Sớm lập bản đồ cảnh báo sạt trượt ở Lâm Đồng

Ngoài mục đích hạn chế thiệt hại, bản đồ sạt trượt, ngập úng và hệ thống cảnh báo sớm ở tỉnh Lâm Đồng còn có thể được áp dụng vào các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng

Tại hội thảo đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 22-9, thông tin cho biết trên địa bàn thời gian qua liên tục xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, sạt lở đất, gây thiệt hại người và tài sản.

Thiên tai và nhân tai

Liên quan vụ sạt lở tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, TP Đà Lạt, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, nhận định nguyên nhân ban đầu là do thiết kế, giải pháp thi công công trình chưa bảo đảm an toàn. "Sau khi đổ đất lên, đơn vị thi công không có giải pháp chống thấm nước mưa. Khối lượng đất đắp lớn, ngậm nước tạo áp lực rất lớn lên bờ ta-luy trong khi ta-luy chưa bảo đảm an toàn nên sự cố xảy ra" - ông Trung nêu rõ và cho biết địa phương đã rút kinh nghiệm trong công tác quản lý.

Theo các chuyên gia, tình trạng sạt lở tại tỉnh Lâm Đồng thời gian qua có nguyên nhân cả từ thiên tai lẫn nhân tai. Do biến đổi khí hậu nên ở TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung xảy ra ngày càng nhiều trận mưa với vũ lượng lớn nhưng kết thúc nhanh nên áp lực nước lớn. Trong khi đó, tỉnh Lâm Đồng có địa hình nhiều đồi núi dốc, địa chất chủ yếu là đất bazan khô, ngậm nhiều nước và trơn trượt.

Vụ sạt lở ở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào đêm 29 đến rạng sáng 30-7 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản

Còn nhân tai - theo các chuyên gia - đến từ việc san gạt địa hình, xây dựng không phép, phát triển nhà kính tràn lan, hệ thống thoát nước chưa đáp ứng. Bên cạnh đó còn là tình trạng cấp phép xây dựng, quản lý nhà nước chưa nghiêm; một số địa phương chưa kịp thời rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng.

Góp ý giải pháp, TS Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, dẫn chứng phương pháp chống ngập tại TP Tokyo - Nhật Bản là mô hình có thể tham khảo. Ở Tokyo, chỉ cần lượng mưa lớn trên 50 mm đã gây ngập lụt nên thành phố thực hiện "biện pháp cứng" gồm quản lý hệ thống dòng chảy sông ngòi; nâng cấp, xây mới hệ thống thoát nước bằng những công trình hầm có đường kính từ 3-8 m... Với quy mô đầu tư 2 tỉ USD, kênh xả nước ngầm khu vực đô thị (MAOUDC) của Tokyo là một mê cung đường hầm và "ngôi đền chống ngập" nằm sâu 22 m dưới lòng đất. Sau 13 năm xây dựng, công trình hoạt động từ năm 2016 và chịu lượng mưa 65-75 mm/giờ. Bên cạnh đó, Tokyo cũng đẩy mạnh "biện pháp mềm" là công bố biểu đồ ngập lụt, bản đồ bảo trì hệ thống thoát nước, thông tin thời tiết và cảnh báo đến người dân.

Cần Chính phủ hỗ trợ nguồn lực

Theo nhóm chuyên gia của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, các kết quả nghiên cứu cho thấy hoàn toàn có thể đưa ra cảnh báo sớm về tình trạng sạt lở tại tỉnh Lâm Đồng dựa trên các kết quả quan trắc, phân tích trên các vùng đất dốc ở Việt Nam. TP Đà Lạt có nhiều nét tương đồng với Hồng Kông (Trung Quốc) giai đoạn năm 1970-1980 nên có thể học hỏi kinh nghiệm như xây dựng hệ thống quan trắc tích hợp; giám sát thực tế từng khu vực đất dốc; xây dựng, hiệu chỉnh và từng bước hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm tình trạng sạt lở đất.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định quan điểm của tỉnh là phòng quan trọng hơn chống, bởi thiên tai thì không thể tránh. "Tỉnh Lâm Đồng cũng giống như cả nước hay nhiều nơi khác như Nhật Bản, Hồng Kông - Trung Quốc cách đây mấy chục năm. Đó là đã nhận thức được việc này nhưng phải có nguồn lực để làm" - ông Nguyễn Ngọc Phúc bày tỏ.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh chắc chắn phải xây dựng bản đồ sạt trượt, cảnh báo sớm để sử dụng cho việc quy hoạch đô thị, sử dụng đất hay những quy hoạch cần phải làm sớm. Dựa trên bản đồ này, chính quyền địa phương sẽ xác định được nơi nào được làm khu dân cư, nơi nào không được làm và chỗ nào cần hạn chế. Còn với những nơi đã có công trình trước khi có bản đồ thì cơ quan quản lý tính toán các biện pháp tiếp theo, ví dụ đập bỏ hay xử lý bằng biện pháp kỹ thuật.

Về tình trạng ngập úng, sạt trượt do nguyên nhân nhà kính, nhà lưới, đô thị hóa, bê-tông hóa, hệ thống thoát nước..., lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định cần có giải pháp xử lý trong thời gian tới. "Tiền đâu để làm, thanh toán như thế nào? Hiện nay chưa có định mức cho việc này. Nếu có nguồn hỗ trợ từ Chính phủ hay nguồn xã hội hóa thì quá tốt!" - ông Nguyễn Ngọc Phúc bày tỏ.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề nghị cần có quy định quản lý cụ thể với từng loại công trình và mức xử phạt để hạn chế thiệt hại như đã xảy ra thời gian qua. Chẳng hạn, công trình nào phải yêu cầu khoan địa chất, trường hợp nào cần áp dụng bản đồ cảnh báo...

Đô thị hóa làm tăng "khuyết tật" quản lý

ThS - kiến trúc sư Trần Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng, cho rằng khi đô thị phát triển, dân số tăng thì nhu cầu mở rộng quỹ đất xây dựng cũng ngày càng cao. Khi đó, những "khuyết tật" trong quản lý đô thị cũng tăng lên.

TP Đà Lạt từng có hiện tượng ngập lụt cục bộ lớn vào các năm 1932, 1972, 1973, 2014, 2022 và 2023. Thế nhưng, trận mưa kéo dài từ đêm 29 đến rạng sáng 30-7 tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám vừa qua được xem là đỉnh điểm trong các trận mưa lịch sử của tỉnh.

Bài và ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/som-lap-ban-do-canh-bao-sat-truot-o-lam-dong-20230922220517612.htm