Sống chung với... anh hùng bàn phím

Ngôn từ “danh tài hóa” này xuất hiện cũng đã lâu và hàng ngày người dân đang phải sống chung với vấn nạn ấy. Vậy, anh hùng bàn phím là ai?

Ảnh minh họa: Lệ Hoa.

Câu trả lời thật đơn giản, tất nhiên là người có liên quan đến việc bấm, gõ các phím chữ để chuyển tải thông tin; bao gồm ban bố, ban hành bằng văn bản ra xã hội (tích cực) hoặc thóa mạ, bịa đặt phát tán lên mạng Internet (tiêu cực) v.v… Cho dù hành động với mục đích gì mà hệ quả tạo sốc dư luận thì chủ thể được gọi bằng… anh hùng bàn phím.

Mỗi khi nhắc đến anh hùng bàn phím, người ta thường nghĩ ngay rằng đó là những kẻ ẩn núp sau bàn phím máy tính để hóa thân “hổ báo” thể hiện cái TÔI. Điều này tuy không sai nhưng chưa đủ.

Vì khách quan so sánh tổng thể thì hành vi dùng lời lẽ buông tuồng “trịch thượng” của các anh hùng ẩn núp chỉ ở tầm “vi mô”, chủ đích thỏa mãn cá tính trong phạm vi hạn hẹp.

Ấy là chưa kể đến những anh hùng… không núp vẫn đang ngày đêm phơi phới diễn tròn vai. Như có anh làm nghề bơm vá xe đạp cứ loẹt lòe “nổ” mình là… kỹ sư cơ khí; chị bán chuối chiên lại khoe mẽ mần bếp trưởng nhà hàng; chàng “rảnh hơi” thì xưng… thánh thơ, nhiệt tình múa mép chỉ dạy thi ca “cách tân” trên facebook cho các bóng hồng mỡ màng như múi mít, mặc dù cộng đồng luôn hoài nghi: Trình độ biết có cao thâm/ Cũng đặt bày biên biên khảo khảo! ...

Chuyện anh hùng bàn phím “kêu mưa, gọi gió” trên facebook e nói hoài không hết. Song, suy cho cùng vẫn chưa thấy có “danh tài” nào đạt thành tích gây sốc dư luận ở tầm “vĩ mô” như những trường hợp cụ thể vừa xảy ra gần đây:

1/ Dư luận hoang mang

Vào ngày 02/8, đùng một cái, Công an huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) đã gửi thông báo số 487 đến các xã và trường học trên địa bàn, rằng “… tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng (gan, thận, tim, mắt…).

Thông báo do Thượng tá Trịnh Minh Phú - Phó trưởng Công an huyện ký, cũng yêu cầu CA các xã, các trường học trên địa bàn huyện thông báo đến toàn thể nhân dân và học sinh phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này.

Khi Công văn báo “tin dữ” phát ra khiến dân tình lo lắng, dư luận hoang mang. Đến ngày 11/8 thì Đại tá Phạm Gia Chiến - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Lào Cai cho biết, văn bản thông báo cảnh giác "bắt cóc lấy nội tạng" do Công an huyện Si Ma Cai ban hành bị sơ suất dẫn đến việc nhầm lẫn về thông tin gây ra vấn đề ngộ nhận. Chứ trên địa bàn Lào Cai và Hà Giang không có vụ việc nào xảy ra như vậy.

Mặc dù sau đó thông báo số 487 được tiến hành thu hồi, nhưng nỗi hoang mang lẫn dư âm về… anh hùng bàn phím – tức người đã soạn thảo ra văn bản gây sốc, vẫn chưa hề dịu lại.

2/ Dư luận bức xúc

Sự kiện xử lí oan sai tại quán cà phê Xin Chào (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. HCM) còn chưa nguôi ngoai, thì ngày 16/8, UBND thị trấn Tân Túc ra quyết định đình chỉ thi công công trình và chỉ đạo cắt điện, nước khi chủ quán này đặt thùng container trên đất vườn để làm chỗ rửa ly, chén.

Container ông Tấn kê bên trái quán XIn Chào để làm chỗ rửa ly, chén. Ảnh: PLO.

Một lần nữa dư luận lại dậy sóng. Nhiều ý kiến cho rằng Quyết định của Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc “giáng” xuống ông Nguyễn Văn Tấn (chủ quán Xin Chào) như vậy là sai luật, hoặc áp theo Nghị định đã hết hiệu lực.

Bí thư Huyện ủy Bình Chánh – ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, sau khi hay tin vụ việc, Huyện ủy đã yêu cầu UBND thị trấn Tân Túc báo cáo, đồng thời tiến hành xác minh, thẩm tra làm rõ thủ tục, trình tự xử lý vi phạm hành chính của cơ quan này. Kết quả kiểm tra cho thấy, việc UBND thị trấn Tân Túc yêu cầu ngừng cung cấp điện, nước cho quán Xin Chào là có vấn đề. Và ngày 19/8, UBND huyện Bình Chánh đã họp bàn thống nhất ý kiến tạm dừng việc cưỡng chế.

Quyết định yêu cầu ngừng cung cấp điện, nước đối với quán Xin Chào, do Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc ký.

Trong lần trao đổi với báo Tuổi Trẻ mới đây, ông Bùi Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) - phân tích: “Khu vực hộ kinh doanh là lực lượng rất quan trọng, âm thầm đóng góp lớn cho nền kinh tế nên việc ứng xử với khu vực này cần hết sức thận trọng để phát huy vai trò của họ, nhưng cũng không làm tổn thương, làm nhụt ý chí...

Qua việc ra Quyết định “có vấn đề” gần như thể nhằm triệt hạ ông Tấn, thử hỏi người soạn thảo văn bản tù mù có “xứng danh”… đứng top anh hùng bàn phím hay không?

Nếu tại lỗi của “thằng đánh máy” thì thân tình nhắn nhủ:

Việc viết lách cốt phải văn minh

Soạn văn bản chớ nên trừu tượng!

Lệ Hoa

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Chuyên mục Đa Chiều đưa ra những góc nhìn khác nhau về các vấn đề thời sự - xã hội nóng thu hút dư luận. Độc giả có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc phản biện về vấn đề quan tâm. Xin vui lòng gửi thư về địa chỉ: toasoan@nguoiduatin.vn. Mọi quan điểm của độc giả đều cần được tôn trọng!

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/soan-thao-van-ban-tu-mu-song-chung-voi-anh-hung-ban-phim-a255651.html