Sợi dây kết nối nghệ thuật ở triển lãm 'Gặp gỡ Hà Nội'

Phong phú về nội dung phản ánh đời sống giai đoạn đổi mới của đất nước, đa dạng về phong cách bút pháp các loại hình thể hiện là cảm nhận đầu tiên của người xem trước triển lãm nghệ thuật hội họa và mỹ thuật 'Gặp gỡ Hà Nội' khai mạc tối 8/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm sắp đặt “Trống mái” (inox gương) của tác giả Nguyễn Trường Giang.

Triển lãm“Gặp gỡ Hà Nội” quy tụ 21 tranh, tượng gồm các thể loại: hội họa, đồ họa, điêu khắc của 12 nghệ sĩ (trong đó có 2 nghệ sĩ nữ) có nhiều đóng góp với mỹ thuật đương đại Việt Nam hiện nay như Phạm Hùng Anh, Nguyễn Thế Dung, Nguyễn Tuấn Dũng, Khúc Đình Dương, Vũ Xuân Đông, Nguyễn Trường Giang, Đỗ Quyên Hoa, Nguyễn Đức Hùng, Trịnh Liên, Vũ Mười, Phạm Nghĩa và Lê Thanh.

Mỗi tác phẩm lại cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tác giả đến các vấn đề nổi bật của xu thế cuộc sống đương đại, trong đó chủ đề về thiên nhiên và môi trường - chủ đề mà các lĩnh vực nghệ thuật thế giới đang đề cập rất quan thiết - được đặc biệt chú ý.

Họa sĩ Đào Hải Phong khẳng định sự liên kết nghệ thuật là cần thiết cho nền mỹ thuật nước nhà.

Có mặt tại lễ khai mạc triển lãm “Gặp gỡ Hà Nội”, họa sĩ Đào Hải Phong khẳng định đây là sự liên kết nghệ thuật cần thiết cho nền mỹ thuật nước nhà.

“Có thể nói đây thực sự là một triển lãm nhóm với không ít các họa sỹ, mỹ thuật gia đang sung sức trong sáng tạo nghệ thuật hiện đồng tâm đồng lực kết liên trong nỗ lực động viên nhau tích cực góp phần vào trào lưu sáng tác phong phú ở lĩnh vực mỹ thuật, đặc biệt là hội họa đương đại của nước ta.” - họa sĩ Đào Hải Phong bày tỏ ý kiến.

Tác phẩm “Sông Tô” (gò đồng tương tác) của tác giả Vũ Xuân Đông.

Tác phẩm in khắc cao su “Rách mới” của tác giả Lê Thị Thanh, “Hành trình” (sơn dầu) của tác giả Vũ Mười, hay “Khúc giao mùa” (sơn mài) của tác giả Lưu Hoàng… hướng tới những hành động vì môi trường.

Một số tác phẩm thể hiện cái nhìn khác khi ngẫm ngợi về việc hồi sinh đời sống thiên nhiên như “Sông Tô” (gò đồng tương tác) hay “Sông Tô 47” (bột màu) của tác giả Vũ Xuân Đông hay “Nụ hôn hồi sinh” (sơn dầu) của tác giả Khúc Đình Dương…

Tác phẩm “Dặm về” (sơn dầu) của tác giả Đỗ Quyên Hoa.

Ở góc khác của tư tưởng các họa sỹ, với triết lý nhân sinh, cũng phô diễn nhãn quan thẩm mỹ riêng biệt về sự trân trọng giá trị tinh thần tôn giáo, chẳng hạn “Hoa tâm bừng sáng vầng trăng pháp” (bút mực) hay “Ngàn năm soi sáng chốn linh thiêng” (bút mực) của Nguyễn Đức Hùng…

Bằng bút pháp vững vàng quen thuộc riêng biệt , các họa sỹ thể hiện các phong cách hiện thực rất ấm áp, như “Dặm về” (sơn dầu) của tác giả Đỗ Quyên Hoa, “Đợi” (acrylic) của tác giả Nguyễn Tuấn Dũng; hoặc phong cách trừu tượng, siêu thực nhưng với sự thể hiện thật dịu dàng, mềm mại, như tác phẩm sắp đặt “Trống mái” (inox gương) của tác giả Nguyễn Trường Giang, “Nude 1 + 2” (sơn mài) của tác giả Phạm Nghĩa, hoặc “phiến đá nở hoa” (sơn dầu) của tác giả Trịnh Liên…

Clip triển lãm "Gặp gỡ Hà Nội" của 12 họa sĩ xứ Thanh:

Chia sẻ về các tác phẩm của mình góp mặt tại triển lãm nhóm, nữ họa sĩ nổi tiếng nhờ thời trang thêu tay và gây bất ngờ với hội họa Đỗ Quyên Hoa cho biết: “Các sáng tác của tôi hiện nay tập trung vào đề tài con người và thiên nhiên Tây Bắc. Vùng đất mà tôi đã bị mê hoặc. Tôi từng luồn bản nhiều ngày để thu nhận những khoảnh khắc đẹp, độc đáo, “không đụng hàng”. Những hình ảnh mà tôi yêu mến về Tây Bắc là chất liệu để tôi say, vẽ và chia sẻ nó đến với người hội họa.”

Cuộc gặp gỡ của 12 họa sĩ quê gốc Thanh Hóa tại Hà Nội nhờ vào sợi dây kết nối là nghệ thuật, “đơm hoa” thành cuộc triển lãm giàu sức sáng tạo. Sự kết nối trong hoạt động nghệ thuật rất cần được khuyến khích để các cuộc “Gặp gỡ Hà Nội” tiếp theo tiếp tục đem đến các tác phẩm chất lượng và để nghệ thuật tiếp tục gửi gắm tiếng nói đúng mức, kịp thời trước các vấn đề quan trọng của đời sống.

Triển lãm nghệ thuật hội họa và mỹ thuật “Gặp gỡ Hà Nội” của 12 họa sĩ quê gốc Thanh Hóa đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội kéo dài từ ngày 8 - 14/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Gặp gỡ Hà Nội”:

Tác phẩm "Màu thời gian" (sơn dầu) của tác giả Nguyễn Thế Dung.

Tác phẩm “Đợi” (acrylic) của tác giả Nguyễn Tuấn Dũng.

Tác phẩm “Hành trình” (sơn dầu) của tác giả Vũ Mười.

Tác phẩm "Biến thể VI" của tác giả Phạm Hùng Anh.

Tác phẩm “Sông Tô 47” (bột màu trên bìa) của tác giả Vũ Xuân Đông.

Tin, ảnh, clip: L. Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/soi-day-ket-noi-nghe-thuat-o-trien-lam-gap-go-ha-noi-20220508220345664.htm