gỗ thông nguyên liệu, ván bóc thành phẩm chủ yếu xuất bán đi các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội; tạo việc làm thường xuyên cho 7-8 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Để quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn, huyện Sốp Cộp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến nhân dân và các chủ cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai thác rừng trồng; trồng lại rừng sản xuất sau khai thác; tạo thuận lợi cho các hộ sản xuất, kinh doanh và chế biến gỗ phát triển, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/sop-cop-tang-cuong-quan-ly-hoat-dong-che-bien-go-YIJseLC4g.html