Sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng

Hồi 21h15 (giờ Việt Nam) ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại TP.Addis Ababa (Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia), di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vậy là, từ một sinh hoạt văn hóa bị nghiêm cấm vì bị quy là dị đoan, việc thực hành tín ngưỡng này đã trở thành di sản của nhân loại.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.

Khi di sản này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam, việc thực hành sẽ tăng cường đối thoại và thúc đẩy đa dạng văn hóa; giúp cho việc sáng tạo, làm giàu vốn văn hóa và là một thành phần quan trọng của lễ hội - nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng.

Mẫu dạy con người sống hướng thiện

Tục thờ Mẫu có từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này kết hợp trong khái niệm Thánh Mẫu (còn gọi là nữ thần Mẹ). Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn… là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức hút mọi tầng lớp trong xã hội.

Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể.

Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà, tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.

Trải qua lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ), Tứ phủ (có thêm Địa phủ). Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành. Tín ngưỡng thờ Mẫu còn gắn liền với nghệ thuật Chầu văn hay còn gọi là Hát văn - một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nghi lễ Chầu văn (còn gọi là hầu đồng) là một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất với tên gọi chính thức “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

Là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền, Chầu văn còn gọi là hát văn, hát bóng, có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu tại tỉnh Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội. Bằng cách sử dụng âm nhạc có tính tâm linh, lời văn trau chuốt, Chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu Thánh. Hát Chầu văn ra đời sớm hơn so với các loại hình dân ca khác. Trong sách ''Kiến văn tiểu lục,'' nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 -1784) có ghi: “Thời Trần (1225-1400) có lối hát trước mặt đế vương, gọi là hát Chầu”. Chầu văn gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo) - một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Hát Chầu văn có nhiều hình thức biểu diễn: Hát thi (văn thi) dùng trong các cuộc đua tài thi hát và thường là hát đơn (một người hát). Hát thờ (văn thờ) được hát vào ngày Rằm, mùng Một, ngày Lễ tiết, tiệc Thánh... Hát lên đồng (văn hầu) dùng trong quá trình thực hiện nghi lễ hầu đồng, hầu thánh. Hầu đồng là nghi lễ nhập hồn của các vị thánh Tứ phủ vào thân xác ông đồng, bà cốt. Trong nghi lễ đó, hát Chầu văn phục vụ cho quá trình nhập đồng, hiển thánh. Sau khi múa, các thánh thường ngồi nghỉ và nghe cung văn hát, kể sự tích, lai lịch vị thánh đang giáng. Tại đó, các thanh đồng thường hầu thánh trước bàn thờ Mẫu, hai bên có cung văn hát Chầu, kết hợp với hầu bóng. Người xưa quan niệm, đó là phương thức hữu hiệu để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu, với các vị thần linh, bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong những điều tốt đẹp.

Đạo Mẫu đậm bản sắc dân tộc

"Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" là di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp. 10 di sản trước đó gồm: Nhã nhạc - Nhạc Cung đình triều Nguyễn (2003), Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Hát Ca trù của người Việt (2009), Dân ca Quan họ (2009), Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng (2010), Hát Xoan Phú Thọ (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012), Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi lễ và Trò chơi Kéo co (2015, Hồ sơ đa quốc gia, hợp tác với: Hàn Quốc, Campuchia và Philippines).

Ở Việt Nam có khoảng 7.000 đền, phủ thờ đạo Mẫu trong cộng đồng, chưa kể các đền, phủ tư nhân. Là một tín ngưỡng dân gian phổ biến tại Việt Nam, nhưng vì nhiều lý do, việc nghiên cứu đạo thờ Mẫu không phổ biến như với đạo Nho, đạo Phật. Một trong những người dày công tìm hiểu đạo Mẫu và viết nhiều công trình giá trị là Giáo sư Ngô Đức Thịnh - hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản Việt Nam), đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore (văn hóa dân gian) Châu Á.

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, “Trong đạo Mẫu có việc lên đồng, nhưng đó không phải là toàn bộ bản chất của đạo Mẫu. Đạo Mẫu là một tôn giáo dân gian phản ánh truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần dân tộc và khơi dậy lòng yêu nước của người Việt Nam. Việc hầu đồng không phải là một hiện tượng dị đoan như người ta từng nghĩ, bởi trong khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ, hầu hết là nhân vật lịch sử, có công với dân tộc. Việc hát văn hầu đồng là một văn hóa độc đáo kết nối giữa người miền xuôi với người miền ngược. Trong các vị thần được thờ trong đạo Mẫu có hàng chục vị thần là người các dân tộc thiểu số”.

Cũng theo GS Ngô Đức Thịnh, trong các tôn giáo tồn tại ở Việt Nam thì đa số có nguồn gốc ngoại lai như đạo Nho, đạo Phật hay đạo Lão, nhưng riêng đạo Mẫu hoàn toàn là tôn giáo bản địa - vì trong đạo Mẫu, các vị thần đều là người Việt Nam và cai quản đất nước Việt Nam.

Nghiên cứu đạo Mẫu là một hướng nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, mặc dù từ thời Pháp thuộc cũng đã có. Thời nay, sự độc đáo của nghi lễ hầu đồng vẫn cuốn hút giới nghiên cứu văn hóa quốc tế. Mới đây nhất, nhiếp ảnh gia người Mỹ - Tewfic El-Savy - đã cho ra mắt cuốn sách ảnh về hầu đồng, mang tên “Hầu Đồng: The Spirit Mediums of Vietnam”, dày 170 trang.

Hà Thành

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/soi-day-tinh-than-lien-ket-cac-cong-dong-47883.html