Sóng nhiệt lịch sử bộc lộ rõ những thiệt thòi của người nghèo

Trong khi nắng nóng cực đoan ảnh hưởng tới tất cả mọi người thì nhóm người nghèo, người vô gia cư, các gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp là những người chịu tác động nặng nề nhất.

Nhiệt độ ở Phoenix nguy hiểm với sức khỏe con người. Ảnh: Getty Images

Thành phố Phoenix, Mỹ sẽ tiếp tục hứng chịu thêm một đợt sóng nhiệt nữa trong tuần này sau khi trải qua 31 ngày liên tiếp (tính đến 30/7) ghi nhận nhiệt độ vượt mức 43,3 độ C, lập kỷ lục toàn quốc về giai đoạn nắng nóng kéo dài nhất. Trong khi nắng nóng cực đoan ảnh hưởng tới tất cả mọi người thì nhóm người nghèo, người vô gia cư, các gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp là những người chịu tác động nặng nề nhất.

Với những người vô gia cư, phải ngồi hoặc nằm trên vỉa hè vào những ngày nắng nóng làm gia tăng nguy cơ bỏng nắng vì đây là những nơi hấp thụ nhiệt nhiều nhất với mức nhiệt đo được có lúc lên tới 80 độ C. Hãng tin AP (Mỹ) dẫn báo cáo nêu rõ khoảng 40% trong số 425 ca tử vong liên quan nắng nóng trong năm 2022 tại hạt Maricopa là người vô gia cư thiếu điều kiện tiếp cận các hệ thống làm mát. Theo đại diện trung tâm dịch vụ an sinh khu vực, Amy Schwabenlender, nếu xu hướng này tiếp diễn, số ca tử vong liên quan nắng nóng trong năm 2023 sẽ tăng.

Bên cạnh nguyên nhân thiếu điều kiện làm mát, một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng thiệt thòi cho người nghèo đó là hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Báo cáo được nhóm nghiên cứu Climate Central công bố tuần trước cho thấy hơn 40 triệu người Mỹ tại các thành phố đang trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn so với những vùng nông thôn, nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng "đảo nhiệt đô thị". Nhiệt độ ở các thành thị có thể cao hơn 8 độ F (0,24 độ C) ở các vùng nông thôn lân cận. Các đảo nhiệt đô thị hình thành tại các thành phố do các tòa nhà cao tầng, vỉa hè bê tông, bãi đậu xe và các cơ sở hạ tầng khác lấp đầy các vùng đất trống. Những công trình này hấp thụ và lưu giữ nhiệt lâu hơn. Do thiếu những không gian xanh làm mát như các công viên, sân chơi và hàng cây ven đường, những vùng cư dân thu nhập thấp và người da màu thường là những đảo nhiệt đô thị.

Ngoài ra, những người thu nhập thấp hơn thương làm các công việc lao động chân tay và phải làm việc ở ngoài nhiều hơn, tiếp xúc với nắng nóng nhiều hơn. Nắng nóng khắc nghiệt có thể gây nguy cơ sức khỏe ở mức cao với những người làm việc ngoài trời, như các nhân viên giao hàng. Những cộng đồng dân cư nghèo hơn và người da màu có môi trường sinh sống với tỷ lệ ô nhiễm hạt siêu mịn cao hơn vì thường ở gần những nguồn ô nhiễm như đường cao tốc và cảng. Nhiệt độ cao kết hợp với khói bụi ô nhiễm và khói bụi cháy rừng dẫn tới những tác hại về sức khỏe như hen xuyễn.

Lượng mưa cũng tăng cao trong những năm gần đây, kéo theo các đợt lũ quét gây thiệt hại về người như trận lũ mới đây ở Pennsylvania, New York và Vermont. Do cơ sở hạ tầng chất lượng thấp, cộng đồng dân cư thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nặng nề hơn khi lũ lụt xảy ra. Điều này đặc biệt đúng với các nước đang phát triển. Tháng 9/2022, lũ lụt tại Pakistan khiến trên 1.700 người thiệt mạng, một phần do các tòa nhà, đường xá và đường điện yếu hơn so với các nước giàu, các hệ thống. Dù vậy, ngay tại các nước giàu, lũ lụt cũng gây hậu quả nghiêm trọng hơn ở những khu dân cư nghèo hơn. Trận lũ năm 2022 tại New York cũng khiến 13 người thiệt mạng, trong đó có 11 người sinh sống ở các tầng hầm, những nhà ở giá rẻ, chưa được cấp phép hoặc thiếu ánh sáng, không khí. Các cộng đồng dân cư thu nhập thấp thường có ít phương tiện để sơ tán khi xảy ra lũ lụt. Trong khi đó, lũ lụt có thể gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, băng tan ở các cực khiến các cơn bão trở nên nguy hiểm hơn.

Nhiều thành phố đã bắt đầu tìm các giải pháp để ứng phó với thách thức từ nắng nóng. Hiện có 8 thành phố trên thế giới, trong đó có Miami, Los Angeles và Phoenix, đã bổ nhiệm các quan chức chuyên trách điều phối các hoạt động động chuẩn bị và ứng phó nắng nóng. Phoenix cho mở cửa các trung tâm có hệ thống điều hòa không khí, bố trí các phương tiện đưa những người không có xe đến những trung tâm này, triển khai các nhóm tình nguyện viên đi phát nước uống, triển khai các biện pháp giảm ảnh hưởng của hiện tượng đảo nhiệt đô thị như sơn màu sáng cho vỉa hè để giảm hấp thụ nhiệt.

Giới chuyên gia cho rằng các chính phủ cần hành động để phát triển hệ thống ứng phó khí hậu toàn cầu, bảo vệ các nhóm dân cư dễ chịu tổn thương trước những mùa Hè khắc nghiệt cũng như các hình thái thời tiết cực đoan.

Lê Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/song-nhiet-lich-su-boc-lo-ro-nhung-thiet-thoi-cua-nguoi-ngheo-20230801191154575.htm