SỚM SỬA ĐỔI CHÍNH SÁCH ĐỂ NÂNG CAO THU NHẬP, CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC, ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, TINH THẦN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tại Diễn đàn Người lao động năm 2023, nhiều ý kiến đại diện đoàn viên công đoàn, người lao động và cán bộ công đoàn các cấp thể hiện mong muốn có giải pháp để cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Muốn làm được điều đó, đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Bộ Luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động, bổ sung quy định nhóm chính sách về điều kiện lao động, bữa ăn giữa ca trong, thúc đẩy việc giảm giờ làm cho người lao động.

Tiếp tục quan tâm đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động tốt hơn

Nêu ý kiến tại diễn đàn về nhóm chính sách về điều kiện lao động, anh Đinh Xuân Đức - công nhân Công ty TNHH Khởi Hùng, tỉnh Khánh Hòa nêu thực tế, bữa ăn giữa ca của người lao động Việt Nam rất quan trọng, nếu người lao động được ăn bữa giữa ca bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ có sức khỏe, làm việc tốt hơn.

Anh Đinh Xuân Đức, công nhân Công ty TNHH Khởi Hùng, tỉnh Khánh Hòa phát biểu

Tuy nhiên hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca của người lao động cũng như nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp phải lo bữa ăn giữa ca nên chất lượng bữa ăn giữa ca tại nhiều doanh nghiệp còn thấp, mặc dù công đoàn cũng đã tham gia thương lượng, giám sát. Anh Đinh Xuân Đức đề nghị, trong quá trình sửa đổi, bổ sung luật sẽ có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong vấn đề này.

Chia sẻ với ý kiến của anh Đinh Xuân Đức, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, kiến nghị nêu trên là rất chính đáng, cần thiết để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có quy định đối thoại tại nơi làm việc, trong đó người sử dụng lao động và đại diện người lao động (công đoàn) tổ chức đối thoại về những nội dung 2 bên quan tâm. Trong đó, bữa ăn giữa ca là nội dung cần thiết trong đối thoại tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, cũng có quy định về thương lượng tập thể giữa người sử dụng lao động và công đoàn.

Nhấn mạnh nhiều công đoàn cơ sở đã đưa được nội dung này vào thương lượng tập thể, từ đó bữa ăn giữa ca đã được cải thiện, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị, công đoàn thời gian tới cần tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn cơ sở để đưa nội dung bữa ăn ca vào thương lượng tập thể; học tập những đơn vị thành công trong cải thiện bữa ăn giữa ca cho người lao động.

Đối với đề xuất bổ sung quy định bữa ăn ca vào Bộ luật Lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho biết, sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xem xét sửa đổi các quy định liên quan sau này. Đồng thời nhấn mạnh, sửa đổi luật phải đánh giá tình hình thực tiễn. Thực tiễn sinh động của công đoàn sẽ là nguồn quan trọng giúp các cơ quan hoàn thiện về quy định này trong tương lai.

Quan tâm đến các chế độ, chính sách liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Samsung Electronics (tỉnh Bắc Ninh) Lại Hoàng Dũng nêu rõ, trong Bộ luật Lao động năm 2019, Quốc hội đã giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.

Anh Lại Hoàng Dũng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Samsung Electronics, tỉnh Bắc Ninh phát biểu

Là Chủ tịch công đoàn cơ sở, anh Lại Hoàng Dũng cho biết, hầu hết anh chị em công nhân đều mong muốn được giảm giờ làm để có thêm thời gian chăm sóc gia đình, nhất là con nhỏ và tái sản xuất sức lao động; cũng là quy định để bảo đảm công bằng giữa lao động làm việc trong khu vực nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần), trong khi hầu hết các nước đã duy trì chế độ làm việc 35 - 40 giờ/tuần.

Việc giảm giờ làm là rất cần thiết cho người lao động. Nhấn mạnh điều này, anh Lại Hoàng Dũng khẳng định, khi các doanh nghiệp cần huy động làm thêm giờ, người lao động luôn sẵn sàng nhằm nâng cao thu nhập và giúp doanh nghiệp đáp ứng đơn hàng. Thậm chí, khi hầu hết các doanh nghiệp có nhu cầu làm thêm giờ, người lao động cũng rất chia sẻ. Như sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 ngày 24.3.2022 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, mong muốn Quốc hội quan tâm giám sát, thúc đẩy để vấn đề này sớm trở thành hiện thực.

Trả lời về vấn đề giảm giờ làm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động không phải là vấn đề mới. Bộ luật Lao động trước đây đã khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần, tuy nhiên, quy định này vẫn chỉ là khuyến khích chủ sử dụng lao động áp dụng. Điều này cũng là trăn trở của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan quản lý lao động cũng như Ủy ban Xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Hoan nghênh tổ chức Công đoàn thông qua Thỏa ước lao động tập thể, khuyến khích người sử dụng lao động giảm thời gian lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần và đã có công đoàn cơ sở ký kết được thỏa ước này, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị công đoàn các cấp tiếp tục phát huy, nhân rộng mô hình, cách làm hay đối với việc giảm thời gian làm việc trong tuần của người lao động; quan tâm hơn nữa về vấn đề thời giờ làm việc, từ đó tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động.

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện giảm giờ làm cho người lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc này liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có năng suất lao động; đồng thời khuyến khích tổ chức Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn Công đoàn cơ sở tiếp tục quan tâm đến Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.

Chị Vi Thị Huyền - Công đoàn cơ sở Công ty TNHH KSD tỉnh Thái Nguyên phát biểu

Bày tỏ băn khoăn, trăn trở đối với các chế độ, chính sách liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, nhiều ý kiến tại Diễn đàn Người lao động 2023 kiến nghị Quốc hội quan tâm giám sát từ khâu quy hoạch đến tổ chức thực hiện, bảo đảm hạ tầng xã hội gần doanh nghiệp, có đầy đủ trường học, nơi khám chữa bệnh và các thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân; thúc đẩy việc giảm giờ làm cho người lao động.

Sớm sửa đổi Luật An toàn, vệ sinh lao động

Phản ánh thực trạng công nhân ngành than - khoáng sản làm việc trong điều kiện lao động đặc biệt, nguy cơ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất cao, anh Nguyễn Đức Đại - công nhân Công ty than Mạo Khê cho biết, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện đang kết dư rất lớn, khoảng 65 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, các nội dung chi của Quỹ này theo quy định tại Điều 56 Luật An toàn vệ sinh lao động còn hẹp, hàng năm chi tối đa không quá 1.000 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Đức Đại - công nhân Công ty than Mạo Khê phát biểu

Nhấn mạnh nhu cầu rất lớn của người lao động về chăm sóc sức khỏe như điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và suy giảm sức khỏe; chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ; chi đầu tư các thiết chế phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động; huấn luyện và nghiên cứu các giải pháp khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động..., anh Nguyễn Đức Đại đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật An toàn, vệ sinh lao động, trong đó bổ sung các nội dung nêu trên.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ ngắn hạn nhưng lại có những nội dung mang tính dài hạn. Thực tiễn vừa qua cho thấy, những nội dung cơ bản trong mục tiêu của Quỹ đặt ra đã đạt được. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, phạm vi chi của Quỹ theo quy định của luật hiện đang còn hẹp và mức chi thấp. Do đó, muốn mở rộng phạm vi chi của Quỹ này thì phải sửa luật.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, thời gian vừa qua, theo quy định thu Quỹ 1% nhưng kết dư quá lớn. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo với Chính phủ, sau khi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giảm tỷ lệ thu từ 1% xuống 0,5%. Bên cạnh đó, giai đoạn dịch Covid-19, một phần Quỹ kết dư cũng đã được sử dụng. Đồng thời tập trung khuyến khích các đơn vị phòng ngừa, những đơn vị nào phòng ngừa tốt, không xảy ra tai nạn thì được ưu tiên giảm tỷ lệ đóng quỹ; tăng cường giúp người lao động trong quá trình phục hồi, điều dưỡng sau đại dịch. Về vấn đề sửa luật, Bộ trưởng cho biết sẽ đăng ký vào kế hoạch năm nay.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu

Liên quan đến cải thiện đời sống tinh thần của công nhân lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, những năm qua, bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất cho đoàn viên, người lao động, thì việc chăm lo đời sống tinh thần cũng được tổ chức công đoàn đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9.1.2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được các đơn vị tổ chức thường xuyên, liên tục.

Nhấn mạnh việc chăm lo đời sống tinh thần của người lao động cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, ông Ngọ Duy Hiểu hy vọng, qua Diễn đàn lần này, các cơ quan, ban ngành, theo chức năng, nhiệm vụ, cần quan tâm tham mưu, đề xuất, có những điều kiện tốt hơn cho người lao động; hướng tới công nhân của thế kỉ XXI sẽ được hưởng nhiều quyền lợi, đời sống tinh thần tốt hơn.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78422